Kinh tế Khởi nghiệp 'Kết nối doanh nghiệp với thanh niên khởi nghiệp'
.VN - Nhằm giúp các bạn có thêm niềm tin và kinh nghiệm trên con đường khởi nghiệp, Diễn đàn 'Kết nối doanh nghiệp với thanh niên khởi nghiệp' do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế tổ chức bắt đầu từ 14h chiều thứ 7, ngày 29/6.
Quang cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Thanh Toàn
Chương trình có bốn vị khách mời giao lưu: Doanh nhân Đặng Thị Kim Oanh – Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc Kim Oanh; Doanh nhân Trần Đức Minh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thừa Thiên Huế; Doanh nhân Lê Xuân Phương – Giám đốc công ty CP Du lịch DMZ; Thạc sĩ, trainer nhân sự Ngô Bích Hà, giảng viên trên trang đào tạo trực tuyến Unica, Topica, Smart train…
Hai khách mời danh dự gồm: Ông Phan Thiên Định, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trương Diên Thống, Phó Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế.
Chương trình còn có sự tham gia của ca sĩ khách mời Dương Hoàng Yến.
Hiện rất nhiều bạn trẻ mong muốn được thử sức, tự khẳng định mình trong quá trình khởi nghiệp bằng việc tham gia vào sản xuất kinh doanh. Với vai trò là một người đi trước, anh có thể tư vấn, chia sẻ cho các bạn trẻ, các bạn thanh niên về những điều kiện và kinh nghiệm cần thiết khi khởi nghiệp được không?
Phú Đạt - datphuhue
Doanh nhân Trần Đức Minh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thừa Thiên Huế
Doanh nhân Trần Đức Minh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thừa Thiên Huế. Ảnh: Thanh Toàn
Trước khi khởi nghiệp các bạn phải có ý tưởng; ý tưởng xuất phát từ sản phẩm dịch vụ phải thương mại hóa được.
Sau khi có ý tưởng phải tìm hiểu trên thế giới hoặc trong nước xem đã có ai làm chưa và sự khác biệt thế mạnh của chúng ta như thế nào, không nên rập khuôn. Đồng thời, phải chọn cho được đội cộng sự thực sự tâm huyết để cùng mình thực hiện ý tưởng và có chiến lược phát triển thị trường để thực hiện ý tưởng.
Điều quan trọng trong khởi nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ về vốn, huy động vốn hoặc cổ phần hóa ý tưởng. Đặc biệt, phải dám đương đầu với khó khăn, thách thức.
Theo anh có nên khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên?
Thủy Tiên - tientran89
Doanh nhân Lê Xuân Phương – Giám đốc công ty CP Du lịch DMZ
Bản thân tôi từng làm Bí thư đoàn, tham gia rất nhiều phong trào xã hội trước khi làm doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi của bạn, tôi xin chia sẻ về bản thân mình, đó là trong thời gian sinh viên tôi đã từng đi làm thêm, bởi thời đó hoàn cảnh gia đình ở xa, gặp rất nhiều khó khăn.
Doanh nhân Lê Xuân Phương – Giám đốc công ty CP Du lịch DMZ. Ảnh: Thanh Toàn
Năm 2000 tôi ra trường, sau đó năm 2002 tôi mới bắt đầu đầu tư, kinh doanh, lúc đó trong tay tôi có 1.000 USD. Những năm tháng đi làm thêm thời sinh viên đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm. Ở những nơi tôi làm thêm từ quán cà phê, khách sạn, đơn vị lữ hành... cho tôi vốn liếng và kiến thức. Và tất nhiên tôi sẽ phải luôn nỗ lực, cố gắng, đổi lại người chủ đã bày vẽ, truyền lại kinh nghiệm cho tôi.
Theo tôi, không phải đặt mốc thời gian sinh viên mới khởi nghiệp mà quan trọng dự án có khả thi không. Khởi nghiệp thời gian qua như trào lưu, và có không ít người thất bại. Có người tôi biết 4 lần khởi nghiệp, và cũng 4 lần thất bại. Đơn giản thôi, phải biết mình có thế mạnh gì, kinh nghiệm chừng nào, khả năng điều hành ra sao... Nếu không có phải đi học, còn không sẽ rất dễ thất bại.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh hiện nay ra sao và chúng ta đã có những chương trình gì để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp?
Minh Trường - ntuongminh
Ông Phan Thiên Định, Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Ông Phan Thiên Định, Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Thanh Toàn
Năm 2017 tỉnh có đề án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Năm 2016 tỉnh lần đầu tiên tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, và cuộc thi này đến nay đã duy trì hàng năm. Cuộc thi này đã chuyển biến tư tưởng, chuyển bạn trẻ về tinh thần làm chủ, bắt đầu công việc của tự bản thân mình.
Để làm được đều đó phải hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp.
Chúng ta hình dung mỗi ý tưởng khởi nghiệp là một cái mầm, để thành cây cần có sự hỗ trợ. Hệ sinh thái bao gồm hoạt động tạo ra tư duy biến đổi, ý tưởng từ cuộc sống trở thành ý tưởng kinh doanh, nắm thiết chế pháp luật, tài chính để kinh doanh.
Tỉnh đã hình thành nên một số trung tâm khởi nghiệp, đồng thời cũng hỗ trợ những mô hình của trung tâm khởi nghiệp mang tính chất tư nhân.
Hiện nay, mô hình khởi nghiệp của Đại học Huế triển khai tương đối tốt, xây dựng mô hình có tính chất khu vực.
Nhóm sinh viên Trường ĐH Nông lâm - Đại học Huế nghiên cứu để làm dự án khởi nghiệp ứng dụng xác định thừa thiếu đạm cho cây trồng trên smartphone. Ảnh: Hữu Phúc
Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư vào trung tâm khởi nghiệp của tỉnh và Đại học Huế. Tỉnh cũng đã hình thành nên các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp; có định hướng rõ ràng, khẳng định một mô hình phát triển kinh tế dựa trên nền tảng giá trị di sản văn hóa, phát triển bền vững. Từ định hướng đó nuôi ước mơ cho các bạn trẻ.
Tháng 8 tới, tỉnh sẽ có hội nghị đổi mới giáo dục, qua đây chúng tôi kỳ vọng gieo mầm ước mơ cho mai sau phù hợp với định hướng của tỉnh.
Tôi cho rằng, những câu chuyện chỉ mang tính lý thuyết, rèn luyện là rất quan trọng. Các bạn nên đi làm thuê rồi mới tính đến chuyện làm chủ.
Khởi nghiệp liệu chỉ dành riêng cho những nhóm ngành kinh tế không? Nếu không xuất phát từ ngành kinh tế, thì cần những chuẩn bị gì khi quyết định khởi nghiệp?
Thanh Hải - thanhhaile78
Doanh nhân Đặng Thị Kim Oanh – Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc Kim Oanh
Doanh nhân Đặng Thị Kim Oanh – Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc Kim Oanh. Ảnh: Thanh Toàn
Để khởi nghiệp, cần chọn một dự án, một kế hoạch phù hợp, phải biết lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ mọi nguồn thông tin có thể, từ những người đi trước, có kinh nghiệm, từ Internet, từ sách,… và quan trọng là phải có đam mê, nhiệt huyết. Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện có thật để các bạn cảm nhận. Trên một chuyến taxi về Huế, tôi gặp một bạn trẻ lái taxi, qua trò chuyện, tôi nhận thấy ở bạn một số tố chất và đam mê của tuổi trẻ, tôi nhận bạn vào làm cho công ty mình. Sau mấy năm học hỏi, giờ đây bạn đó đã tự mình đứng ra mở một công ty bất động sản, có thể nói là khá thành công.
Trong quá trình kinh doanh, chắc chắn sẽ có nhiều thử thách, bạn cần vượt qua, biết chia sẻ lợi ích với đối tác, vì thành công của khách hàng, của đối tác cũng chính là thành công của bản thân.
Nhân đây, tôi cam kết sẽ hỗ trợ cho chương trình khởi nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục trong 3 năm tới.
Muốn kinh doanh lĩnh vực ăn uống thì em sẽ có được sự hỗ trợ gì về pháp lý, và các anh chị có thể tư vấn cho em về chuyên môn?
Hồng Sương - hongsuonghue
Doanh nhân Trần Đức Minh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thừa Thiên Huế
Bạn Hồng Sương đặt câu hỏi cho các khách mời. Ảnh: Thanh Toàn
Kinh doanh lĩnh vực ăn uống thì thủ tục pháp lý đăng ký giấy phép kinh doanh tại trung tâm hành chính công tỉnh, thủ tục này rất đơn giản không chiếm nhiều thời gian của bạn. Ngoài ra, nếu các bạn gặp khó khăn gì có thể đến Hội doanh nghiệp tỉnh, chúng tôi sẽ giúp đỡ.
Tôi có ý tưởng và rất muốn nhờ anh giúp đỡ. Nếu tôi có ý tưởng tốt anh có giúp đỡ, đầu tư vốn cho tôi không?
Minh Phương - minhphuonghue
Doanh nhân Lê Xuân Phương – Giám đốc công ty CP Du lịch DMZ
Bạn đang ấp ủ ý tưởng nhưng chưa nói ra cụ thể. Theo tôi, nếu có ý tưởng và bạn cố gắng, quyết tâm thì không có gì phải ngần ngại.
Quan điểm của tôi là sẵn sàng cụ thể hóa vấn đề mà bạn muốn. Nhưng tôi muốn nói với bạn rằng, có ý tưởng sẽ thành công nhưng ngược lại cũng có ý tưởng thất bại. Nhưng thất bại đổi lại bài học kinh nghiệm thì cũng xứng đáng.
Buổi giao lưu thu hút hơn 300 đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Toàn
Tôi sẽ làm mô hình liên quan đến thân thiện môi trường, tận dụng phế phẩm và hướng tới giảm túi ni lông sử dụng một lần. Vậy có định hướng gì để thanh niên giải ngân nguồn vốn một cách dễ dàng hơn. Vấn đề thứ hai là đầu ra các sản phẩm nông nghiệp, ở các địa phương cần được quan tâm hơn như thế nào?
Hương Sơ - bithudoanhuong
Ông Phan Thiên Định, Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Tôi nghĩ bạn chưa tự tin về thành công của sản phẩm mình.
Ý tưởng làm túi cũng như hoạt động cổ vũ cho chủ nhật xanh chỉ là phong trào không phải hoạt động kinh doanh. Nhưng nếu sản phẩm của bạn là sản phẩm kinh doanh thì bạn cần phải tự tin về sản phẩm của mình. Như bao dự án khác, nếu dự án của bạn thành công sẽ giải quyết được bài toán lớn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định trả lời câu hỏi của một bạn trẻ tham gia chương trình. Ảnh: Thanh Toàn
Từ ý tưởng ra sản phẩm cho đến việc có thể cạnh tranh được hay không là bài toán khó trong kinh doanh. Bạn có thể đề xuất theo kênh của Đoàn, có thể huy động nhiều nguồn lực cùng làm.
Về sản phẩm nông nghiệp nếu tự tin đưa ra thị trường được thì bạn cần hỗ trợ gì của Nhà nước, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe.
Một người bạn của tôi có nhờ chuyển đến chị câu hỏi: Làm thế nào để reset khi gặp thất bại?
Đức Nhật - nhatduafreelance
Thạc sĩ, trainer nhân sự Ngô Bích Hà, giảng viên trên trang đào tạo trực tuyến Unica, Topica, Smart train…
Thạc sĩ, trainer nhân sự Ngô Bích Hà, giảng viên trên trang đào tạo trực tuyến Unica, Topica, Smart train…. Ảnh: Thanh Toàn
Để giải quyết vấn đề này, cần quay ngược trở lại để tìm hiểu vì sao chúng ta thất bại? Trên vị trí làm chủ, bạn có thể bất bại do sản phẩm làm ra không đáp ứng nhu cầu thị trường, thất bại trong cách sử dụng nguồn vốn, hoặc cách quản lý nhân sự của mình.
Nếu vẫn đang làm thuê, thất bại có thể đến từ thái độ của bạn đối với chủ, thái độ khi tiếp cận cuộc sống, với đồng nghiệp...
Do đó nếu có thể đối thoại trực tiếp với người đặt câu hỏi tôi sẽ tư vấn và trả lời một cách cụ thể hơn.
Khi bắt đầu bước chân vào showbiz, Hoàng Yến đã gặp phải những khó khăn gì?
Minh Hoang - hoangminhhue
Ca sĩ Dương Hoàng Yến
Ca sĩ Dương Hoàng Yến buổi diễn tại buổi giao lưu. Ảnh: Thanh Toàn
Đến thời điểm này, Dương Hoàng Yến đã có 10 năm làm nghề. Gia đình Yến không ai theo nghệ thuật, nên hồi đó việc Hoàng Yến học nghệ thuật là điều gì đó rất xa vời.
Trước đây, hồi mới vào nghề mình cũng gặp nhiều khó khăn, sau đó vào TP. Hồ Chí Mình tìm sự giúp đỡ nhưng cũng đều bị từ chối. Rồi mình quyết định quay về để tiếp tục học. Năm 2013, Yến tốt nghiệp và được giữ lại trường làm giảng viên và tiếp tục tham gia một cuộc thi khác. Nhiều người bảo ở vị thế của mình thì không nên tham gia cuộc thi. Tuy nhiên, mình chấp nhận thử thách và muốn thử sức mình. Các bạn phải tự hiểu mình, có niềm tin vào cuộc sống, chấp nhận thử thách rồi thành công sẽ đến. Các bạn cần khiêm tốn và không ngừng học hỏi, học từ thầy cô giáo, đồng nghiệp và mọi người xung quanh...
Đồng hành cùng với tỉnh, vậy Báo Thừa Thiên Huế đã song hành truyền thông về lĩnh vực này như thế nào thưa ông?
Ngô Xuân - ngoxuan76
Ông Trương Diên Thống, Phó Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế
Ông Trương Diên Thống, Phó Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế trả lời câu hỏi về vai trò của truyền thông đối với khởi nghiệp. Ảnh: Thanh Toàn
Tôi nghĩ nếu biết tận dụng thế mạnh truyền thông, các bạn sẽ có các lợi thế: Kết nối, quảng bá và phát triển. Tuy nhiên, để truyền thông hiệu quả, DN phải xác định được mục đích truyền thông; đưa ra thông điệp và thời điểm truyền thông phù hợp; xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể; chọn loại hình và phương pháp thích hợp nhất.
Điều quan trọng nhất, các DN phải có sản phẩm tốt, uy tín, chất lượng. Khi đó, truyền thông mới là ngọn gió đưa sản phẩm của các bạn đến rộng rãi với cộng đồng, tạo nên thương hiệu tốt, hình ảnh đẹp của DN trong xã hội.
Vì sao không tổ chức đào tạo ra thanh niên khởi nghiệp ngay từ đầu, để biến ước mơ của nhiều bạn trẻ thành hiện thực? Tôi muốn tạo ra trên dòng sông Hương một con thuyền đủ lớn chứa 1.000 khách kết hợp ăn uống, bar thu hút khách hạng sang nhiều hơn, thì phải làm sao?
Nhân Văn - vannhanchu
Ông Phan Thiên Định, Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Tỉnh sẽ không có trung tâm đó, nhưng hệ thống thông tin hiện nay có nhiều công cụ để học. Tỉnh sẽ tạo ra môi trường có hệ sinh thái kết nối với nhau để thực hiện ý tưởng.
Mong muốn của bạn tôi rất hoan nghênh. Để làm được điều đó, rất mong bạn phải bắt tay vào và bạn cũng cần hiểu rằng phải điều chỉnh lại ước mơ của mình sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cùng các đại biểu trò chuyện với các doanh nghiệp trong diễn đàn “Huế - sáng tạo để phát triển”. Ảnh: PHAN THÀNH
Bài toán nhân sự là một bài toán cực kỳ khó với Huế, khó hơn nhiều so với các tỉnh khác. Các bản trẻ Huế khá thụ động, chưa đủ hoạt ngôn. Trước vấn đề này, xin chị chia sẻ về bí quyết truyền lửa cho nhân viên, nhóm, trong tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và tại buổi trao đổi nói riêng.
Huỳnh Ngọc Tom - huynhngoctom
Thạc sĩ, trainer nhân sự Ngô Bích Hà, giảng viên trên trang đào tạo trực tuyến Unica, Topica, Smart train…
Đây là câu chuyện của nhiều doanh nghiệp. Theo em, vì sao nhân viên của em bị động? Em có mô tả công việc dành cho nhân viên hay không? Cách thức giao việc bằng văn bản hay bằng lời nói? Khi chỉ truyền việc bằng miệng, nhân viên sẽ luôn trong trạng thái bị động, khó tiến bộ.
Bạn trẻ tại buổi giao lưu đặt câu hỏi cho thạc sĩ, trainer nhân sự Ngô Bích Hà. Ảnh: Thanh Toàn
Thứ hai, bạn có chia sẻ với nhân viên về lộ trình phát triển của mình không? Khi bắt đầu từ nhân viên tập sự có quyền lợi, chế độ gì? Nhân viên chính thức sẽ có chế độ, quyền lợi gì? Nếu các nhân viên biết con đường phát triển, lửa hoạt động, động cơ làm việc của nhân viên sẽ tốt hơn.
Nhìn chung, lửa làm việc và động cơ làm việc là hai câu chuyện rất dài. Để có cái nhìn cụ thể, các bạn có thể lên kênh Youtube của Hà để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.
Hiện tại chúng tôi đang xây dựng khu homestay kết hợp với trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống Huế. Điểm khác biệt là dịch vụ homestay của chúng tôi đã ký kết hợp tác với 5 làng nghề truyền thống của Huế để du khách đến với homestay này có thể tham quan và trải nghiệm quy trình làm ra các sản phẩm thủ công truyền thống của tỉnh nhà. Đồng thời, dịch vụ chúng tôi còn có vườn rau xanh - sạch, khu nuôi gia cầm… Chúng tôi muốn hỏi với dự án này chúng tôi có thể kêu gọi sự hỗ trợ về vốn từ đâu?
Trung - trungnguyenhue
Doanh nhân Đặng Thị Kim Oanh – Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc Kim Oanh
Các hạng mục của dự án phát triển du lịch sen Huế cơ bản hoàn thành. Ảnh: L.Thọ
Trước hết, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của tôi dành cho Tỉnh đoàn sẽ ưu tiên cho bạn 1 suất đầu tiên, trị giá 50 triệu đồng (trong 15 suất). Sau 6 tháng, tôi sẽ nhận báo cáo từ Tỉnh đoàn và từ đó sẽ có định hướng đầu tư cho thời gian tiếp theo.
Doanh nhân Trần Đức Minh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thừa Thiên Huế
Bạn có thể kêu gọi vốn, khi không có vốn thì có thể cổ phần hóa. Nếu bạn vay vốn ngân hàng thì lãi suất khá lớn.
Theo cơ quan chức năng, em có nên phát triển doanh nghiệp nước mắm không khi trên cả nước có nhiều doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực này? Các cơ quan nhà nước có định hướng gì cho em về lĩnh vực này?
Tín - tinduchue
Doanh nhân Trần Đức Minh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thừa Thiên Huế
Nếu bạn có ý tưởng cải tiến sản phẩm để có chất lượng tốt thì nên làm. Chúc mừng bạn thành công với ý tưởng của mình. Bạn cần xây dựng lộ trình phát triển sản phẩm của mình. Cần tìm hiểu đưa ra sản phẩm phù hợp. Nếu đi đúng hướng thì chất lượng sẽ nâng cao.
Về mặt mẫu mã, khi quảng bá không nên đầu tư nhiều tiền vào quảng cáo mà cần đầu tư vào mẫu mã sản phẩm để có sự lan tỏa.
Bạn thành lập hợp tác xã là hướng đi đúng bởi các hợp tác xã đang có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Những năm gần đây câu chuyện khởi nghiệp được rất nhiều người trẻ tìm hiểu và đầu tư với đa dạng các sản phẩm. Ảnh: Phan Thành
Các anh/chị có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong giải quyết các khoản nợ khi khởi nghiệp không?
Tài - kkinhdoanhnongnghiep
Doanh nhân Lê Xuân Phương – Giám đốc công ty CP Du lịch DMZ
Diễn giả Nguyễn Tiến Trung chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho sinh viên Đại học Huế. Ảnh: Hữu Phúc
Bản thân tôi cũng như nhiều người làm kinh doanh, khi đặt chân vào kinh doanh là phải nợ. Tuy nhiên phải làm sao đó kiểm soát, cân đối được nguồn tiền thu và chi cho hợp lý. Từ đó mới thực hiện kế hoạch kinh doanh mở rộng. Tôi sẽ gặp riêng bạn và sẽ có những trao đổi, chia sẻ cụ thể hơn.
Khách mời chụp ảnh lưu niệm sau chương trình giao lưu. Ảnh: Kim Oanh