Kinh tế Kinh tế Cát 'lậu' nhập bãi trong đêm
Mặc dù hiện nay trên tuyến sông Hương, UBND tỉnh không cấp phép khai thác mỏ cho các doanh nghiệp (DN) khai thác cát, sỏi, tuy nhiên hàng đêm, một lượng cát lớn vẫn đi đường 'tiểu ngạch' nhập vào các kho bãi…
Bất cập hóa đơn
Trong khi các DN đầu tư sản xuất vật liệu thay thế còn “nhỏ giọt” thì hiện nay nhu cầu sử dụng cát sông làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh rất lớn. Ông N.V.N. chủ một DNTN kinh doanh cát sỏi tại xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) cho rằng, đứng trước tình trạng các đơn vị được cấp mỏ khai thác cát, sỏi không tuân thủ quy định khai thác làm ảnh hưởng môi trường, người dân bức xúc, UBND tỉnh đã thu hồi giấy phép, không cấp mới mỏ trên nhánh sông Hương.
Nhiều DN đã xin chủ trương mua cát ngoại tỉnh có hợp đồng, nguồn gốc, hóa đơn đầy đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, bởi hiện tại Quảng Trị còn 5-6 mỏ được chính quyền cấp phép. Cụ thể, hàng năm bình quân mỗi DN kinh doanh cát sỏi ở Huế nhập từ ngoại tỉnh khoảng 6-7 nghìn m3 cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Hiện nay, nhiều DN mua, bán cát đều không có hóa đơn do ngoài đi theo đường bộ, cát được vận chuyển từ các tỉnh Quảng Trị vào, Quảng Ngãi ra thì một phần lớn lượng cát được nhập theo đường “tiểu ngạch” bằng các thuyền nhỏ trên các sông.
“DN kinh doanh chân chính thì nhập và xuất cát sỏi đều phải có hóa đơn, nếu không sẽ vi phạm pháp luật. Số lợi nhuận chênh lệch sẽ được chi phí một phần cho quá trình vận chuyển, máy múc, thuế thu nhập doanh nghiệp… Tuy nhiên, việc mua cát ngoại tỉnh cũng tiềm ẩn rủi ro khi hợp đồng thương mại mua cát giữa DN trên địa bàn và các tỉnh lân cận có ràng buộc, đảm bảo chất lượng; nhưng khi xảy ra sự cố như DN ở Quảng Trị không có mỏ vẫn bán cát thì DN Huế khó khăn trong việc bị truy xuất nguồn gốc mặc dù có hóa đơn”, ông N. chia sẻ.
Cũng theo ông N.V.N., trước đây việc cấp hóa đơn đều do ngành thuế đảm nhiệm, nhưng hiện nay các DN đều tự đăng ký mẫu, tự in và hàng tháng phải báo cáo Cục Thuế tỉnh và khi cơ quan chức năng kiểm tra, sai phạm DN phải chịu trách nhiệm. Do vậy, nhiều DN đã mua hóa đơn nhằm hợp thức hóa khối lượng cát khai thác, mua bán trái phép tại kho bãi.
Ghi nhận của PV tại bãi tập kết cát của gia đình bà T.T.H (đường Minh Mạng, TP. Huế) cho thấy, hàng ngày, có một lượng cát lớn theo các phương tiện mang BKS Quảng Trị vận chuyển trên Quốc lộ 1A đến đường tránh Huế vào Quốc lộ 49 đến bãi này. Một số khác đi theo Quốc lộ 1A vào cầu Phú Xuân lên đường Điện Biên Phủ để nhập kho. Được biết, bãi tập kết này không có giấy phép hoạt động.
Bà T.T.H cho biết, tận dụng diện tích kho bãi của gia đình hơn 1.000m2, khoảng vài tháng nay bà trữ cát để bán. “Do việc mua và bán đều không có hóa đơn nên hiện tại bãi chỉ bán ra vài chục khối cát mỗi ngày chủ yếu cho các hộ cá nhân, gia đình nhỏ lẻ có nhu cầu xây dựng nhà cửa chứ không bán được cho các công trình xây dựng lớn. Mình nhập và bán cát để ăn tiền chênh lệch mỗi m3 cát vài chục nghìn đồng thôi nên không cần phải có hóa đơn làm gì”, bà H. thú thật.
“Đường dây” nhập cát trên sông
Nhiều ngày PV đã ghi nhận tình trạng cát theo đường “tiểu ngạch” trên sông Hương nhập vào hàng loạt bãi tập kết tại xã Thủy Bằng (TX. Hương Thủy). Số cát được nhập “chui” không có hóa đơn chứng từ hàng ngày vẫn xuất kho phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn.
4 giờ sáng ngày 25/7, chúng tôi có mặt bãi thôn Hải Cát 2 (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) bờ sông hoàn toàn im ắng, trên bờ chỉ có tiếng động cơ máy xúc hoạt động. Tuy nhiên, chỉ sau chừng 30 phút, nhiều thuyền cát từ trên thượng nguồn sông Hương tấp vào bờ. Từ xa chỉ nhìn thấy ánh đèn pin lấp ló. Khoảng hơn 5 giờ sáng, xuất hiện 4-5 người đàn ông đánh trần trừng trục, xúc cát lên băng chuyền để “tời” lên bãi. Hoạt động của những thuyền nhập cát “chui” lên bãi diễn ra khoảng 2 giờ đồng hồ nhưng không thấy bóng dáng của cơ quan chức năng!
Theo tìm hiểu của PV, cát được xúc lên bờ bên kia sông được đưa vào bãi của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ (CP TM&DV) Thân Trọng Phương (thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng) với bình quân mỗi thuyền từ 8-10m3. Anh H., một hộ dân ở thôn Hải Cát 2 cho biết: “Cát được khai thác trên thượng nguồn sông hoặc ngay trước bãi thuộc địa phận xã Hương Thọ từ 18-19 giờ tối cho đến 4-6 giờ sáng hôm sau. Nhiều lần bà con ở đây phản ánh đến lực lượng công an xã nhưng không thấy ai can thiệp. Các đối tượng khai thác cát rất hung hãn, người dân chỉ dám đứng trên bờ, chỉ cần ra phản đối là bị hành hung ngay. Cả bờ sông đoạn này bị sạt lở, lâu dần gia đình tôi sợ không còn đất mà ở”.
Ngày 26/7 và 30/7, chúng tôi tiếp tục ghi nhận cát “chui” không chỉ được nhập vào bãi của Công ty CP TM&DV Thân Trọng Phương mà còn vào hai bãi nằm bên cạnh. Cũng với thủ đoạn tinh vi lợi dụng bóng tối, đưa các thuyền nhỏ từ 6 - 8m3 xúc cát lên máy tời chuyền lên bãi. Càng về sáng, những khối cát được đưa lên bờ càng thấy rõ, ước tính cả hai bãi này khoảng trăm m3. Sau khi đưa cát lên bờ, trời sáng hẳn, các thuyền này đều tấp vào bờ phía bên xã Hương Thọ.
Trước đó, trên thượng nguồn sông Hương chúng tôi cũng ghi nhận một lượng cát lớn được nhập “chui” vào bãi cát Li Min tại xã Hương Thọ. Từ 4 đến 6 giờ sáng, ghi nhận cho thấy có 3 thuyền cát từ 6-7m3/thuyền cập bến. Bãi này nằm sát bờ sông, có độ cao lớn nên cũng phải dùng bằng chuyền tời cát lên.
Xử lý nhiều, cát “chui” vẫn tồn tại
Theo ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, thời gian qua, trên địa bàn không ghi nhận tình trạng khai thác cát trái phép. Xã thường xuyên bố trí lực lượng kiểm tra tại các điểm khai thác trái phép, ảnh hưởng dân sinh như khu vực Tân Ba, Võ Xá, Bến Than và phát hiện nhiều thuyền khai thác ở khu vực sông thuộc xã Hương Thọ. Tại khu vực thôn Cư Chánh và đối diện bên kia sông là thôn Hải Cát 2 luôn bố trí sẵn lực lượng và phương tiện của Cảnh sát giao thông đường thủy để xử lý. Công tác kiểm tra phải phối hợp với các ngành chức năng bởi địa phương lực lượng mỏng, chủ yếu gồm các đồng chí công an, xã đội, địa chính nên nhiều khi không hiệu quả.
“Hiện tại trên sông Hương qua địa bàn Thủy Bằng không có điểm mỏ được UBND tỉnh cấp phép nên lượng cát nhập chui trái phép ở các bãi chắc chắn từ nơi khác về. Việc kiểm tra, xử lý tại các bãi PV phản ánh sẽ được xã xây dựng kế hoạch, phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường trong thời gian tới”, ông Thìn khẳng định.
Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, trong thời gian qua “nóng” tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Thực hiện chỉ thị số 07 năm 2017 của UBND tỉnh, từ năm 2018 đến nay, các sở ngành địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cát, sỏi.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện 5 đợt kiểm tra chấp hành quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản. Qua kiểm tra, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 55 quyết định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này, xử phạt 121 triệu đồng và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt theo thẩm quyền đối với 4 tổ chức, với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng và tước 5 giấy phép khai thác khoáng sản của 4 tổ chức này. Ngành công an đã kiểm tra, phát hiện lập biên bản 652 trường hợp có hành vi khai thác khoáng sản trái phép và xử phạt hơn 1,7 tỷ đồng; các địa phương đã phát hiện xử lý 27 trường hợp xử phạt với số tiền 68 triệu đồng. Cục Thuế tỉnh cũng kiểm tra 16 doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản và đã truy thu hơn 500 triệu đồng thuế tài nguyên và hơn 386 triệu đồng phí bảo vệ môi trường.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch 68 năm 2018 về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong giai đoạn 2018 - 2019. Trong đó, có 7 bãi bồi cát sỏi lòng sông và 1 vùng cát nội đồng. Việc ban hành kế hoạch đấu giá nhằm có nguồn cung cho nhu cầu vật liệu xây dựng đang tăng cao, giảm giá cát sỏi trên thị trường; mở rộng mô hình khai thác cát cộng đồng, tránh tình trạng khai thác trái phép; yêu cầu UBND các địa phương có sông chảy qua thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/cat-lau-nhap-bai-trong-dem-a75446.html