Kinh tế Cộng sinh công nghiệp để phát triển bền vững
Hiện nay nhiều tỉnh, thành lớn trong nước đang được chọn làm điểm mô hình Khu công nghiệp (KCN) sinh thái theo khung quốc tế. Đây là xu thế mà Thừa Thiên Huế đang bắt nhịp để thực hiện.
Theo một chuyên gia kỹ thuật quốc gia thuộc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), xây dựng được mô hình KCN sinh thái theo khung quốc tế sẽ tạo nhiều cơ hội mang lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp (DN) tham gia. Trong đó mỗi DN đã thể hiện vai trò cộng sinh công nghiệp, cùng nhau tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên, giảm phát thải, giúp hình thành các chuỗi cung ứng mang lại lợi ích lớn về kinh tế, môi trường, xã hội.
Ông Đinh Mạnh Thắng, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Sản xuất sạch hơn (CPART) Việt Nam chia sẻ, có 5 hình thức cộng sinh các KCN sinh thái có thể triển khai là: sử dụng chung hạ tầng và tiện ích; sắp đặt cùng vị trí theo chuỗi cung ứng; kết nối DN để trao đổi phụ phẩm, chất thải để tạo thành sản phẩm có giá trị; cộng sinh dịch vụ là cùng đào tạo nhân viên hoặc cùng sử dụng một nhà thầu bảo dưỡng; các DN liên kết thu gom, xử lý và tái sử dụng nguyên, vật liệu, rác thải, năng lượng và nước.
Các công ty hạ tầng KCN có thể thành lập website chia sẻ thông tin cho DN về cơ hội tiếp cận vốn đầu tư, nguồn cung cấp nhân lực lao động, nguyên, vật liệu, nhà cung cấp thiết bị, vận chuyển hàng hóa, khách hàng. Những công ty nằm gần nhau có thể dùng chung bể chứa nước cứu hỏa, lò hơi, nguồn điện mặt trời, kho tàng, nhân viên bảo trì cao cấp sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư. DN giảm được thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa, giá thành sản phẩm sẽ hạ, tăng được khả năng cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Hiện nay ở Thừa Thiên Huế có 6 KCN và 2 KKT đang hoạt động thu hút gần 200 DA của các DN trong, ngoài nước. Mỗi KCN đều có nhiều nhóm ngành nghề khác nhau, trong đó có nhiều sản phẩm đầu ra của DN này là đầu vào của DN kia và năng lượng sử dụng tương đồng nhau... Khi nhân rộng cộng sinh cho những KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn, giúp DN tiết kiệm chi phí đầu vào, chủ động hơn trong sản xuất và bảo vệ môi trường, từng bước tiến đến sản xuất xanh, bền vững.
Gần 3 năm qua, dịch COVID-19 dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào, cước vận tải, xăng dầu tăng cao, đẩy giá thành sản xuất tăng thêm 30-100%. Bên cạnh đó, Trung Quốc triển khai chính sách "ZERO COVID" khiến nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy, DN gặp khó khăn từ đầu vào lẫn đầu ra trong sản xuất. Do vậy các DN buộc phải tính toán lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh để hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Vì thế, cộng sinh công nghiệp sẽ là một trong những giải pháp giúp DN hạ giá thành sản phẩm. Bởi trong KCN, cụm công nghiệp sẽ có sản phẩm đầu ra của DN này là nguyên liệu đầu vào của DN kia, kết nối để họ cung ứng sản phẩm cho nhau và mang lại lợi ích cho nhau.
Gần đây, xu hướng của các nhãn hàng trên thế giới đều khuyến khích, yêu cầu những nhà máy sản xuất theo đơn hàng của mình phải có lộ trình tham gia vào sản xuất xanh. Theo đó những nhà máy đi đầu trong sản xuất xanh sẽ có cơ hội nhận được nhiều đơn hàng từ các nhãn hàng hơn. Về lâu dài, đây là con đường DN phải đi để khai thác các ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, giúp sản phẩm của DN có thể đáp ứng những thị trường đòi hỏi chất lượng cao...