Kinh tế châu Âu: Thừa nhận chỉ là 'phàm nhân', nỗi sợ tụt hậu trước Mỹ-Trung Quốc, 2 sai lầm lịch sử, không sập bẫy 'phép màu' (Kỳ cuối)
Châu Âu đang quay cuồng với '2 sai lầm lịch sử to lớn': Sớm loại bỏ năng lượng hạt nhân, đặc biệt là ở các nước công nghiệp như Đức, và trở nên phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Vị thế trên thị trường năng lượng
Có nhiều cách để EU có thể vực dậy nền kinh tế đang trì trệ của mình. Chẳng hạn, họ có thể phát triển chuỗi cung ứng mới cho các kim loại quan trọng. Điều này có thể sánh ngang với sự hào phóng của IRA để bảo vệ cơ sở công nghiệp xung quanh các nguồn năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, điều khó thay đổi hơn trong trung hạn là vị thế của châu Âu trên thị trường năng lượng toàn cầu. Như Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế Fatih Birol đã nói với Financial Times vào đầu tháng 4, châu Âu đang quay cuồng với “hai sai lầm lịch sử to lớn”: Sớm loại bỏ năng lượng hạt nhân (đặc biệt là ở các nước công nghiệp như Đức) và trở nên phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Kịch bản ngày tận thế về mùa Đông không có điện vẫn chưa xảy ra, một phần nhờ vào việc tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Nhưng điều này đã phải trả giá: Châu Âu bị đẩy vào thế bất lợi về mặt cấu trúc, điều mà Matthieu Auzanneau, Chủ tịch nhóm cố vấn về chính sách môi trường của tổ chức phi lợi nhuận Shift Project (Pháp), ví như một khoản trợ cấp bổ sung giúp thúc đẩy sự bùng nổ đầu tư của Mỹ.
Mặc dù đỉnh cao năm 2022 đã qua đi, nhưng mức giá điện trung bình các công ty châu Âu phải trả vẫn gấp 2 đến 3 lần chi phí mà đối thủ cạnh tranh Mỹ bỏ ra. Điều này đang thúc đẩy quyết định của Washington nhằm tăng gấp đôi hoạt động khai thác đá phiến.
Ông Auzanneau cho biết, cuộc cách mạng đá phiến đã mang lại “một lợi ích muộn màng cho sức mạnh của Mỹ. Tây Âu chắc chắn đang ở thế yếu trong khả năng tiếp cận năng lượng và ngày càng phụ thuộc vào Washington. Vẫn tiếp tục tồn tại tình trạng giá năng lượng tương đối cao”.
Với hy vọng tạo ra phản ứng dữ dội chống lại các nhà bảo vệ môi trường, phe cực hữu đang vận động dựa trên ý tưởng rằng các quy định của EU đã tạo gánh nặng cho người châu Âu bằng những quy định mà Trung Quốc và Mỹ sẽ không bao giờ áp đặt lên doanh nghiệp của chính họ. Ví dụ, khi nông dân trên khắp châu Âu phát động các cuộc biểu tình bằng xe máy kéo vào mùa Đông vừa qua, phe cực hữu coi đó là dấu hiệu cho thấy người dân phản đối các quy định môi trường mà EU áp đặt lên họ.
Nhưng áp lực khôi phục “khả năng cạnh tranh” không chỉ đến từ phe cực hữu. Ông Macron đã kêu gọi “tạm dừng quy định” đối với các tiêu chuẩn được áp dụng trong Thỏa thuận Xanh (Green Deal) của châu Âu. Đây là gói quy chuẩn và tiêu chuẩn môi trường mà EU đã áp dụng từ năm 2020 và được thiết kế để đưa khối này đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.
Năm ngoái, khi Nghị viện châu Âu thông qua kế hoạch loại bỏ dần ô tô động cơ đốt trong vào năm 2035, Đức và ngành công nghiệp hùng mạnh của nước này đã “xé rào” quy định, lo ngại rằng các nhà sản xuất ô tô châu Âu sẽ không thể chống lại hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong một lĩnh vực từ lâu đã là nền tảng của cơ sở công nghiệp lục địa già.
Sự phản kháng này bộc lộ những điểm yếu trong chiến lược khí hậu của châu lục. Bà Clara Léonard, một nhà kinh tế của Viện Avant-Garde (Pháp), giải thích rằng, Thỏa thuận Xanh và các sáng kiến mới hơn như Đạo luật Công nghiệp Net-Zero “về cơ bản là về các chuẩn mực và quy định pháp lý. Không có chiến lược đầu tư toàn cầu nào giống như những gì đang thấy ở Mỹ”. Trách nhiệm kích thích tài chính và trợ cấp phần lớn được giao cho từng quốc gia, với mức độ linh hoạt tài chính rất khác nhau.
Đối mặt với quy mô đầu tư cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, các quốc gia bảo thủ về mặt tài chính như Đức và đối tác Bắc Âu vẫn từ chối lời kêu gọi vay chung ở cấp độ toàn liên minh. Ngân sách của EU vẫn chiếm khoảng 1% GDP của khối, điều này khiến các vấn đề về chính sách công nghiệp và kinh tế phần lớn do từng quốc gia thành viên giải quyết.
Tuy nhiên, việc kiểm tra chi tiêu thâm hụt của các quốc gia thành viên đã được khôi phục vào mùa Đông qua và điều này có nguy cơ làm gia tăng khoảng cách giữa các nước có khả năng tài chính để đầu tư và những thành viên yếu hơn.
Bà Léonard cho biết: “Các quy định về ngân sách của châu Âu tạo ra sự mất cân đối vì một mặt chúng có mục tiêu về tính bền vững nợ, mặt khác là mục tiêu giảm khí thải. Nhưng vì chỉ có các quy tắc về ngân sách chứ không phải các quy tắc về khí hậu kèm theo các biện pháp trừng phạt và giám sát, điều đó dẫn đến một hệ thống phân cấp ngầm ủng hộ sự bền vững tài chính hơn là sự bền vững môi trường”.
Những quy định này có thể củng cố khoảng cách đầu tư của EU so với Mỹ. Rất có thể tái diễn kịch bản giai đoạn sau năm 2008, khi Mỹ linh hoạt hơn châu Âu trong việc theo đuổi chi tiêu thâm hụt và kích thích tài chính, thu được lợi ích từ vị thế USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Nâng cao khả năng cạnh tranh
Nếu không có một thỏa thuận công nghiệp toàn diện, động lực chính để nâng cao “khả năng cạnh tranh” của châu Âu là chính sách thương mại và hội nhập thị trường. Các cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta và Mario Draghi đã được giao nhiệm vụ soạn thảo các báo cáo dự kiến sẽ ảnh hưởng đến quyết định từ Ủy ban châu Âu (EC), do bà Ursula von der Leyen lãnh đạo kể từ năm 2019.
Báo cáo của Thủ tướng Letta được công bố vào tháng 4 vừa qua, trong khi ông Draghi, người lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ năm 2011-2019, đã có bài phát biểu sơ bộ vào ngày 16/4, nêu rõ kết luận của mình, dự kiến sẽ được công bố chi tiết vào tháng 6 tới.
Cả hai chính trị gia đều cho rằng, thị trường chung của châu Âu đã không thực hiện được lời hứa ban đầu là trở thành một khu vực kinh tế hội nhập.
Trong khi Trung Quốc và Mỹ tự hào về thị trường nội địa khổng lồ về mọi thứ, từ hàng hóa và dịch vụ cơ bản cho đến đầu tư vốn thì thị trường châu Âu vẫn bị phân mảnh. Điều này có nghĩa là ngoài các tập đoàn trong các lĩnh vực như công nghiệp nặng hoặc hàng xa xỉ, EU còn phải nỗ lực để thúc đẩy các “nhà vô địch” kinh doanh - sử dụng thuật ngữ phổ biến ở Brussels.
Ví dụ, các ông Letta và Draghi quan sát thị trường viễn thông Mỹ do 3 công ty thống trị và họ kêu gọi EU thực hiện một loạt vụ sáp nhập giữa hơn 34 công ty viễn thông của liên minh. Họ kêu gọi sự tập trung tương tự vào các ngành năng lượng, tài chính và quốc phòng để hình thành các đối thủ nặng ký về thương mại có quy mô cạnh tranh quốc tế.
Những đề xuất này là dấu hiệu của một cuộc tranh luận được thúc đẩy bởi những lo lắng về địa chính trị và sức mạnh kinh tế cứng. Và mặc dù có thể có những điểm nổi bật trên thị trường mà sự tập trung là “tự nhiên”, Max von Thun, Giám đốc khu vực châu Âu của Viện Thị trường mở chống độc quyền, đã bác bỏ giả định phổ biến rằng quy mô kinh tế tương đương với an ninh.
Ông Max von Thun nói: “Việc tạo ra các điểm thất bại là rất nguy hiểm. Hãy nhìn những gì đã xảy ra trong thời kỳ thiếu hụt chip ở giai đoạn dịch Covid-19 vì quá nhiều hoạt động sản xuất tập trung ở Đài Loan (Trung Quốc). Nếu chúng ta chỉ nói, ‘được rồi, hãy sản xuất tất cả những con chip này ở Đức’, thì chúng ta sẽ tạo ra một kiểu phụ thuộc khác, ngay gần nhà hơn”.
Lợi thế riêng có
Nhìn từ một góc độ khác, điểm yếu của châu Âu về nhiều mặt lại là điểm mạnh. Trong khi tránh mức độ tập trung doanh nghiệp như ở Mỹ, EU tự hào có mức sống thuộc hàng cao nhất thế giới.
Ngày càng có nhiều người rơi vào kẽ hở của cái mà các nhà lãnh đạo EU vẫn thích gọi là “nền kinh tế thị trường xã hội”. Nhưng “lối sống” châu Âu được củng cố bởi các hệ thống phúc lợi xã hội mạnh mẽ và bảo hộ lao động vẫn là niềm ghen tị của nhiều người.
Sự so sánh quá nhiệt tình với Mỹ đã gạt bỏ nhiều yếu tố văn hóa và xã hội làm nền tảng cho mô hình kinh tế của châu Âu.
Ông von Thun nói: “Thật là một con đường sai lầm nếu đi xuống để xác định một cách cơ bản và đưa ra tất cả các quyết định chính sách dựa trên những gì bạn nghĩ các quốc gia khác đang làm hoặc không làm. Châu Âu có nền kinh tế dân chủ và đa dạng hơn Mỹ.
Người châu Âu đã sẵn sàng chấp nhận rằng thị trường không có khả năng tự điều chỉnh một cách kỳ diệu. Chúng là một công cụ hữu ích, nhưng bạn phải hướng chúng đến những mục đích nhất định”.
Việc “nịnh nọt” về "phép màu" được cho là của Mỹ cũng bỏ qua mức độ mà rất nhiều người dân nước này phải trả giá cho sự bùng nổ của nền kinh tế.
Theo Zsolt Darvas, nhà kinh tế học tại Viện Bruegel ở Brussels, nếu tính đến sự thay đổi tỷ giá hối đoái và chi phí sinh hoạt, ví dụ, sử dụng GDP bình quân đầu người bằng sức mua tương đương, để so sánh giữa châu Âu và Mỹ, thì ít kịch tính hơn.
Chuyên gia Darvas nhận định: “Nếu so sánh sản lượng kinh tế trên mỗi giờ làm việc thì châu Âu thậm chí còn tốt hơn. Có lý do chính đáng cho điều đó: Người châu Âu coi thời gian giải trí là rất quan trọng”.
Một yếu tố khác vắng mặt một cách kỳ lạ trong nỗi lo sợ suy thoái kinh tế của châu Âu: EU thải ra lượng CO2 gần bằng một nửa so với Mỹ, một con số mà trong những năm 2020 chắc chắn là thước đo có ý nghĩa về sức mạnh kinh tế của bất kỳ quốc gia nào.
Ông Matthieu Auzanneau, Chủ tịch nhóm cố vấn về chính sách môi trường của tổ chức phi lợi nhuận Shift Project kết luận: “Tôi chưa thấy bất kỳ dự đoán đáng tin cậy nào của Mỹ về việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 với Đạo luật Giảm lạm phát. Chiến lược dài hạn ở đâu? Cuối cùng, họ không thực sự tuyên bố về cam kết này, ngoài việc ném càng nhiều tiền càng tốt với hy vọng rằng có lẽ sẽ có điều gì đó xảy ra”.