Kinh tế Đẹp người đẹp mình
Khi nhà hàng xóm chỉnh trang lại khoảnh sân, bờ rào, cả dãy nhà lân cận như sáng đẹp hẳn lên. Lâu nay, dù vài nhà rất chăm chút trồng hoa, tỉa tót cây cối, làm sạch mặt nhà, nhưng chỉ “xen kẽ” mỗi đôi ba nhà còn để rác rưởi, cây cỏ bừa bộn, nhếch nhác là xem như mất đi hình ảnh của cả xóm.
Cũng từ ngày chính quyền địa phương vận động trồng đường hoa, bồn hoa để hưởng ứng phong trào Ngày Chủ nhật xanh, nhiều cô dì, anh chị như bác Tư, dì Ty, chị Phương... ở khu quy hoạch B. hôm nào cũng cần mẫn đào đào, xới xới, sưu tầm vài giống hoa, giống cây cảnh đem trồng dọc con lươn của tuyến đường chính nối vào khu quy hoạch. Chỉ sau vài tháng, nhờ có sự chăm sóc, vun vén của mấy dì, mấy chị, tuyến đường hoa đã nên hình hài và trở thành tuyến đường kiểu mẫu của cả tổ về mô hình xanh - sạch - đẹp. Trong các dịp sinh hoạt chi bộ, hay họp tổ dân phố, lãnh đạo phường thường đem “tuyến đường hoa” ở khu quy hoạch B. ra để biểu dương, khích lệ khiến ai cũng “nở mày nở mặt”. Rồi lãnh đạo điểm một vài nơi làm tốt để nêu gương, vận động nhân rộng ra nhiều khu cụm dân cư khác.
Đẹp cùng đẹp chung, sạch cùng hưởng chung. Ý thức được điều này, nên nhiều người, nhiều nơi “nhìn nhau”, học nhau để ứng xử, thay đổi hành vi. Không chỉ ở khu dân cư, cơ quan, công sở, nhiều chợ dân sinh trên địa bàn TP. Huế như chợ An Cựu, chợ Cống, chợ Đông Ba... lâu nay vốn bất lực, khó khăn trong việc dẹp nạn lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè và tình trạng mất vệ sinh môi trường thì trong thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vừa qua, kết hợp công tác kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19, chợ Đông Ba và nhiều chợ dân sinh trên địa bàn bắt đầu cải tổ, chấn chỉnh lại trật tự, môi trường.
Mặt tiền chợ Đông Ba giờ đã có một khoảng rộng dành cho người đi bộ. Không còn những bãi giữ xe lấn chiếm vỉa hè. Không còn cảnh một vài hàng hoa bành trướng ra tận lề đường Trần Hưng Đạo dù bị phản ánh, phê bình nhưng mãi vẫn khó dẹp. Vòng ra phía sau chợ, tuyến đường Chương Dương cũng trật tự, gọn gàng khác hẳn. Dù là giờ cao điểm mua bán, nhưng mọi hoạt động dọc 2 bên không còn cảnh lộn xộn, nhếch nhác như trước. Trước kia, do các rổ hàng, ô dù, sạp quán lấn chiếm ra đường và rác thải từ các quầy hàng xả ra tùy lúc, tùy nơi, nên chợ cứ thế xấu dần và ngày càng khó chấn chỉnh.
Hỏi thăm một chị bán hàng rau củ, chị bảo, giờ ai cũng lùi vào thì mình cũng làm theo. Nếu hàng nào xích ra quá vạch chỉ vàng là bị trật tự nhắc nhở, nhiều lần bị bêu tên, bị phạt. “Như trước kia cũng rứa, hàng khác lấn ra, hàng mình bán thụt lùi bên trong thì ai thấy mà mua. Bởi rứa mà thành ra lấn cùng lấn, chừ lùi cùng lùi”, chị chủ hàng la-gim trò chuyện.
Rác cũng vậy. Ban quản lý chợ tuyên truyền, vận động và quán triệt, trong giờ chợ đông, hàng nào phải giữ sạch vệ sinh hàng đó, rác cũng phải “lưu giữ” kỹ tại quầy. Tan chợ sẽ có đội thu gom hoặc có điểm tập kết rác để tiểu thương đến đó vứt bỏ.
Nhiều người chưa tin: “Âu cũng vì dịch, hết dịch rồi đâu cũng lại vào đó”. Thực ra, thói quen dù “thâm căn cố đế” đến mấy, nhưng một khi có chủ trương đúng, quyết liệt, vì lợi ích chung, vì đảm bảo môi trường, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân thì chắc chắn rằng số đông sẽ có nhận thức đúng đắn hơn và có trách nhiệm hành động để cùng đóng góp xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, tốt đẹp hơn. Cũng như ở chợ Đông Ba và nhiều chợ dân sinh khác, chỉ cần mỗi người có ý thức, đồng lòng chịu làm thì dù khó đến mấy, việc xây dựng hình ảnh chợ văn minh, an toàn sẽ đi vào nền nếp.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dep-nguoi-dep-minh-a105112.html