Kinh tế Khoa học - công nghệ Xây dựng dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng chính quyền điện tử

.VN - Ngày 3/10, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019) với chủ đề 'Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0'.

Toàn cảnh diễn đàn

Toàn cảnh diễn đàn

Phát triển mạnh mẽ công nghệ số

Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số, làm thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Tuy vậy, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình, năm 2018 Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia. Thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ.

Hiện, chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư; chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư trong sản xuất và đời sống; còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, định danh số và xác thực điện tử cho người dân chưa phát triển.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, xuất phát từ thực tế trên, để nắm bắt và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp này để phát triển bứt phá, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TƯ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trên cơ sở Nghị quyết này, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể. "Xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị là quan trọng nhưng đưa Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp này có tầm quan trọng không kém.

Với tinh thần “cách mạng” đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng, thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, trực tiếp theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết này" - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Giải 5 bài toán cho đô thị thông minh

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tham gia tại diễn đàn

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tham gia tại diễn đàn

Tham gia ý kiến tại Diễn đàn về mô hình xây dựng thành phố thông minh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, mô hình dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế được triển trong bối cảnh tỉnh đang vẫn còn khó khăn về nguồn lực tài chính, trong bối cảnh lập pháp giảm đầu mối về tổ chức chính quyền bộ máy, chưa có khung chung về đô thị thông minh của quốc gia. Nhưng xuất phát từ yêu cầu thực tế của địa phương thì tỉnh đã xây dựng các dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng phát huy giá trị, hiệu quả của chính quyền điện tử; xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thực tế của người dân, xuất phát từ nhu cầu quản lý của chính quyền.

Trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn và tỉnh Thừa Thiên Huế đã khắc phục được bước đầu. Để mô hình đi vào hoạt động hiệu quả hơn thời gian tới, đề nghị Chính phủ nên có một mô hình khung cho đô thị thông minh nhằm định hướng chung cho từng địa phương sau đó các địa phương căn cứ vào tình hình đặc điểm của mình để áp dụng.

Cùng với đó, hoàn thiện chính sách về bảo mật thông tin cá nhân để tạo được lòng tin của người dân khi tham gia các dịch vụ, tương tác với chính quyền, bởi chúng ta biết rằng trong quá trình xây dựng đô thị thông minh nếu không có sự tham gia của người dân thì sẽ không bao giờ thành công.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, cần chuẩn hóa hệ thống mạng trong các cơ quan nhà nước để kết nối được với hệ thống cảm biến (bao gồm cảm biến vật lý, cảm biến di động để chúng ta tạo cơ sở xây dựng nguồn dữ liệu mở cho hoạt động của đô thị thông minh. Đồng thời, đẩy nhanh, đẩy mạnh thanh toán điện tử, chuyển đổi số theo lộ trình quốc gia và triển khai sớm mã định danh công dân.

Tiếp tục thúc đẩy các cơ chế để xã hội hóa, huy động các nguồn lực quá trình triển khai các ứng dụng, các thiết chế hạ tầng cơ sở cơ bản như camera, thiết bị số. Đây là 5 vấn đề khó khăn chung mà tỉnh Thừa Thiên Huế gặp phải cũng như của các tỉnh thành trong quá trình xây dựng đô thị thông minh.

Tin, ảnh: Bình Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/xay-dung-dich-vu-do-thi-thong-minh-tren-nen-tang-chinh-quyen-dien-tu-a78117.html