Kinh tế gặp khó, cử tri Pháp băn khoăn

Cuộc chạy đua vào Điện Élyseé đã bước vào giai đoạn nước rút, nhiều cử tri Pháp vẫn còn nhiều băn khoăn nên trao niềm hy vọng cho ứng cử viên nào.

Tổng thống Macron và đối thủ Marine Le Pen. (Nguồn: Getty Image)

Tổng thống Macron và đối thủ Marine Le Pen. (Nguồn: Getty Image)

Trước mắt, để lấy được lá phiếu ủng hộ, ứng viên tổng thống Pháp sẽ phải thuyết phục các cử tri của mình bằng chính những giải pháp cho hàng loạt thách thức kinh tế đang đè nặng lên nền kinh tế hàng đầu châu Âu, trong đó, có lợi ích sát sườn là thu nhập của các hộ gia đình.

Trước vòng bỏ phiếu đầu tiên, các cuộc thăm dò dư luận khác nhau đã cho kết quả khá chính xác về tỷ lệ ủng hộ sít sao giữa Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và đối thủ chính của ông - bà Marine Le Pen. Cuộc đối đầu trực tiếp vòng hai vào Chủ nhật (24/4), sẽ quyết định ai sẽ là chủ nhân Điện Élyseé.

Lợi ích sát sườn của mỗi hộ gia đình

Sự bất ổn xung quanh nền kinh tế Pháp nổi lên một số vấn đề lớn, trong đó, nợ chính phủ đã lên tới 116% GDP. Mức nợ giữa các công ty Pháp hiện cũng đã lên tới 80% GDP - quá cao đối với các tiêu chuẩn châu Âu. Có thể tình hình chưa đến mức đáng báo động, nhưng các khoản nợ đã đủ lớn để trở thành mối lo ngại, đặc biệt là khi nguy cơ suy thoái kinh tế đang ở mức nguy hiểm đối với toàn cầu.

Tất nhiên, việc đánh giá tương lai kinh tế Pháp không nên chỉ dựa vào quy mô nợ chính phủ và khối lượng nợ giữa các công ty, nhưng ảnh hưởng của nó không đơn giản. Chính sách tiền tệ cực kỳ tích cực của Ngân hàng Trung ương châu Âu thời gian qua đã khiến một số lực lượng kinh tế tự nhiên ngừng hoạt động. Chẳng hạn, bẫy thanh khoản không còn chỉ là một khái niệm, nó hiện hữu và tất nhiên đi kèm với các rủi ro. Các khoản nợ có thể trở nên quá lớn đối với một doanh nghiệp, hoặc thậm chí với cả quốc gia, đến mức dòng tiền dương từ hoạt động kinh doanh cốt lõi không còn đủ để trả lãi cho các khoản nợ.

Theo đánh giá của giới phân tích, nợ chính phủ Pháp đã khá lớn, đủ để bắt đầu coi là gánh nặng đối với nền kinh tế và hơn nữa, nợ của doanh nghiệp nhiều khả năng cũng đã chạm mức nguy hiểm.

Bởi vậy, bất cứ ai giành được chìa khóa Điện Élyseé, dù là đương kim Tổng thống Macron hay đối thủ Le Pen đều phải chịu trách nhiệm giải quyết khoản nợ chính phủ đã bùng nổ đến mức đáng lo ngại trong những năm gần đây. Với kinh tế Pháp, “căn bệnh” thâm hụt thương mại đã trở thành kinh niên và chính phủ đã hoạt động với mức thâm hụt đó trong 30 năm qua.

Tình trạng này bị đánh giá là không lành mạnh một cách khó tin vì thâm hụt ngân sách của chính phủ cuối cùng lại trở thành một biện pháp kích thích kinh tế - nó khá nguy hiểm.

Giai đoạn hậu Covid-19, chính phủ Pháp đang rót 100 tỷ Euro (khoảng 114 tỷ USD) vào nền kinh tế, chủ yếu là đầu tư công, như một phần của kế hoạch phục hồi từ đại dịch Covid-19 và cũng đã triển khai một số khoản tài trợ khẩn cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp phải vật lộn với lạm phát gia tăng năm 2021.

Có một giải pháp nhẹ nhàng có thể được sử dụng để loại bỏ nợ là thông qua lạm phát - một phương án chắc chắn đang hiển hiện trong nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề là nó đang làm gia tăng áp lực lên điều kiện kinh tế của mỗi hộ gia đình.

Theo dữ liệu mới nhất từ OECD công bố năm 2020, 8% dân số Pháp nghèo theo chuẩn thu nhập tương đối và 32% có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo nếu phải bỏ ba tháng thu nhập. Chính kết quả sát nút của vòng bầu cử đầu tiên đã cho thấy rõ sự phân vân của các cử tri - khi áp lực về tài chính của các hộ gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến cách người dân Pháp lựa chọn người sẽ chèo lái con thuyền kinh tế trước nhiều sóng gió.

Trên thực tế, dù “bắt mạch đúng bệnh” và ngay đầu nhiệm kỳ Tổng thống, ông Macron đã thực hiện cam kết cải cách thuế và thị trường lao động. Theo như nhận định của giới quan sát, nhiều thứ đã thay đổi nhưng chưa phải là cải cách, chưa thỏa mãn những mong đợi của người dân và vẫn khác xa với những cải cách cần thiết để đưa nước Pháp trở lại đà tăng trưởng bền vững.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp 2022, khi ông Macron cam kết tiếp tục chương trình cải tổ vốn đang bế tắc, thì ứng viên Marine Le Pen cũng đã rất ý thức về áp lực tài chính lên các hộ gia đình. Bà Le Pen hứa sẽ hỗ trợ tài chính bằng nhiều hình thức khác nhau và nguồn thu đáng kể mới nhất cho chính phủ sẽ từ việc đánh thuế cao hơn đối với những người giàu có.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Peter Lundgreen - nhà sáng lập Lundgreen’s Capital, doanh nhân quyền lực trong lĩnh vực đầu tư và tài chính quốc tế, cả hai ứng viên đều chưa có được kế hoạch kinh tế rõ ràng, đủ khả năng tạo dựng niềm tin cho phần lớn cử tri.

Theo đánh giá của giới phân tích, nợ chính phủ Pháp đã khá lớn, đủ để bắt đầu coi là gánh nặng đối với nền kinh tế và hơn nữa, nợ của doanh nghiệp nhiều khả năng cũng đã chạm mức nguy hiểm.

Cần những giải pháp trọn vẹn

Nền kinh tế Pháp hoạt động tốt hơn dự kiến sau những tác động tai hại của đại dịch, với mức tăng trưởng 7% vào năm 2021 - cao hơn Đức, Italy và Tây Ban Nha. Số doanh nghiệp quay trở lại Pháp sau thời gian dịch bệnh đạt mức kỷ lục vào năm ngoái, góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm trong lĩnh vực công nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 7,4% trong quý IV/2021 – mức thấp nhất kể từ năm 2008... Thành tích kinh tế của đương kim Tổng thống Macron được đánh giá vượt trội hơn hai người tiền nhiệm, nhưng những cố gắng của ông đã đủ sức thuyết phục?

Theo nhà kinh tế hàng đầu nước Pháp Thomas Piketty, vẫn còn nhiều vấn đề ông Macron chưa thể đưa ra giải pháp trọn vẹn. Chẳng hạn, chính sách trợ giá năng lượng và đánh thuế carbon - các biện pháp vá víu trong suốt năm năm qua đã không thể giải quyết dứt điểm tình thế thụ động, bất lực của nền kinh tế mỗi khi thị trường năng lượng quốc tế biến động.

Sức mua của người dân Pháp nhìn tổng thể đã tăng lên thêm so với đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Macron, nhưng đối với 5% người dân có thu nhập thấp nhất thì không, trái lại, đã bị mất thêm 0,5% từ 2017 đến cuối 2021.

Khoảng cách giàu nghèo đã không thể thu hẹp, thậm chí còn tăng thêm, khi 1% người giàu có nhất giàu thêm, sức mua của các thành phần cực giàu đã tăng thêm 4% trong cùng khoảng thời gian trên, theo nghiên cứu của viện IPP.

Về sức mạnh công nghiệp Pháp, dù trong thời gian qua đã gặt hái nhiều kết quả đáng mừng, nhưng bị đánh giá “mất dần vị thế so với các đối thủ châu Âu”. Đối mặt với sự thụt lùi này, việc tái công nghiệp hóa cũng là một chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Nhìn vào tổng thể, các chuyên gia cho rằng, chủ nhân của Điện Élyseé không chỉ có rất nhiều việc phải làm, mà còn cần những giải pháp trọn vẹn, thực sự đem lại một làn gió mới cho kinh tế Pháp và thỏa lòng mong đợi của người dân.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-gap-kho-cu-tri-phap-ban-khoan-180989.html