Kinh tế là điểm sáng trong các thành tựu nổi bật của TP. Hồ Chí Minh

Năm 2019, mặc dù tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động nhưng lĩnh vực kinh tế là một trong 10 thành tựu nổi bật của TP. Hồ Chí Minh trong năm với nhiều điểm sáng rất đáng ghi nhận.

UBND TP. Hồ Chí Minh công bố 10 thành tựu nổi bật của năm qua, trong đó có hoạt động kinh tế. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2019 lần đầu tiên vượt mốc 400.000 tỷ đồng, đạt 412.474 tỷ đồng, vượt 3,34% chỉ tiêu giao đầu năm, chiếm hơn 27% tổng thu cả nước. Chỉ số GRDP tăng 8,32% so với năm 2018; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,3 tỷ USD, tăng 39% so với năm 2018; có 1.320 dự án FDI được cấp mới, số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 44.000 đơn vị trong năm 2019.

Những điểm sáng của nền kinh tế thành phố trong năm 2019 là gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư, nền hành chính công tiếp tục được cải cách, nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh được áp dụng, hạ tầng thương mại và kết nối giao thương được đầu tư bài bản, người tiêu dùng được phục vụ tốt khi các doanh nghiệp sản xuất ra nhiều mặt hàng thiết yếu có chất lượng, mẫu mã phong phú để tiêu dùng...

Đơn cử, trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh qua cảng thành phố (tính cả dầu thô) đạt 39.682,7 triệu USD, tăng 17,3% so năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 3.296,5 triệu USD, giảm 3,5%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 11.584,3 triệu USD, tăng 6,4%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 24.801,9 triệu USD, tăng 27,1%. Đặc biệt, trong đó đã có 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,3% tổng kim ngạch xuất khẩu như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 14,9 tỷ USD, chiếm 37,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 53,0% so với cùng kỳ năm trước; dệt may đạt 5,6 tỷ USD, chiếm 14,1%, tăng 1,6%; giày dép đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 6,6%, tăng 4,7%.

Các loại nước giải khát của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh là sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Hồ Chí Minh tham gia một cuộc triển lãm về thành tựu kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2019

Các loại nước giải khát của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh là sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Hồ Chí Minh tham gia một cuộc triển lãm về thành tựu kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2019

Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - ông Phạm Thành Kiên - cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 của thành phố đạt 1.177.154 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 763.036 tỷ đồng, tăng 13,3% (cùng kỳ tăng 13,2%), chiếm 64,82% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Năm qua được xem là một năm “bội thu” của ngành công thương thành phố về công tác phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung – cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn.

Ngành Công Thương thành phố trong năm 2019 đã tổ chức, mời gọi, hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương tham gia 488 hội chợ, triển lãm trên địa bàn thành phố, đồng thời, các doanh nghiệp thành phố tích cực tham gia 88 hội chợ, triển lãm tại các địa phương. Riêng về hoạt động kết nối cung - cầu, đã có 2.341 doanh nghiệp từ 45 địa phương tham gia giới thiệu trực tiếp đến nhà thu mua, người tiêu dùng thành phố gần 2.000 mặt hàng và 513 hợp đồng được ký kết giữa các nhà cung ứng và nhà phân phối của thành phố.

Du lịch cũng là điểm son của hoạt động kinh tế thành phố trong năm qua khi doanh thu tăng nhờ lượng du khách trong và ngoài nước tiếp tục chọn thành phố là điểm đến tham quan nghỉ dưỡng. Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, năm 2019 ngành du lịch đã đón trên 8,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% so với cùng kỳ (năm 2018 đạt hơn 7,5 triệu lượt khách); khách du lịch nội địa đạt 32,77 triệu lượt, tăng 13% so với năm 2018 (cùng kỳ đạt 29 triệu lượt khách). Tổng thu ngành du lịch đạt 140.017 tỷ đồng, tăng 10,15% so với năm 2018.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trong năm 2020 ngành du lịch của thành phố đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng doanh thu du lịch dự kiến đạt 165.000 tỷ đồng. Theo ông Vũ, để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành du lịch thành phố sẽ dựa trên nền tảng tài nguyên du lịch, tiềm lực thu hút khách của các cơ sở lưu trú, các nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan. Nhờ lợi thế không gian kiến trúc hiền hòa, hạ tầng lưu trú hiện đại, văn hóa phong phú, nhiều loại ẩm thực ngon, người dân hiếu khách…sẽ tiếp tục thu hút du khách nhiều hơn trong năm tới.

Để nền kinh tế của thành phố phát triển mạnh, bền vững, xứng tầm là trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực, chính quyền thành phố đã có nhiều quyết sách tháo gỡ những bước cản, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào những ngành kinh tế trọng điểm trên tinh thần phát huy hết nội lực.

Riêng lĩnh vực công thương, ông Phạm Thành Kiên cho biết, thành phố tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến tinh lương thực - thực phẩm); kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao; tăng cường kết nối giao thương, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Thành phố cũng sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ công cuộc cải cách thủ tục hành chính, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời thiết lập và xây dựng nền kinh tế số hiệu quả.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kinh-te-la-diem-sang-trong-cac-thanh-tuu-noi-bat-cua-tp-ho-chi-minh-131461.html