Kinh tế Hải Phòng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 2 con số
Sáng 12/7, Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị lần thứ 2 nghe báo cáo, cho ý kiến về một số nội dung theo quy chế làm việc.
Cụ thể, hội nghị nghe báo cáo, cho ý kiến về kiểm điểm thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025; công tác tổ chức bộ máy và công tác cán bộ 6 tháng đầu năm do Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thực hiện theo phân cấp quản lý; quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025...
Nằm trong tốp đầu cả nước về cải thiện môi trường đầu tư
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng cho biết, 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh có nhiều việc rất mới, phức tạp, chưa có tiền lệ, các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, vận động nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đối ngoại một cách đồng bộ, đạt được kết quả tích cực.

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu tại hội nghị.
Hải Phòng thực hiện toàn diện, đúng tiến độ, bảo đảm các nguyên tắc, kỹ lưỡng, đúng chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính, đội ngũ cán bộ, cơ bản bảo đảm về số lượng, bước đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Hệ thống chính quyền 2 cấp kịp thời đi vào hoạt động, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống lĩnh vực, địa bàn và nhiệm vụ được giao sau sắp xếp, kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, HĐND thành phố được quan tâm chỉ đạo, chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả ngay từ những ngày đầu năm. Đặc biệt đã triển khai hiệu quả kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với Thành ủy, ngày 14/11/2024.

Ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng trình bày báo cáo tại hội nghị.
Tại hội nghị, ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã nêu rõ một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 2 con số, ước đạt 11,28% trong 6 tháng đầu năm 2025, tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của 6 tháng cuối năm.
Các chỉ tiêu khác như thu ngân sách, thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp, sản lượng hàng qua cảng, sản xuất nông nghiệp, thu hút khách du lịch, xuất khẩu... đều đạt khá. Hải Phòng tiếp tục nằm trong tốp đầu cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh; cải cách hành chính.

Ông Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng trình bày báo cáo tại hội nghị.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm, đã tổ chức được nhiều sự kiện văn hóa nổi bật, đặc biệt là đón nhận danh hiệu Thành phố Anh hùng; Lễ hội Hoa phượng đỏ 2025, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng, thu hút sự chú ý của đông đảo các tầng lớp nhân dân, được ghi nhận, đánh giá cao.
Chính trị, xã hội ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo, giữ vững. Công tác đối ngoại được triển khai toàn diện trên các trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân được mở rộng, đi vào chiều sâu và đóng góp giá trị quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Tại hội nghị, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Ban Nội chính Thành ủy; Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy; Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng báo cáo về công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; nội chính; tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân về thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; công tác vận động quần chúng.
Lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương của thành phố báo cáo, phân tích, làm rõ thêm các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, quy hoạch, thực hiện các dự án kết nối giao thông, kết quả và những vấn đề đặt ra khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp… Hội nghị cũng nhất trí thông qua quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Phòng.

Lãnh đạo Văn phòng Thành ủy Hải Phòng phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Theo ông Đào Trọng Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chánh Văn phòng Thành ủy Hải Phòng, về tổ chức đại hội Đảng các cấp, thành phố trước và sau khi sáp nhập đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo như thông tri, kế hoạch tổ chức đại hội, thành lập các tiểu ban, các tổ công tác chỉ đạo đại hội và các văn bản chỉ đạo đại hội khác bám sát tiến độ và yêu cầu của Trung ương; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, kiện toàn các nội dung liên quan đến việc tổ chức đại hội.
Tính đến ngày 9/7 đã có 1325/1.845 (71,8%) tổ chức cơ sở Đảng tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2030. 520 tổ chức đảng dự kiến phải tổ chức đại hội trong tháng 7/2025. Ban Thường vụ Thành ủy lựa chọn Đảng bộ phường Hải An đại diện khối đảng bộ các phường; Đảng bộ xã Gia Lộc đại diện khối đảng bộ các xã tổ chức đại hội điểm và dự kiến hoàn thành việc tổ chức đại hội điểm trước ngày 3/8.
Ban Thường vụ Thành ủy quyết định thành lập 20 tổ công tác chỉ đạo đại hội để chỉ đạo, hướng dẫn công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ trực thuộc Thành ủy, phấn đấu hoàn thành đại hội trước ngày 20/8.
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện văn kiện; khẩn trương, tích cực chuẩn bị đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025 - 2030; xây dựng đề án và chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, nhiệm kỳ 2025 - 2030 gắn với nhân sự lãnh đạo chính quyền thành phố, nhiệm kỳ 2026 – 2031; xây dựng phương án nhân sự đoàn đại biểu dự của Đảng bộ thành phố dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng...

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Thực hiện “mục tiêu kép”
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh, trong 6 tháng qua thành phố tiếp tục giữ vững nhịp phát triển và hoàn thành nhiều nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển. Đồng thời nêu một số thành tựu nổi bật của thành phố như hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm vận hành thông suốt, ổn định, hiệu lực; kinh tế thành phố phục hồi và tăng trưởng khá; thu ngân sách đạt hơn 100.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa tăng 37,7%, thể hiện sức sống nội tại của nền kinh tế thành phố sau hợp nhất; công nghiệp và hạ tầng tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế. Thu hút đầu tư trong nước tăng mạnh.
Đặc biệt việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; cùng với Nghị quyết số 226 ngày 27/6/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, trong đó có cơ chế thành lập Khu thương mại tự do. Và dự kiến sắp tới đây là Khu kinh tế chuyên biệt sẽ tạo nền tảng quan trọng để thành phố chuyển mình sang mô hình phát triển hiện đại, dựa trên công nghiệp công nghệ cao, logistics và dịch vụ quốc tế. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo sát sao, đạt nhiều kết quả tích cực...
Ông Lê Tiến Châu cũng chỉ rõ một số hạn chế như tiến độ giải ngân đầu tư công chưa đạt yêu cầu; thu ngân sách đang có dấu hiệu chậm lại; thu hút đầu tư nước ngoài đang ở mức thấp; bộ máy chính quyền mới mặc dù đã được cơ bản hoàn thiện nhưng đang đối diện với những thách thức rất lớn; nguy cơ quá tải công việc ở cấp xã là hiện hữu và cần các giải pháp cấp bách để khắc phục; vấn đề ăn ở, đi lại của cán bộ công tác xa còn nhiều khó khăn, chưa được giải quyết triệt để; việc khớp nối thể chế, quy trình hành chính sau hợp nhất còn lúng túng...
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, ông Lê Tiến Châu yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, phấn đấu hoàn thành trước ngày 20/8, chậm nhất ngày 31/8/2025. Đồng thời, chuẩn bị chu đáo cho Đại hội MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; cuộc bầu cử Quốc hội khóa 16 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Đồng thời tiếp tục rà soát, khắc phục những khó khăn, vướng mắc bước đầu khi vận hành mô hình chính quyền mới. Hoàn thành dứt điểm việc thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi hợp nhất; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, muộn hoặc hưởng không đầy đủ chính sách của Nhà nước; tiếp tục rà soát nhu cầu về nhà ở, đi lại để có giải pháp khắc phục khó khăn cho cán bộ công tác xa.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng thống nhất với đề xuất của Đảng ủy UBND thành phố về việc phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2025 ở mức cao, từ 12,35% trở lên...

Hải Phòng hiện đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 2 của cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ảnh minh họa.
Để đạt mục tiêu này, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 226 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng trong tháng 7/2025; hoàn thiện Đề án thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới tại thành phố Hải Phòng trong quý 3/2025; Khu kinh tế chuyên biệt để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2025.
Tập trung rà soát, lập điều chỉnh các quy hoạch theo quy định; tổ chức lập Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng và Quy hoạch thành phố Hải Phòng mới thay thế các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập các quy hoạch cấp dưới trên địa bàn thành phố sau hợp nhất, hoàn thành trong năm 2025.
Đồng thời, chủ động làm việc với các nhà đầu tư các khu, cụm công nghiệp, cảng biển mới thành lập, chưa hoạt động để giao tiến độ và trách nhiệm; phấn đấu khởi công trong năm 2025. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển mạnh kinh tế tư nhân, nâng cao năng suất nội ngành, khuyến khích đổi mới sáng tạo; tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ các hoạt động của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) lần thứ 3...
Về nông nghiệp, môi trường, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo tiếp tục đề xuất triển khai giải pháp tổng thể chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn; phá bỏ điểm nghẽn về đất đai; đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại...
Đối với các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, ông Lê Tiến Châu đề nghị tập trung xóa nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; chuẩn bị tốt nội dung bảo vệ Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới; đề nghị UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Đồng thời, rà soát, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung đề án nâng cao năng lực y tế ở cơ sở; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động; xây dựng lực lượng Công an thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...