Kinh tế Hướng đến đô thị bán lẻ
TTH - Dự án Trung tâm thương mại (TTTM) Aeonmall có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 160 triệu USD được UBND tỉnh và Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư cùng với mô hình chuyển đổi từ Siêu thị Big C thành Đại Siêu thị GO! đầu năm 2021, đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực bán lẻ ở Huế.
Thay đổi thương hiệu 100 tỷ
Đầu năm 2021, người dân Huế đón nhận một thương hiệu bán lẻ mới - Đại Siêu thị GO! được chuyển đổi từ Siêu thị Big C Huế. Sau 12 năm có mặt tại Huế, thương hiệu Big C đã trở nên quen thuộc và nhanh chóng trở thành nhà bán lẻ hàng đầu tại Huế, được người dân và khách du lịch lựa chọn trong hành trình tham quan, mua sắm đặc sản Huế hay sản vật các vùng miền trong và ngoài nước. Với màu áo “xanh” bao trùm không gian tòa nhà TTTM Phong Phú Plaza, khi chuyển sang GO!, tất cả tòa nhà, trang trí... đều chuyển sang màu đỏ.
Theo Giám đốc Siêu thị GO!, bà Phạm Thị Thu Trang, với mục đích mang đến nhiều trải nghiệm mới cho ngành bán lẻ Việt Nam nói chung và thị trường bán lẻ ở Huế nói riêng, từ cuối tháng 12/2020 tới nay, hệ thống Siêu thị Big C đã chuyển đổi thành Đại siêu thị GO! thuộc Tập đoàn Central Retail (Thái Lan).
Để thay đổi thương hiệu, nâng cấp cửa hàng và chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống siêu thị, Tập đoàn Central Retail đã đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, trong đó đầu tư nâng cấp không gian mua sắm, chỗ đậu, đỗ xe, chỗ ngồi nghỉ chân và các gian hàng tích hợp trong TTTM với phong cách phục vụ chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Định hướng của Tập đoàn tập trung vào các chiến lược đã xây dựng trong nhiều năm qua, đó là cam kết và giữ vững tỷ lệ hàng Việt ở mức trên 90% trong cơ cấu hàng hóa của mảng bán lẻ thực phẩm thuộc tập đoàn Central Retail thông qua các hoạt động như thu mua nông sản trực tiếp từ các hộ nông dân và HTX, đồng hành cùng chương trình OCOP quốc gia, xúc tiến và đưa các nông sản OCOP vào hệ thống bán lẻ của tập đoàn…
Là đô thị trung tâm, là thành phố du lịch, song lâu nay Huế chưa có nhiều TTTM, siêu thị quy mô lớn đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân và du khách. Ngoài 3 TTTM là Trường Tiền Plaza, Phong Phú Plaza và VinCom với 3 siêu thị Co.opMart, GO! và VinMart cùng với hệ thống cửa hàng VinMart +, hệ thống bán lẻ của Huế chủ yếu tập trung tại các chợ truyền thống và cửa hàng tiện ích. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm của người dân khá lớn, đặc biệt sau khi mở rộng địa giới hành chính.
Tăng tốc thu hút đầu tư
Thành lập vào năm 2013, Aeonmall hiện đang vận hành 6 TTTM hoạt động hiệu quả tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Hải Phòng. Với mục tiêu phát triển và vận hành 20 TTTM Aeonmall tại Việt Nam đến năm 2025, công ty không ngừng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các tỉnh, thành, trong đó có Thừa Thiên Huế.
Dự án (DA) TTTM Aeonmall có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 160 triệu USD, sau khi vận hành sẽ đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho người dân, hình thành TTTM gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ người sản xuất tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm thế mạnh của tỉnh.
Theo ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam, Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều tiềm năng và giàu bản sắc văn hóa, lịch sử của Việt Nam với 5 danh hiệu UNESCO. Đây cũng là nơi đầu tiên Tập đoàn AEON thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội tại Việt Nam với DA xây dựng 30 trường học và trồng 34ha rừng tại Lăng Cô vào giai đoạn 2010-2012 nên DA TTTM Aeonmall có vai trò quan trọng trong lộ trình phát triển lĩnh vực bán lẻ ở Huế.
Giữa tháng 11/2021, lãnh đạo TP. Huế đã có buổi làm việc với ông Yokoyama Masayuki, Giám đốc đại diện Công ty Brycen Việt Nam liên quan đến DA đầu tư tổ hợp TTTM và văn phòng tại TP. Huế.
Theo Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định, DA TTTM của Công ty Brycen là khởi điểm để thành phố tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tiềm lực đến với Huế nên thành phố luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến tìm kiếm cơ hội và đầu tư vào TP. Huế.
Khuyến khích đầu tư TTTM
Theo đề án Quy hoạch phát triển thương mại (PTTM) tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó quy hoạch PTTM phải phù hợp với các định hướng của cả nước, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển hệ thống đô thị của tỉnh. Đồng thời phải dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh, đảm bảo PTTM nhanh, bền vững, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.
Theo đó, phát triển các loại hình thương mại đồng bộ, phù hợp với bản sắc văn hóa và phong tục, tập quán của dân cư; gắn với việc xây dựng, quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế ra thị trường khu vực và thế giới; phát triển hệ thống TTTM theo hướng “văn minh, hiện đại, xanh và bền vững”, gắn liền với phát triển du lịch và dịch vụ, đưa thương mại - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đối với định hướng phát triển TTTM, UBND tỉnh khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư xây dựng TTTM tại các đô thị, thị xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nghiên cứu, lựa chọn một số chợ hạng 1, hạng 2 có điều kiện về mặt bằng ở TP. Huế, TX. Hương Trà, Hương Thủy bổ sung thêm các khu chức năng để hình thành TTTM nhưng vẫn đảm bảo khu vực kinh doanh cho chợ truyền thống một cách hợp lý. Đồng thời, chỉnh trang đô thị khu vực TTTM; gắn kết hoạt động dịch vụ khách sạn, hội nghị, hội thảo, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí với các TTTM.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/huong-den-do-thi-ban-le-a107293.html