Kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn mong đợi

Trang Business Insider dẫn dữ liệu mới công bố cho biết kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng cao bất ngờ trong quý 2.2023.

Cục Phân tích kinh tế Mỹ (BEA) ước tính GDP thực tế tăng đến 2,4% – cao gần gấp đôi mức dự báo 1,8%. Con số này cũng cao hơn 2% ở quý 1, đi ngược xu hướng tăng trưởng chậm lại của Mỹ.

Đây là dấu hiệu tốt. Tỷ lệ thất nghiệp có thể vẫn ở mức thấp, tốc độ tạo việc làm chậm đi nhưng còn rất mạnh mẽ. Lạm phát cùng lạm phát lõi đo lường bằng chỉ số giá tiêu dùng cũng hạ nhiệt. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 26.7 vừa thông báo tăng lãi suất một lần nữa sau khi tạm dừng vào tháng trước.

Mặc dù dữ liệu về nhà ở gần đây cho thấy số lượng nhà dành cho gia đình đơn thân giảm liên tục hai tháng 5 và 6, tuy nhiên nhà kinh tế học Bill Adams (ngân hàng Comerica) cho biết doanh số bán nhà mới đang phục hồi và đóng góp vào tăng trưởng GDP quý 2.

Nhiều chuyên gia cùng nhà kinh tế xác định suy thoái sẽ không xảy ra trong ngắn hạn. Theo Chủ tịch Fed Jerome Powell: “Đội ngũ Fed dự báo tăng trưởng chậm lại đáng chú ý bắt đầu từ cuối năm nay, nhưng với sự phục hồi gần đây của nền kinh tế thì họ không còn dự báo suy thoái nữa”.

BEA cho biết: “Tốc độ tăng trưởng quý 2 chủ yếu phản ánh đầu tư lưu động tư nhân (đầu tư vào nguyên vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm) cùng đầu tư cố định phi dân cư tăng. Tác động một phần bị hạn chế bởi xuất khẩu, chi tiêu tiêu dùng, chi tiêu của chính phủ liên bang, chính quyền tiểu bang và địa phương đều sụt giảm”.

Theo nhà kinh tế Gregory Daco (công ty tư vấn EY-Parthenon): “Thị trường lao động phục hồi, lạm phát vừa phải và tăng trưởng nhu cầu giảm tốc dần dần đem lại hy vọng nền kinh tế sẽ sụt giảm nhẹ nhàng. Việc lạm phát chung hạ nhiệt nhanh chóng cộng thêm tăng trưởng tiền lương thực tế chuyển biến tích cực tạo điều kiện thuận lợi để chi tiêu tiêu dùng phục hồi. Song song đó nhu cầu giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung đã góp phần thúc đẩy hoạt động xây dựng, ngăn chặn ngành sản xuất suy thoái nghiêm trọng, giúp giảm bớt áp lực về giá cả và tiền lương”.

“Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều trở ngại đáng kể do giá cả cùng chi phí liên tục tăng cao, điều kiện vay bị thắt chặt, lãi suất tăng. Đình công tổ chức bởi tổ chức công đoàn tổ chức đình công, nợ sinh viên cùng nợ doanh nghiệp cũng là rủi ro”, ông nói thêm.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/kinh-te-my-tang-truong-cao-hon-mong-doi-202724.html