Kinh tế biển - đòn bẩy giúp TP HCM cất cánh
Ngày 30/3, TPHCM tổ chức Hội thảo 'TP HCM – Tầm nhìn kinh tế biển kết nối với chuỗi đô thị quốc tế'.
Lãnh đạo TP HCM cho rằng, thành phố đang đứng trước nhu cầu tất yếu chuyển đổi để trở thành một trung tâm tài chính, dịch vụ thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế. Trong đó, điều kiện vô cùng thuận lợi hiện nay là sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm mới từ phía Đông và Tây như: Thành phố Vũng Tàu, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, các khu đô thị mới hiện đại và cảng hàng không quốc tế Long Thành, huyện Gò Công Đông, cảng Hiệp Phước...
Từ những lợi thế trên, thành phố mong muốn mô hình phát triển trong tương lai cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt. Đặc biệt là tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển gắn với chuỗi đô thị biến mang tầm vóc quốc tế. “Xét trên thực tế thấy rõ, Vịnh Cần Giờ sẽ cơ hội tạo bước ngoặt thay đổi phương thức và mô hình phát triển của thành phố và vùng thành phố. Thành phố chuyển từ phát triển dựa vào đất đai, sang phát triển dựa vào biển”, ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, định hướng chiến lược TP HCM có kinh tế biển, chuỗi đô thị biển phát triển, kết nối với quốc tế và khu vực đã trở thành yêu cầu cấp thiết của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố. Việc chuyển hóa không gian kinh tế Biển Vùng Cần Giờ theo định hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái nhân văn, phát huy hiệu quả tiềm năng. Hy vọng mong muốn phát triển kinh tế biển là bước đột phá của TPHCM và vùng thành phố trong hành trình vươn ra biển lớn và cùng hội nhập, phát triển cùng thời đại.
Bàn đến kế hoạch phát triển kinh tế biển của TP HCM, ông Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên – Môi trường cho biết, xu thế hiện nay của các nước trên thế giới có biển hay không có biển đều xoay trục từ phát triển dựa vào đất sang phát triển dựa vào biển.
Tập trung ở các lĩnh vực liên quan như: tài nguyên khoáng sản từ biển, năng lượng tái tạo từ gió và thủy triều, du lịch biển, vận tải biển, công nghệ sinh học biển,… “Chuỗi đô thị biển Vũng Tàu – Cần Giờ - Gò Công tại vịnh Cần Giờ sẽ tạo mặt tiền biển đón nhận cơ hội phát triển kinh tế biển có giá trị gia tăng cao, làm bàn đạp cho TP HCM trở thành một thành phố cửa gõ kết nối với khu vực và quốc tế. Khi đó TPHCM không chỉ đóng vai trò quan trong với phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn là mấu chốt trong các chiến lược quốc tế”, ông Lưu Thế Anh chỉ rõ.
Lý giải điều kiện tốt giúp TP HCM phát triển kinh tế biển, ông Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững chia sẻ, vùng TPHCM có vị trí chiến lược trên bản đồ hàng hải quốc tế. Thành phố nằm trên tuyến giao thông xuyên Á và là cửa ngõ kết nối với cảng Busan (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản).
Thế nhưng, công suất hàng hải chưa đạt một nửa công suất tối đa của hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải. Như vậy, tiềm năng còn rất lớn, phải tăng cạnh tranh hàng hóa với khu vực. “Cần Giờ là vùng tiếp giáp duy nhất tới cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đồng thời cũng là điểm duy nhất tiếp giáp với biển để phát triển các loại hình kinh tế biển. Cần Giờ ngoài chức năng là một khu rừng ngập mặn còn là không gian có thể phát triển đô thị biển gắn liền với du lịch biển”, ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhìn nhận.
Liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế biển của TP HCM, ông Đặng Hùng Võ ủng hộ TP HCM lấy biển Cần Giờ để khai thác kinh tế biển. Tuy nhiên, theo vị này, cần có định hướng cụ thể nhằm phát triển bền vững mà không ảnh hưởng đến môi trường. Muốn vậy cần phát triển theo hướng liên kết nghĩa là hình thành một hệ sinh thái biển, nương nhờ vào nhau để hoạt động.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te-bien--don-bay-giup-tp-hcm-cat-canh-557763.html