Kinh tế Khi chính quyền lắng nghe doanh nghiệp

TTH - Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) không chỉ là bảng xếp hạng về năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh mà còn là kênh đối thoại hiệu quả giữa chính quyền và hàng ngàn doanh nghiệp (DN); là 'tiếng nói' của DN và là 'sự lắng nghe' của hệ thống chính quyền và là 'sự đổi mới' trong cải cách hành chính.

Các sở, ngành, địa phương đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

Các sở, ngành, địa phương đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

Thay đổi cách thức tiếp cận doanh nghiệp

Sự đồng hành của các sở, ngành, địa phương trong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; xây dựng các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động đã góp phần nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Với mục tiêu phấn đấu năm 2021, PCI của Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm tốt hoặc trong top đầu của nhóm khá, tỉnh cũng đã triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế (DDCI) năm 2021 làm nền tảng thúc đẩy PCI.

Rút kinh nghiệm cũng như tiếp thu các ý kiến đóng góp của DN trong phiên đánh giá DDCI năm 2020, trong năm 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có những đầu tư, đổi mới cách thức hỗ trợ DN theo hướng thực chất và mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Có thể lấy chương trình hỗ trợ 100 DN chuyển đổi số trong 100 ngày làm ví dụ. Chỉ sau gần 100 ngày khởi động và tổ chức thực hiện, Sở KH&ĐT đã nhận được 66 đơn đăng ký tham gia.

Và chỉ trong một thời gian ngắn tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về các kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), các DN, HTX tham gia đã thay đổi hoàn toàn cách làm, cách tiếp cận với TMĐT. Con số tăng trưởng doanh thu từ 20-30% sau gần 3 tháng tham gia chương trình là một kết quả đáng ghi nhận không chỉ với DN, HTX tham gia chương trình, mà còn ở sự đồng hành hỗ trợ DN của đơn vị này.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng thực chất hơn

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng thực chất hơn

Như chia sẻ của một DN, những hỗ trợ thiết thực của Sở KH&ĐT đã tạo nên “năng lượng tích cực” cho DN bứt phá trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Việc hỗ trợ “trực chiến” - mời DN có kinh nghiệm trực tiếp hỗ trợ các DN theo hình thức bắt tay chỉ việc đã tạo nên những kết quả thiết thực. Những DN khi hoàn thành các chương trình đào tạo và đạt mục tiêu kinh doanh sẽ là người hướng dẫn trở lại cho những DN, HTX đi sau. Điều này sẽ tạo nên một chuỗi hỗ trợ liên hoàn mang tính bền vững trong công tác hỗ trợ DN nói chung và hỗ trợ DN chuyển đổi số nói riêng.

Ngoài hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi số, Sở KH&ĐT tập trung hỗ trợ DN mới thành lập tiếp cận với các chính sách hỗ trợ về chữ ký số, hóa đơn điện tử hay chi phí kế toán. Đến cuối tháng 11/2021, 337 DN được hỗ trợ chữ ký số; 145 DN được hỗ trợ hóa đơn điện tử; 22 DN được hỗ trợ chi phí kế toán khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Đồng thời, để giúp DN giảm chi phí thời gian đi lại, gặp nhiều cơ quan đầu mối trong thực hiện các thủ tục hành chính, Sở KH&ĐT đã phối hợp với nhiều sở ngành xây dựng quy chế liên thông nhằm giảm thiểu các đầu mối liên hệ cho DN.

Động lực trong thu hút đầu tư

Không riêng Sở KH&ĐT, trên cơ sở đánh giá, góp ý của DN khi tham gia khảo sát, các sở, ngành, địa phương đã nắm bắt được những nhu cầu cũng như góp ý của DN để có hướng điều chỉnh trong công tác tiếp cận, hỗ trợ DN. Từ đó nâng cao năng lực điều hành, hướng đến môi trường đầu tư thân thiện, “đồng hành” cùng DN.

Sự đồng hành này đang ngày càng được khẳng định khi các tổ công tác đặc biệt, tổ hỗ trợ DN… từ tỉnh đến sở, ngành, địa phương đều lần lượt được thành lập kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ khâu tìm hiểu đầu tư, nghiên cứu đầu tư đến quá trình triển khai, thực hiện dự án (DA), góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến đầu tư cho nhiều DN cả trong và ngoài nước.

Bằng chứng cho những nỗ lực ấy chính là ngày càng có nhiều DN lựa chọn Huế làm điểm dừng chân trong đầu tư. Nhờ đó, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn đã có những tín hiệu khả quan bất chấp dịch bệnh. Đến cuối năm, tỉnh đã cấp phép mới cho 25 DA và điều chỉnh 29 DA (trong đó tăng vốn 10 DA) với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 13.211 tỷ đồng. Ngoài ra, có 11 DA đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư tối thiểu trên 2.000 tỷ đồng. Ước đến cuối năm 2021, toàn tỉnh cấp mới 37 DA, tổng vốn đăng ký khoảng 20.000 tỷ đồng.

Không thể phủ nhận, việc triển khai đánh giá DDCI đã tạo động lực phấn đấu trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, DN, cải thiện các thủ tục hành chính thuộc các chỉ số thành phần có vị trí xếp hạng thấp, góp phần tăng vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

Nói như Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, DDCI không chỉ là bảng xếp hạng về năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh mà còn là kênh đối thoại hiệu quả giữa chính quyền và hàng ngàn DN; là “tiếng nói” của DN và là “sự lắng nghe” của hệ thống chính quyền, “sự đổi mới” trong cải cách hành chính. Việc khảo sát DDCI sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn, tạo động lực cho quá trình cải cách hành chính, nâng cao môi trường hoạt động kinh doanh tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Kết quả của bộ chỉ số DDCI sẽ tiếp tục là thước đo để UBND tỉnh đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và làm cơ sở cho các sở, ngành tiếp tục hoàn thiện và nâng cao năng lực hỗ trợ, đồng hành DN”, ông Cường khẳng định.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/khi-chinh-quyen-lang-nghe-doanh-nghiep-a107880.html