Kinh tế Hà Nội tăng trưởng vượt kịch bản, đi đầu về chuyển đổi số
Dù đối mặt nhiều thách thức, kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng vượt kịch bản đề ra, nhiều chỉ tiêu dẫn đầu cả nước, nhất là chuyển đổi số.
Sáng 8-7, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 25 HĐND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Trương Việt Dũng đã trình bày báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025. Theo đó, bức tranh kinh tế - xã hội của Thủ đô tiếp tục khởi sắc, thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững.
Kinh tế Hà Nội tăng trưởng vượt kịch bản
Ông Dũng cho hay GRDP của Hà Nội trong 6 tháng đầu năm tăng 7,63%, vượt kịch bản đề ra (7,59%) và cao hơn cùng kỳ năm ngoái (6,13%). Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 392.000 tỉ đồng, bằng 77,6% dự toán năm và tăng 51,4% so với cùng kỳ. Đây là con số ấn tượng, khi thu nội địa đạt tới 373.700 tỉ đồng, riêng thu từ tiền sử dụng đất đã vượt dự toán 73,7%. Hà Nội hiện đang đóng góp gần 30% tổng thu ngân sách cả nước.
Tổng vốn đầu tư phát triển đạt hơn 223.000 tỉ đồng, tăng 10,5%, trong đó đầu tư công do địa phương quản lý đạt 33.500 tỉ đồng – cao nhất cả nước. Đặc biệt, Hà Nội thu hút hơn 3,67 tỉ USD vốn FDI, tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng.
Bên cạnh kinh tế, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Thành phố đã công nhận 187 doanh nghiệp khoa học – công nghệ, đưa 184 sản phẩm số lên nền tảng iHanoi. Tỷ lệ văn bản điện tử có ký số tại cấp xã đạt 100%. Ứng dụng iHanoi hiện tích hợp nhiều dịch vụ đô thị thông minh như giám sát cháy nổ, giao thông, bản đồ du lịch số, bệnh án điện tử…
“TP đã kết nối hơn 21 triệu lượt khám chữa bệnh lên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, đồng thời triển khai học bạ điện tử cho gần như toàn bộ học sinh tiểu học,” ông Trương Việt Dũng cho hay.
Trong 6 tháng đầu năm, TP đã phê duyệt toàn bộ 83 đồ án quy hoạch, bao gồm các phân khu sông Hồng, sông Đuống. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 52,5%.
Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Thượng Cát, vành đai 1 và vành đai 4 được đẩy nhanh tiến độ. Dự án xử lý nước thải Yên Xá đã hoàn thành hệ thống dẫn nước, chuẩn bị vận hành thử.
8 nhóm giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, Phó Chủ tịch Trương Việt Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận còn không ít tồn tại. Một số chỉ số công nghiệp tăng thấp, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng, tiến độ cải tạo sông nội đô và xử lý rác, nước thải còn chậm.
“Những điểm nghẽn này nếu không được xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi và mục tiêu tăng trưởng cả năm,” ông Dũng nói.
Để cán đích tăng trưởng GRDP 8%, TP Hà Nội xác định tám nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý có nhóm nhiệm vụ kích cầu tiêu dùng nội địa: Tổ chức các hội chợ lớn, chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, hỗ trợ hộ kinh doanh qua phần mềm hóa đơn điện tử thông minh; Thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn lãi suất ưu đãi, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua hội thảo chuyên ngành.

Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI khai mạc vào sáng nay 8-7.
Cải thiện môi trường đầu tư cũng là nhóm nhiệm vụ được đặt ra, bao gồm: Tháo gỡ vướng mắc về đất đai, quy hoạch, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, giảm số lượng doanh nghiệp giải thể; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Mở rộng nông sản sạch theo chuẩn VietGAP, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cùng với đó, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn, giải quyết vướng mắc giải phóng mặt bằng, thanh quyết toán, vật liệu; Đẩy mạnh chuyển đổi số: Số hóa toàn diện các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, giáo dục, y tế; triển khai bệnh án điện tử tại toàn bộ bệnh viện công lập; mở rộng 5G và nền tảng dữ liệu dùng chung.
Triển khai quyết liệt các dự án giao thông, quy hoạch đô thị: Hoàn thiện các tuyến giao thông chiến lược, đồ án quy hoạch lớn để định hình một đô thị xanh, hiện đại, bền vững; Xử lý ô nhiễm môi trường: Đặc biệt là nước thải, rác thải và các dòng sông nội đô. Nhà máy Yên Xá dự kiến vận hành trong quý III, mục tiêu giảm 50% mức độ ô nhiễm các dòng sông chính.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chuẩn bị chu đáo cho đợt cao điểm kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 với các hoạt động diễu binh, diễu hành, triển lãm thành tựu và khánh thành các công trình trọng điểm.
“Chính quyền thành phố sẽ tập trung điều hành quyết liệt, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng nhấn mạnh.