Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số

Sáng 14/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo

Sáng 14/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; các Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, Nguyễn Huy Dũng; các cơ quan của Ban Tuyên giáo T.Ư, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan báo chí, truyền thông T.Ư, địa phương trên toàn quốc.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên của cộng đồng báo chí Việt Nam mang tên "Diễn đàn Báo chí tháng Sáu", do Tạp chí TT&TT, Báo điện tử Vietnamnet, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đồng chủ trì.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, theo thống kê, cả nước hiện có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 670 tạp chí, 72 cơ quan PT-TH. Tuy khác nhau về loại hình nhưng phần lớn cơ quan báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính. Khó khăn này một phần do các cơ quan báo chí trong nước đang bị các nền tảng xã hội cạnh tranh về quảng cáo - truyền thông và cả người đọc, người xem. Các doanh nghiệp cắt giảm chi phí cho quảng cáo - truyền thông, nhất là những năm gần đây. Bên cạnh đó, nguồn lực và cơ chế của Nhà nước cho đặt hàng báo chí còn hạn chế và tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết triệt để...

Ngoài ra, các cơ quan báo chí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí. Hiện nay, chi thường xuyên cho báo chí hằng năm là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.

Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 6/4/2023; mục tiêu đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế.

Với ba phiên làm việc chuyên đề và 1 phiên họp toàn thể, Hội thảo tập trung nhận diện bức tranh kinh tế báo chí; xây dựng mô hình kinh tế báo chí đặc thù Việt Nam; phát triển thị trường truyền thông trong sự bùng nổ nền kinh tế số; bài toán kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam, những gợi mở và kết nối ý tưởng.

Các đại biểu đã thảo luận về thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí; mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ bài học kinh nghiệm quốc tế và bước tiến mới tại Việt Nam. Đồng thời, phân tích về những dự báo, vấn đề cần quan tâm chú trọng trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số thời gian tới; sự đồng hành của hệ thống cơ sở đào tạo báo chí truyền thông trong lĩnh vực kinh tế báo chí nói riêng cũng như trong sự phát triển bền vững, lâu dài của báo chí Việt Nam...

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh đã đưa ra bức tranh kinh tế báo chí truyền thông hiện nay trên thế giới. Theo đó, báo chí toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, như việc các ấn phẩm in giảm cả về số lượng lẫn doanh thu. Trong khi đó, các ấn phẩm số gia tăng nhưng không đáng kể. Về quảng cáo, dù thị trường quảng cáo toàn cầu trong những năm gần đây tăng nhưng với báo chí thì lại giảm đi. Trước thực tế này, các cơ quan báo chí trên thế giới đã quan tâm tới việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó tập trung vào các giải pháp như tổ chức sự kiện, thu hút tài trợ, hợp tác với mạng xã hội cũng như các nền tảng công nghệ - trí tuệ nhân tạo...

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng sẽ hướng tới tìm kiếm doanh thu từ độc giả như một "nguồn thu an toàn"…

Hồng Trung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/190239/kinh-te-bao-chi-truyen-thong-viet-nam-tr111ng-boi-canh-phat-trien-kinh-te-so.htm