Kinh tế Mỹ lao dốc, ông Trump mất cơ hội giữ ghế tổng thống?
Dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế Mỹ vào khủng hoảng và giới phân tích cho rằng Tổng thống Donald Trump đang đánh mất lợi thế lớn nhất của ông trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Dịch virus corona chủng mới có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đang xô nền kinh tế lớn nhất thế giới tới mép vực. Theo Market Watch, các chuyên gia kinh tế Mỹ dự báo tính đến tháng 5, khoảng 20-25 triệu người Mỹ mất việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên gần 20%.
Ngày 3/4, nhóm nghiên cứu của Morgan Stanley hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ xuống -3,4% trong quý I và tới -38% trong quý II. Trước đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cũng đánh giá nền kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp ít nhất 28% trong quý II và "sự sụt giảm có thể còn sâu hơn nhiều".
Người Mỹ đang chứng kiến nền kinh tế lao dốc với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Và theo The Atlantic, đây là tin rất xấu với Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thềm cuộc bầu cử tháng 11.
Bởi các nghiên cứu cho thấy điều cử tri Mỹ quan tâm nhất trong một cuộc bầu cử tổng thống là sức khỏe của nền kinh tế vào năm đó.
Kinh tế là điều quan trọng nhất
Sức khỏe nền kinh tế là nguyên nhân thất bại của cựu Tổng thống Jimmy Carter năm 1980 và George H.W. Bush năm 1992, cũng quyết định chiến thắng của Tổng thống Barack Obama trong cuộc bầu cử năm 2012.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh trong quãng thời gian ông Carter và ông Bush vận động tranh cử, nền kinh tế ảm đạm và cú sốc giá dầu khiến cử tri chán nản với 2 tổng thống đương nhiệm.
Và dù vẫn còn ảm đạm 4 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nền kinh tế Mỹ năm 2012 - thời điểm ông Obama đối đầu với Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney - đã dần khởi sắc hơn.
Và tình trạng kinh tế Mỹ hiện tại thảm hại hơn nhiều so với thời kỳ trước các cuộc bầu cử của ông Carter và ông Bush, thậm chí không hề kém giai đoạn Đại khủng hoảng (1929-1930).
"Cử tri Mỹ luôn sẵn sàng trừng phạt các tổng thống đương nhiệm vì tác động kinh tế của suy thoái toàn cầu, thiên tai hay các điều kiện tồi tệ nằm ngoài tầm kiểm soát của tổng thống. Và tình hình kinh tế Mỹ trong 6 tháng tới sẽ là chưa từng thấy", The Atlantic dẫn lời nhà khoa học chính trị Larry Bartels thuộc Đại học Vanderbilt nhận định.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp ông Trump dựa trên các dữ liệu quá khứ. The Atlantic chỉ ra rằng phản ứng của cử tri Mỹ ngày nay cũng đã có nhiều thay đổi. Ví dụ, cử tri hiện tại ít khi từ bỏ đảng của mình và ứng cử viên của đảng.
Ông Trump có trong tay một lực lượng cử tri rất trung thành. Hơn nữa, thời thập niên 1960, rất nhiều bang ở Mỹ là "bang chiến trường" (không hẳn ngả về Dân chủ hay Cộng hòa). Giờ số lượng "bang chiến trường" rất ít.
Nhà khoa học chính trị John Sides của Đại học Vanderbilt cũng cho biết hiện tại nước Mỹ bị chia rẽ trầm trọng về tư tưởng và quan điểm chính trị. Do đó, có khả năng cử tri đảng Cộng hòa vẫn sẽ trung thành với ông Trump bất chấp việc nền kinh tế suy thoái trầm trọng.
Cuộc khủng hoảng y tế
Một yếu tố phức tạp khác là Mỹ không chỉ đối mặt với suy thoái kinh tế đơn thuần mà đang đương đầu với một thảm họa y tế công cộng. Ở đó, chính phủ Mỹ đang đóng vai trò lãnh đạo, mở cuộc chiến chống "kẻ thù vô hình".
Cử tri Mỹ thường quay lưng với các tổng thống đương nhiệm khi nền kinh tế lao dốc. Nhưng họ lại có xu hướng ủng hộ lãnh đạo trong thời chiến hay khi đất nước trải qua thiên tai bất thường. Trận chiến Trân Châu Cảng hay vụ khủng bố 11/9 đều kích thích tỷ lệ ủng hộ dành cho tổng thống đương nhiệm tăng vọt.
Đây được gọi là "hiệu ứng phất cờ" và có vẻ như ông Trump đang “hưởng lợi”. Theo các khảo sát, tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ dành cho ông tăng lên 49%, cao nhất kể từ khi ông bước vào Nhà Trắng.
Gói cứu trợ 2.200 tỷ USD và việc chính quyền liên bang phân phối thiết bị y tế cũng như cách hình thức viện trợ khác cho những bang có dịch cũng có thể củng cố hình ảnh của Tổng thống Trump với cử tri Mỹ. "Chi tiêu cứu trợ trong thảm họa giúp các chính trị gia tái đắc cử", chuyên gia Neil Malhotra thuộc Đại học Stanford nhấn mạnh.
Dữ liệu từ năm 1988 đến 2004 cho thấy chi tiêu cứu trợ của chính phủ liên bang tăng gấp đôi sẽ giúp đẩy tỷ lệ bỏ phiếu dành cho lãnh đạo đương nhiệm thêm 0,5%.
Các chính trị gia thường ưu tiên phân phối quỹ liên bang đến những khu vực nhạy cảm về chính trị, thưởng cho các khu vực có nhiều cử tri trung thành và thu hút cử tri mới. Washington Post dẫn lời một quan chức Nhà Trắng giấu tên thừa nhận ông Trump rất ưu ái bang Florida vì biết đây là bang cực kỳ quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Do đó, các chuyên gia khoa học chính trị Mỹ cho biết rất khó dự đoán kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới. Chưa một cuộc bầu cử tổng thống nào sau Thế chiến II có những điều kiện kỳ lạ đến như vậy. "Chúng tôi không thể tự tin dự báo điều gì", chuyên gia Sides thừa nhận.
Dù vậy, hiện trạng nước Mỹ đang rất tệ hại khi số ca nhiễm Covid-19 và tử vong tăng vọt, nhiều thành phố thiếu hụt máy thở, y bác sĩ phải mặc đồ bảo hộ tự chế, các bang phàn nàn việc chính quyền liên bang không hỗ trợ hiệu quả... Tất cả đều có thể khiến cử tri Mỹ mất niềm tin vào ông Trump.
Hiệu ứng “phất cờ” thường chỉ có tác dụng vài tuần hay vài tháng. Tất nhiên, các cử tri trung thành với ông Trump sẽ không bao giờ từ bỏ ông. Nhưng với việc dịch bệnh chết chóc lan rộng và nền kinh tế lao dốc, tháng 11 tới hàng triệu cử tri Mỹ sẽ phán xét ông Trump.