Kinh tế Khoa học - công nghệ Số hóa truyền hình mặt đất từ 30/6: Đề xuất lùi thời hạn

Theo thông báo từ Cục Tần số Vô tuyến điện – Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), từ 24h ngày 30/6/2019, Thừa Thiên Huế là 1 trong 12 tỉnh, thành nhóm III sẽ chính thức chuyển sang phát sóng số và ngừng phát sóng đối với các trạm phát lại từ 24h ngày 31/12/2019.

Tổng khống chế của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh đã sẵn sàng để triển khai số hóa

Tổng khống chế của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh đã sẵn sàng để triển khai số hóa

Chờ hỗ trợ đầu thu

Chuẩn bị cho lộ trình số hóa, cùng với công tác tuyên truyền, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT) thực hiện đầu tư trang thiết bị kỹ thuật TH ở đài theo hướng hiện đại, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch. Các thiết bị đã được đầu tư đảm bảo sử dụng khi chuyển sang thực hiện số hóa truyền hình (TH). Theo đó, dự án đầu tư hệ thống tổng khống chế, truyền dẫn phát sóng và hệ thống sản xuất hậu kỳ đã được thực hiện với tổng mức đầu tư từ ngân sách trên 6 tỷ đồng.

Giám đốc Đài TRT, ông Nguyễn Văn Du cho hay: “Về phía TRT, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng”. Trong tháng 6 này, theo thỏa thuận, TRT sẽ nâng công suất máy phát lên 1.200w để phủ sóng toàn tỉnh (hiện đang sử dụng máy phát 300w nên chủ yếu phát ở khu vực đồng bằng) và đang chờ máy từ Hà Nội đưa vào để lắp đặt.

“Nếu không kịp, đến 30/6, TRT sẽ phát sóng TH số mặt đất sử dụng hạ tầng truyền dẫn VTC nhưng diện phủ sóng chưa rộng và chưa mạnh”, ông Du chia sẻ.

Theo lộ trình, thời gian qua, Sở TT&TT cùng với các đơn vị liên quan đã hoàn tất việc thống kê danh sách hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ, trình Bộ TT&TT; công tác tuyên truyền về số hóa TH trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện đến cơ sở.

Phó Trưởng phòng Viễn thông- Sở TT&TT, ông Võ Văn Khoái thông tin: “Tất cả những khâu chuẩn bị cho công tác số hóa TH thuộc trách nhiệm của đơn vị đều đã hoàn thành. Riêng việc hỗ trợ đầu thu do Bộ TT&TT thực hiện và chỉ định doanh nghiệp thực hiện nên Thừa Thiên Huế cũng như các tỉnh khác thuộc nhóm III đều đang phải chờ, chứ không thể chủ động thực hiện.

Muộn lắp đặt hạ tầng truyền dẫn

Số lượng các xã, phường thuộc diện hỗ trợ đầu thu TH số mặt đất theo quy định trên địa bàn tỉnh là 139/152 đơn vị với tổng số 23.599 hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, sẽ có 109 xã, phường với gần 19 ngàn hộ thuộc diện trên được hỗ trợ đầu thu TH số mặt đất – DVB-T2 và 30 xã, phường với trên 4.700 hộ thuộc diện hỗ trợ đầu thu TH số qua vệ tinh – DTH.

13 xã phường còn lại không thuộc diện hỗ trợ đầu thu TH số, gồm 11 xã của A Lưới và 2 xã thuộc Hương Trà do có địa hình đồi núi bị che chắn nên xảy ra trường hợp khó thu hoặc không thu được TH số DVB-T2, nhất là tại biên vùng phủ sóng của trạm phát chính.

Ông Võ Văn Khoái cho biết, do trạm phát lại ở đây tạm dừng hoạt động nên hầu hết các xã không được hỗ trợ đều thuộc A Lưới. Sau này, khi trạm phát lại khôi phục hoạt động thì người dân sẽ tự trang bị đầu thu để sử dụng.

“Việc này, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền để người dân hiểu. Cục Tần số Vô tuyến điện cũng có lưu ý Ban quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích các trường hợp này để có giải pháp hỗ trợ đầu thu TH số mặt đất hoặc vệ tinh phù hợp với thực tế”, ông Khoái nói.

Theo ông Du, dù TRT đã sẵn sàng cho việc cắt sóng TH analog để triển khai số hóa, nhưng riêng hạ tầng truyền dẫn (Công ty CP TH số miền Bắc – DTV.Co thực hiện) cũng mới chỉ có thỏa thuận 2 bên (giữa TRT và DTV) chứ chưa làm việc chính thức để ký hợp đồng. Việc chậm trễ này, “có thể do DTV “ngại” địa hình Bắc Trung bộ phức tạp sẽ khó trong việc lắp đặt và mua sắm thiết bị”, ông Du lý giải.

“Nói gì thì nói, việc lắp đặt vẫn muộn so với thời điểm đối với Thừa Thiên Huế cũng như 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Vì vậy, chúng tôi đã có công văn đề xuất Bộ TT&TT, Cục Tần số Vô tuyến điện cho phát song song TH số mặt đất và truyền hình analog cho đến 31/12/2019”, ông Du nói.

Bài, ảnh: Liên Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/so-hoa-truyen-hinh-mat-dat-tu-30-6-de-xuat-lui-thoi-han-a73473.html