Kinh tế Dâu tằm bén duyên đất Phong Hiền

Những năm gần đây, nhiều loại cây trồng mới được người dân xã Phong Hiền (Phong Điền) đưa vào canh tác. Trong đó, hiệu quả phải kể đến cây dâu tằm. Loại cây vốn chủ yếu biết đến với nghề trồng dâu nuôi tằm lại được khai thác theo hướng đi khác, đó là thu hoạch quả.

Cây dâu bén duyên vùng đất mới, cho thu nhập ổn định, lâu dài

Cây dâu bén duyên vùng đất mới, cho thu nhập ổn định, lâu dài

Theo ông Hoàng Văn Hiền, Giám đốc HTX Sản xuất Nông nghiệp Hiền Lương (Phong Hiền), cây dâu được mang từ Đà Lạt về trồng ở địa phương vào năm 2014. Một thời gian sau, thấy hiệu quả kinh tế, bà con mạnh dạn nhân giống, mở rộng diện tích.

Ông Hiền cho biết: “Mỗi năm dâu tằm cho hai vụ quả, chính vụ từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, trái vụ từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch. Chính vụ lúc thời tiết nắng ráo, quả dâu chất lượng tốt, lại đúng dịp hè nên giá bán khá cao, trung bình đạt 45 nghìn đồng/kg. Lúc trái vụ dâu có giá 30 nghìn đồng/kg. Hàng năm mỗi sào dâu cho thu nhập từ 12 – 15 triệu đồng”.

Cây dâu tỏ ra thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Quả dâu tằm Phong Hiền có hình thức đẹp, to, bóng, mọng nước, vị ngọt thanh.

Ông Trần Sỹ Ngọc, thôn trưởng thôn Hiền Lương, đồng thời là hộ trồng dâu có tiếng tại địa phương nói: “Cây dâu sống lâu năm, chống chịu khá tốt với nắng hạn, lũ lụt. Hơn nữa lại cho giá trị kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng sắn (là loại cây được trồng nhiều nhưng giá cả rất bấp bênh, lại hay bị úng ngập, thối hỏng). Vui nhất là thương lái đến thu mua tận vườn, đầu ra tốt. Vì vậy tôi đang chuẩn bị tăng diện tích thêm 2,5 sào”.

Dâu được trồng chủ yếu bằng cách giâm hom, vì vậy chi phí giống thấp, tỷ lệ sống cao. Để tiện lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch quả, các hộ trồng dâu tại Phong Hiền đã sáng tạo phương pháp trồng dâu tằm lùn.

“Sau một năm trồng là dâu đã cho quả. Cây phát triển khá nhanh vì thế bà con thường chặt tỉa những nhánh cao. Cây đẻ nhánh càng nhiều thì càng sai quả”, ông Ngọc cho hay.

Chiều cao tối đa của cây được tiết chế, duy trì dưới 2,5m. Độ rộng tán phù hợp với khoảng cách cây từ 2,5 – 3m. Nhờ vậy ánh sáng được đảm bảo cho cây phát triển, việc thu hái dâu chín cũng dễ dàng hơn.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Hiền Lương tăng thêm 5 ha dâu, nâng tổng diện tích loại cây này của thôn lên 10 ha.

Phấn khởi trước giá trị của loại cây trồng mới, song ông Hiền vẫn có những băn khoăn: “HTX đang mong muốn tập trung trồng dâu tại khu vực đồng Tự để dễ quản lý, chăm sóc. Tuy nhiên chúng tôi lo ngại tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô nên rất e dè. Dâu tằm là loại cây cho giá trị kinh tế ổn định, đây thật sự là giống cây mới, cơ hội cho bà con nông dân nâng cao thu nhập”.

Bước đầu, cây dâu tằm tại vùng đất Hiền Lương đã cho thấy giá trị kinh tế. Mong mỏi của người dân là nhanh chóng được tập huấn, phổ biến phương pháp trồng, chăm sóc để ngày càng nâng cao chất lượng, sản lượng dâu quả. Về lâu dài cần có quy hoạch chi tiết khu vực trồng dâu, sau nữa là phương pháp chế biến, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.

Quả dâu tằm chứa nhiều vitamin C, là loại quả giải khát có hương vị ngon mát, chua, ngọt rất đặc trưng, tốt cho sức khỏe. Hiện tại, dâu tằm thu hoạch bao nhiêu được thương lái thu gom bấy nhiêu, vì thế quả dâu luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Một số hộ dân đã chủ động chế biến dâu thành mứt, xi rô, nước ép, gia tăng giá trị cho loại quả này.

Bài, ảnh: Mai Huế

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/dau-tam-ben-duyen-dat-phong-hien-a78838.html