Kinh tế Australia thiệt hại gần 7 tỷ USD do tình trạng 'COVID kéo dài'
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, một nghiên cứu công bố mới đây trên Tạp chí Y khoa của Australia, cho thấy tình trạng 'COVID kéo dài' gây thiệt hại 10 tỷ AUD (6,7 tỷ USD) cho nền kinh tế nước này.
Cụ thể, dựa trên các thống kê về số ca mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2023, nghiên cứu cho thấy trong tháng 9/2022, khoảng 1,3 triệu người Australia phải sống chung với tình trạng “COVID kéo dài”, trong đó có khoảng 55.000 trẻ em từ 4 tuổi trở xuống.
Các nhà nghiên cứu cũng đã theo dõi dữ liệu giám sát nước thải từ hơn 5.000 người trưởng thành đang đi làm - những người có triệu chứng từ 3-12 tháng hoặc lâu hơn và phát triển một mô hình toán học để xác định số lượng triệu chứng COVID-19 đang diễn ra, đồng thời tính toán số giờ mà người dân Australia không thể làm việc hoặc bị buộc phải giảm giờ làm do các triệu chứng “COVID kéo dài” trong 12 tháng sau khi họ mắc bệnh. Giáo sư Quentin Grafton thuộc Đại học Quốc gia Australia, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết Australia đã mất khoảng 100 triệu giờ lao động do “COVID kéo dài” và người lao động từ 30-49 tuổi chiếm hơn 50% tổng số giờ lao động bị mất. Theo ông Grafton, điều này đã gây thiệt hại lớn cho toàn bộ nền kinh tế.
Trong khi đó, theo giáo sư Raina MacIntyre của Đại học New South Wales - người chuyên nghiên cứu về dịch bệnh và là trưởng nhóm nghiên cứu, ngay cả khi chỉ có 2% số người mắc “COVID kéo dài” thì đó vẫn là gánh nặng lớn về sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Các nhà nghiên cứu ước tính vào tháng 12/2024, có khả năng khoảng từ 173.000 đến 873.000 người Australia sẽ vẫn phải sống chung với tình trạng “COVID kéo dài” sau lần mắc bệnh đầu tiên 1 năm. Con số này không bao gồm các trường hợp tái nhiễm. Vì vậy, cả giáo sư Grafton và giáo sư Raina MacIntyre đều khuyến nghị chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và nơi sử dụng lao động hành động ngay lập tức để giải quyết vấn đề này và đã đến lúc phải đưa ra một chính sách đa dạng hơn để đẩy lùi những tác động lâu dài của COVID-19, chẳng hạn như khuyến khích nhiều người tiêm chủng hơn, cho phép tiếp cận rộng rãi hơn với thuốc kháng virus, thực hiện nghiêm túc các biện pháp như đảm bảo không khí trong nhà an toàn, sử dụng khẩu trang trong bệnh viện, các khu vực lâm sàng, nơi công cộng….
Giáo sư MacIntrye cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách tốt hơn về tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em vì hiện tại, trẻ em Australia dưới 5 tuổi không được khuyến khích tiêm chủng, ngoại trừ những trẻ mắc các bệnh lý nền làm tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19.