Kinh tế Mỹ không là ngoại lệ trước virus corona
Dù nền kinh tế Mỹ chủ yếu được thúc đẩy bởi các hoạt động trong nước, chiếm khoảng 85% trong tất cả hoạt động kinh tế nhưng cũng sẽ không tránh khỏi tác động tiêu cực từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV).
5 điều có thể trở nên tồi tệ đối với nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn vì nCOV. (Nguồn: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2020 với một nền kinh tế vững chắc. Xu hướng tạo việc làm vẫn mạnh mẽ, tâm lý người tiêu dùng lên cao và cổ phiếu tăng 20% trong năm 2019. Tuy nhiên giờ đây, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), đang đe dọa sự tăng trưởng toàn cầu.
Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, du lịch qua đường hàng không bị chậm lại và việc vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng do Bắc Kinh đã đóng cửa toàn bộ các thành phố. Thật khó để biết tác động từ dịch bệnh này đối với nền kinh tế Mỹ là gì.
Beth Ann Bovino, nhà kinh tế trưởng tại Tập đoàn giao dịch S&P Global của Mỹ, cho rằng : “Tại thời điểm này, tác động kinh tế sẽ là một thứ gì đó rất nhỏ”. Bởi nền kinh tế Mỹ chủ yếu được thúc đẩy bởi các hoạt động trong nước, chiếm khoảng 85% trong tất cả hoạt động kinh tế.
Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs ước tính GDP của Mỹ có thể giảm 0,4% trong tháng 3/2020 - nhưng ngân hàng này cũng dự báo sự phục hồi trong quý II, với khả năng kích hoạt sự bùng nổ có thể giúp ích cho Tổng thống Trump khi các cử tri tham gia cuộc tổng tuyển cử bắt đầu quan tâm đến kết quả bầu cử ở các bang.
Giá dầu giảm, cân bằng xuất khẩu nông sản
Tuy nhiên, 5 điều có thể trở nên tồi tệ đối với nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn. Trước hết, giá dầu giảm. Sự lây lan của nCoV đã ảnh hưởng đến nhu cầu về dầu, tác động đến giá cả. Đây là một vấn đề đối với các nhà sản xuất Mỹ, vốn tập trung ở các bang đỏ (chủ yếu ủng hộ đảng Cộng hòa) như Texas, Alaska và North Dakota, cũng như các bang tím (một nửa số cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa và một nửa ủng hộ đảng Dân chủ) như New Mexico, nơi ông Trump bị thua trong cuộc bầu cử năm 2016.
Theo nhà cung cấp thông tin toàn cầu IHS Markit, trong năm 2019, nhu cầu dầu của Trung Quốc chiếm khoảng 14% thị trường thế giới và chiếm một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới. Thêm vào đó, nhu cầu cho nhiên liệu máy bay cũng bị ảnh hưởng vì các hãng hàng không lớn đã đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc đại lục.
Mặc dù vậy, vẫn chưa rõ liệu mức giá có tiếp tục thấp như vậy khi cuộc khủng hoảng sức khỏe chưa có dấu hiệu suy giảm hay không. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể quyết định cắt giảm sản lượng dầu, nhưng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.
Thứ hai là việc mua nông sản. Nông dân Mỹ đã hy vọng rằng, thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" sơ bộ đạt được với Trung Quốc hồi tháng 1/2020 có thể mang lại sự chắc chắn nhất định cho thị trường xuất khẩu của họ, vốn bị rung chuyển bởi cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khởi xướng. Trong thỏa thuận, Trung Quốc đã đồng ý đẩy mạnh việc mua hàng hóa và nông sản của Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lại hoài nghi về khả năng đáp ứng những cam kết đó. Cuộc khủng hoảng nCoV mang đến nhiều nghi ngờ hơn. Nông dân Mỹ có thể phải chờ đợi lâu hơn để thấy được các đơn đặt hàng lớn từ Trung Quốc.
Nhu cầu tiêu dùng Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nCoV. (Nguồn: Reuters)
Trong khi một số nông dân - thành phần cử tri chủ chốt của ông Trump - đã bày tỏ sự thất vọng với cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Trung Quốc, những người khác rất tin ông và cho rằng, họ sẽ có lợi trong dài hạn. Để giúp họ xoay xở trong thời gian ngắn và huy động sự ủng hộ về chính trị, Tổng thống Trump đã đưa ra hai gói viện trợ lớn - tổng cộng trị giá 28 tỷ USD - cho nông dân bị tổn hại bởi thuế quan.
Các quan chức Washington đầu tuần này cho biết, cuộc khủng hoảng có khiến việc xuất khẩu một số mặt hàng bị trì hoãn. Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump xác nhận, sự bùng nổ xuất khẩu từ thỏa thuận thương mại ‘giai đoạn một’ sẽ mất nhiều thời gian hơn vì virus từ Trung Quốc. Tuy nhiên, như một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh kiên quyết tuân theo các cam kết của mình, khi trong tuần này Trung Quốc đã tuyên bố sẽ giảm một nửa thuế quan đối với hàng nhập khẩu trị giá 75 tỷ USD của Mỹ.
Phá vỡ chuỗi cung ứng, giảm nhu cầu tiêu dùng
Điều thứ ba, các nhà máy trên khắp Trung Quốc đã đóng cửa, tạo ra sự không chắc chắn cho các công ty Mỹ dựa vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Vẫn chưa rõ khi nào các nhà máy sẽ mở cửa trở lại.
Steve Lamar, Chủ tịch Hiệp hội Giày dép và May mặc Mỹ (AAFA), cho biết: "Mọi người đang chuẩn bị đương đầu với một số tác động đến chuỗi cung ứng và đang cố gắng hiểu điều gì sẽ xảy ra". Hiện tại, ông Lamar cho biết, hầu hết các thành viên của AAFA đang dừng hoạt động và chờ đợi. Họ lo lắng về việc giữ cho công nhân khỏe mạnh và an toàn. Họ cũng lo lắng về một tin đồn rằng, bệnh có thể lây lan qua bao bì được vận chuyển từ Trung Quốc. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã cho biết “khả năng đó rất thấp”.
Ngoài quần áo và giày dép, ngành công nghiệp điện thoại thông minh và ô tô phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất tại Trung Quốc. Qualcomm, công ty sản xuất chip điện thoại thông minh, đã giảm dự kiến lợi nhuận cổ tức trong quý tới một phần do sự bùng phát virus ở Trung Quốc. Còn General Motors và nhiều nhà sản xuất ô tô khác có các nhà máy ở Vũ Hán đã phải đóng cửa từ cuối tháng 1/2020.
Thứ tư, nếu người tiêu dùng Trung Quốc chỉ ở nhà, điều đó có thể làm phương hại tới các công ty Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc. Đến cuối tháng 1, chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks đã đóng cửa hơn một nửa trong số hơn 4.000 địa điểm ở Trung Quốc. Tập đoàn công nghệ Apple cũng tạm thời đóng cửa 42 cửa hàng tại Trung Quốc. Nike, Adidas và Capri Holdings cũng đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng, họ có thể bị ảnh hưởng nếu nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm.
Cuối cùng là ảnh hưởng đến du lịch. Chính quyền Tổng thống Trump hiện đang hạn chế nhập cảnh từ Trung Quốc vào Mỹ và người Mỹ đã đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày phải được kiểm tra các triệu chứng. Ngay cả khi họ không có dấu hiệu mắc bệnh, họ vẫn được yêu cầu "tự cách ly" trong nhà.
Điều này đã làm tổn hại đến các hãng hàng không, American Airlines và United Airlines đã tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc cho đến cuối tháng 3/2020, còn Delta đã hủy các chuyến bay cho đến ngày 30/4/2020. Việc này cũng có thể ảnh hưởng đến các nhà hàng và cửa hiệu được hưởng lợi từ du lịch Trung Quốc. Hơn 2,5 triệu người Trung Quốc đã đến thăm Mỹ trong năm 2019.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-my-khong-la-ngoai-le-truoc-virus-corona-109275.html