Kinh tế 'Đau' theo trào lưu

Nhiều tổ chức, DN kinh doanh BĐS thường đầu tư vào các quỹ đất xung quanh các DA phát triển giao thông đô thị

Nhiều tổ chức, DN kinh doanh BĐS thường đầu tư vào các quỹ đất xung quanh các DA phát triển giao thông đô thị

"Mỗi tháng bữa ni vợ chồng mình đi tong hơn 10 triệu tiền lãi ngân hàng. Cuối năm công việc cũng cắt giảm nhiều chắc phải tìm quê để ẩn núp". Lời chia sẻ ấy của người bạn nghe quá chạnh lòng. Bạn đang mắc vốn ở ngân hàng vì năm trước "ôm" mấy lô đất ở làng nên giờ đang trong tình trạng bí quẫn.

Tình trạng như bạn kể trên hiện nay không ít và đa phần trong trường hợp mà tôi biết đều thổ lộ, áp lực thua lỗ về đầu tư bất động sản (BĐS) khó gắng gượng thêm nữa.

BĐS lâu nay luôn là kênh đầu tư tốt với người dân do nhiều yếu tố: tính phổ biến, dễ nắm bắt thông tin, sinh lãi cao so với các kênh đầu tư chứng khoán, trái phiếu, vàng... Trong vòng 20 năm qua, thị trường BĐS có lúc lên, lúc xuống và nhiều đợt sóng lên xuống, nhưng trong làn sóng ấy có người đã "ngồi mát ăn bát vàng"; có người lên nhà, lên xe chỉ làm bạn với BĐS vài ba tháng. "Điểm hot" nhất từ cuối năm 2021 đến đầu 2022 tạo ra trào lưu nhà nhà, người người theo BĐS dẫn đến nhiều hệ lụy trong đầu tư và ảnh hưởng cả đến điều hành kinh tế vĩ mô.

Đáng bàn, điểm cốt lõi nằm ở chỗ rất nhiều người đầu tư theo trào lưu mà thiếu sự suy xét, tham khảo, thậm chí bị "dẫn dắt" bởi nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Trào lưu đầu tư "căn hộ nghỉ dưỡng", "căn hộ thương mại", đất nền các dự án khu quy hoạch dân cư mới; đất ven sông, ven biển; đất vườn, rẫy… trong vài năm nay cho thấy khá nhiều người dễ dàng bỏ tiền đầu tư cho những sản phẩm mà gần như nhu cầu thực rất thấp. Chừng 1-2 năm nay, ở các vùng quê cát lâu lâu mới thấy bóng người, như ở Phú Đa, Phú Gia, Vinh An (Phú Vang); Phong Mỹ, Phong Chương, Phong Bình (Phong Điền) có nhiều người đã săn lùng đất giá 5-6 triệu/m2; nhiều nơi có "view sông'', ''view hồ'' đất vườn, đất rẫy như, Hương Bình, Bình Điền (Hương Trà)... khách lạ, khách quen thường xuyên lui tới "đặt hàng". Những mảnh vườn tự nhiên đội giá lên nhiều lần so với trước khiến nhiều người càng hứng thú săn lùng, xuống tiền. Từ giá vài trăm triệu/1.000m2 đất nông nghiệp, chỉ cần có ''view'' đẹp, trong 1-2 năm qua giá có thể tăng lên 5-7 lần, thậm chí chục lần. Các văn phòng công chứng, văn phòng đăng ký đất đai tại nhiều địa phương đông đột biến, hồ sơ sang tên ''chất đống''. Người nọ đồn đại đến người kia, sốt đất lên đến đỉnh điểm vào cuối 2021 và từ 2022 bắt đầu hạ nhiệt, thậm chí nhiều nơi, đất đai gần như ngừng giao dịch. Tiếp đó, ngân hàng siết tín dụng, trái phiếu BĐS thanh khoản thấp, đất đai mua dễ nhưng bán khó… đã tạo nên ''hiệu ứng domino'' khiến thị trường gần như "đóng băng".

Những "cơn sốt" đất theo trào lưu này kéo theo nhiều hệ lụy, bởi nó không căn cứ theo nhu cầu thực của thị trường mà do tâm lý muốn có lời nhanh, thậm chí tạo ra cầu "ảo" để thu hút nhà đầu tư, bán đất nền chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý… Khó khăn từ thị trường BĐS nhanh chóng lan sang các lĩnh vực khác, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.

Vừa qua, Chính phủ đã phải tìm nhiều biện pháp "giải cứu" thị trường BĐS, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư, song tình hình vẫn đang rất khó khăn và theo nhiều dự đoán của các chuyên gia, những khó khăn này sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm 2023.

Tại hội nghị BĐS Việt Năm năm 2022 vừa diễn ra vào ngày 14/12 tại Hà Nội, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV chia sẻ, năm 2023 pháp lý về đất đai dần được tháo gỡ; BĐS đất nền, khu công nghiệp, nhà ở tiếp tục điều chỉnh và khả quan; thị trường lành mạnh hơn, thực chất và bền vững hơn. Bài toán tài chính doanh nghiệp liên quan đến nguồn vốn ngân hàng đang là một thách thức cần giải quyết, theo đó, thị trường BĐS sẽ được sàng lọc, tái cấu trúc và phục hồi dần...

Bài, ảnh: Song Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dau-theo-trao-luu-a121943.html