Kinh tế Chuyển đổi số, cần đội ngũ nhân lực có kiến thức đa ngành
TTH - Chuyển đổi số đã và đang rất cần đội ngũ nhân lực có kiến thức đa ngành, bởi các kỹ sư, cử nhân công nghệ thông tin (CNTT) không dễ gì nắm bắt được các kiến thức chuyên môn khác đang có nhu cầu chuyển đổi số.
Nhiều vấn đề đặt ra
Theo báo cáo thị trường CNTT Việt Nam 2021 Developers Recruitment State, trong số hơn 55.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (30%) đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần. Tại Huế, các con số khảo sát của đơn vị đào tạo cho biết, hơn 90% sinh viên tốt nghiệp các ngành CNTT có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp, nhưng vẫn còn thiếu dữ liệu việc làm đúng chuyên ngành hay vị trí tuyển dụng, mức lương, đánh giá từ doanh nghiệp.
Số liệu trên đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Những năm qua, các doanh nghiệp CNTT nói nhiều về việc thiếu nhân lực để gia công phần mềm cho nước ngoài và thực hiện các dự án chuyển đổi số cho đối tác trong nước. Trong khi các đơn vị đào tạo nỗ lực thu hút người học thì các doanh nghiệp cũng “xắn tay” tham gia để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, thực tế đào tạo và tuyển dụng đúng chuyên ngành lại khác nhau, bởi ưu tiên lựa chọn của các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT là các sinh viên khá, giỏi. Khá giỏi ở đây không chỉ là về các kiến thức do nhà trường cung cấp, mà còn phải nắm bắt được các kiến thức chuyên ngành mới nhất của chuyên ngành mà mình theo đuổi.
Câu chuyện nhân lực CNTT liên quan trực tiếp đến chuyển đổi số. Một vấn đề đáng trăn trở là các kỹ sư, cử nhân CNTT không dễ gì nắm bắt được các kiến thức chuyên môn khác đang có nhu cầu chuyển đổi số. Theo TS. Mai Anh, nguyên Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, CNTT đã và đang không thể thiếu với giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi sinh viên các ngành học khác phải tiếp thu kiến thức về CNTT để phục vụ việc chuyển đổi số cho chuyên ngành của mình, thì sinh viên CNTT lại hầu như không được học gì về các nhu cầu chuyển đổi số của các lĩnh vực khác. Lúc này, bài toán đặt ra là họ có thể rất giỏi lập trình, nhưng lại không biết lập trình cho cái gì (?).
TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, ĐH Huế cũng cho rằng, không chỉ riêng CNTT, có rất nhiều ngành nghề khác cần chuyển đổi số và phục vụ cho chuyển đổi số.
Thực tế vừa phân tích khiến nhiều người cho rằng, việc đào tạo chuyên ngành CNTT cần bổ sung một môn học về vấn đề này, để ít nhất sinh viên CNTT khi nhìn vào các lĩnh vực khác, sẽ thấy được mình có thể làm gì. Các kiến thức về kế toán, quản lý… dù đã có trong chương trình đào tạo của ngành CNTT nhưng chưa đủ, nên cần để sinh viên CNTT nhìn ra được nhu cầu của các ngành như nông nghiệp, thể thao, xây dựng, y tế… trong chuyển đổi số.
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 355/KH-UBND phát triển nguồn nhân lực CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp CNTT của tỉnh đến năm 2025; nhu cầu nhân lực hoàn thiện chính quyền điện tử; định hướng phát triển chính quyền số và chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025. Mục tiêu cụ thể, Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025 có 10.000 nhân lực làm việc trong các ngành công nghiệp CNTT; trong đó, 3.000 người hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành CNTT và 7.000 người hoạt động trong các lĩnh vực chuyển đổi số, các ngành kinh tế bổ trợ.
Nhìn vào nhu cầu của tỉnh hay bức tranh về đào tạo, tuyển dụng CNTT toàn quốc và công cuộc chuyển đổi số, rõ ràng chuyển đổi số rất cần đội ngũ nhân lực có kiến thức đa ngành, chứ không chỉ riêng về CNTT.
Phải có chiến lược trong đào tạo
Phát triển nguồn nhân lực CNTT, phục vụ công cuộc chuyển đổi số thường được nhắc đến 3 trụ cột: Nhà nước - nhà trường - nhà tuyển dụng (doanh nghiệp); trong đó, Nhà nước ban hành các chính sách, giải pháp thúc đẩy hỗ trợ, doanh nghiệp tham gia gắn kết đào tạo và thị trường việc làm, còn nhà trường đóng vai trò quan trọng đào tạo nguồn nhân lực.
Để đạt được những mục tiêu phát triển nguồn nhân lực CNTT của địa phương, Thừa Thiên Huế sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Quy hoạch, định hướng phát triển môn tin học/CNTT trong hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học chuyên ngành CNTT. Xây dựng các chương trình hướng nghiệp. Hình thành thị trường lao động CNTT và truyền thông. Đẩy mạnh phương thức kết hợp 3 bên “Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp” trong cung ứng nguồn nhân lực. Hỗ trợ và kết nối thị trường lao động. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, thu hút nguồn nhân lực CNTT. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước, cán bộ quản lý CNTT. Kiểm soát nguồn nhân lực CNTT trong trường hợp phát triển cơ cấu nhân lực CNTT không đồng đều giữa các lĩnh vực của CNTT.
Hiện nay, tại Huế có rất nhiều đơn vị đào tạo bậc ĐH, gồm nhiều trường, khoa, đơn vị thuộc ĐH Huế và Trường ĐH Phú Xuân có đào tạo liên quan đến CNTT, các ngành nghề gắn với phục vụ công cuộc chuyển đổi số. Dưới góc độ đơn vị đào tạo, các trường, khoa cần có chiến lược phù hợp, cải tiến nội dung, phương pháp đào tạo, cập nhật, xây dựng các học phần mới để sinh viên CNTT có thể hiểu nhu cầu chuyển đổi số của các lĩnh vực và ứng dụng được chuyên môn của mình.
Các trường cũng cần nghiên cứu kỹ hơn đến hoạt động đào tạo văn bằng thứ hai cho những người đã có bằng đại học, nhưng vẫn có nhu cầu học về CNTT để họ có thể chủ động vận dụng sự liên quan giữa hai ngành học, phục vụ cho chuyển đổi số trong các lĩnh vực.