Kinh tế chia sẻ và cuộc cách mạng tư duy

Các mô hình kinh tế mới đang xuất hiện như kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng, dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P lending); dịch vụ vận tải trực tuyến (GoViet, Bee, Grab, Fastgo…); dịch vụ chia sẻ phòng nghỉ và thuê phòng trực tuyến (Luxstay, Homestay, Airbnb, VRBO…); dịch vụ chia sẻ chỗ làm, gửi xe, chia sẻ nhân lực… đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam.

Giá trị lớn nhất của mô hình kinh tế chia sẻ là các nguồn lực được khai thác tối đa để tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn.

Giá trị lớn nhất của mô hình kinh tế chia sẻ là các nguồn lực được khai thác tối đa để tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn.

Mô hình kinh tế mới

Khảo sát gần đây của Công ty Nielsen cho thấy cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh này, 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ…

Những mô hình kinh doanh mới đã đưa đến cho người tiêu dùng những dịch vụ tiện ích hơn, chất lượng hơn, giá cả rẻ hơn. Thế nhưng giá trị lớn nhất của mô hình kinh tế chia sẻ là các nguồn lực nhàn rỗi được khai thác tối đa để tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho xã hội.

Tuy nhiên những loại hình kinh doanh mới này không chỉ khiến kinh doanh truyền thống ngày càng khó khăn hơn mà còn có thể sẽ đem lại nhiều rủi ro. Đơn cử như hình thức cho vay ngang hàng P2P. Nếu được quản lý tốt P2P sẽ thúc đẩy cạnh tranh, phân bổ vốn hiệu quả theo nguyên tắc thị trường, giảm chi phí vay mượn... Thế nhưng nếu không được quản lý tốt, mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người đi vay lẫn người cho vay.

Theo đó, người đi vay có thể bị “chặt chém” lãi suất, thậm chí không loại trừ thông tin cá nhân bị lợi dụng, bị rao bán… Trong khi với người cho vay, rủi ro mất tiền cũng rất lớn. Ngoài ra là những rủi ro như bị hacker tấn công, sàn sập hoặc giao gián đoạn…

Theo các chuyên gia, không nên vì lo ngại rủi ro mà cấm. Nhưng những rủi ro tiềm ẩn của mô hình kinh doanh mới đang đặt ra yêu cầu phải quản lý để ngăn ngừa rủi ro cũng như để các mô hình kinh tế mới này phát triển lành mạnh, đóng góp hiệu quả vào tổng thể chung của nền kinh tế.

Vấn đề là phải quản thế nào để không kìm hãm các mô hình kinh doanh mới phát triển?

Thị trường luôn là người đi trước

“Thị trường diễn biến ngày càng nhanh, luôn là người đi trước, còn phản ứng của cơ quan quản lý vẫn còn chậm. Để thúc đẩy phát triển kinh tế chia sẻ, thách thức lớn nhất là thể chế kịp đổi mới tạo điều kiện và định hướng cho thị trường phát triển”, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN Việt Nam phát biểu và nhấn thêm: “Kinh tế chia sẻ vẫn ngày một mở rộng với sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới, chính sách cũng phải mới, mở và thoáng để mô hình kinh doanh mới phát triển nhưng khi cơ chế quản lý không theo kịp thì cũng nảy sinh rủi ro rất lớn. Vì vậy rất cần một cuộc cách mạng về tư duy chính sách”.

Đi thẳng vào vấn đề cụ thể như mô hình P2P, ông Hòe cho rằng, cần đưa P2P đưa vào danh mục ngành hàng kinh doanh có điều kiện với các điều kiện về vốn tối thiểu, hạn mức cho vay tối đa, chỉ được cho vay ngắn hạn và trung hạn, có trần lãi suất và phí… Rộng hơn, cần một hành lang pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) với kinh tế chia sẻ, cho kinh tế chia sẻ, cho Fintech nói chung và cho P2P, có thể là một nghị định của Chính phủ.

Cùng chung quan điểm phải có cuộc cách mạng về tư duy chính sách đối với mô hình kinh tế chia sẻ, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương – Viện Nhà nước và Pháp luật cũng chỉ ra rủi ro “núp bóng chia sẻ và nguy cơ trục lợi” nếu không quản lý tốt như trong lĩnh vực vận tải. Đã có trường hợp các hãng cung cấp ứng dụng gọi xe cũng đồng thời mua sắm xe để tham gia trực tiếp vào thị trường vận tải. Như vậy, ứng dụng đặt xe không còn mang ý nghĩa như một nền tảng trung gian, mà trở thành “kênh bán hàng” của chính doanh nghiệp kia.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ dịch vụ vận tải công nghệ sẽ khiến ùn tắc giao thông ngày một nặng hơn… Từ đó, ông Dương cho rằng, khi xây dựng chính sách ưu đãi, cần nhất quán xác định tư cách trung gian của nền tảng với người trực tiếp tham gia hoạt động chia sẻ để tránh bị trục lợi. Đặc biệt cần dựng lên các điều kiện kinh doanh cần thiết; trong đó với lĩnh vực vận tải, đó có thể là tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện, năng lực tài xế (bao gồm cả lý lịch tư pháp), số lượng tài xế và việc cấp phép hoạt động tại các đô thị.

“Chắc chắn đây sẽ lại là một cuộc tranh cãi lớn nhưng không có con đường thứ ba, ngành giao thông phải đối đầu với nó”, ông Dương nhấn mạnh.

Nêu quan điểm về hoàn thiện quản lý nhà nước đối với kinh tế chia sẻ, TS. Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban nghiên cứu các vấn đề xã hội CIEM khẳng định: “Cần ủng hộ, cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0”. Nhưng kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng rẽ trong nền kinh tế, nên không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt.

Đặc biệt, để kinh tế truyền thống không bị suy giảm trước sự phát triển mạnh mẽ của những mô hình kinh doanh mới thì không nên mang tư duy siết chặt, tức là ép các mô hình kinh doanh mới chui vào khuôn khổ quản lý cũ mà phải nới lỏng, cởi bỏ các hạn chế, điều kiện đối với các mô hình kinh doanh truyền thống, tạo điều kiện và hỗ trợ kinh doanh truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. “Và quan trọng hơn cả là nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo Tri Nhân/thoibaonganhang.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/kinh-te-chia-se-va-cuoc-cach-mang-tu-duy-314209.html