Những lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây thời gian qua đã gây tác động không nhỏ đến nền kinh tế Nga.
Tờ báo kinh doanh Kommersant cho biết, trong hai tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp Nga phá sản đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Bartosz Sawicki - nhà phân tích thị trường tại công ty Conotoxia Fintech nói với tờ Newsweek rằng nhiều công ty Nga đang phải đối mặt với vấn đề tái cấp vốn "vì tác động của việc thắt chặt tiền tệ đang bắt đầu phát huy tác dụng".
Số vụ phá sản đã giảm đều đặn từ 10.306 trường hợp vào năm 2021 xuống còn 7.400 vào năm 2023. Điều này một phần được hỗ trợ bởi lệnh cấm phá sản do đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng thứ nhất Bộ Kinh tế Nga - ông Ilya Torosov nói với tờ báo rằng, nếu tính đến lệnh tạm dừng và dữ liệu trước đại dịch thì “không có sự gia tăng” trong thủ tục phá sản.
Trong khi đó ông Anton Krasnikov - một nhà phân tích tại công ty luật Sotbi của Nga lại cho rằng các vụ phá sản đang quay trở lại mức trước đại dịch.
Năm ngoái Tòa án Tối cao Nga đề xuất nâng mức nợ phá sản từ 300.000 rúp (3.350 USD) lên 2 triệu rúp (22.000 USD), giúp giảm 40% tình trạng mất khả năng thanh toán nhưng gây khó khăn trong việc thu hồi các khoản nợ nhỏ khiến Chính phủ Nga không ủng hộ ý tưởng này.
Ấn phẩm The Bell chuyên đưa tin về nền kinh tế Nga đã bình luận về phát hiện của tờ Kommersant đó là tỷ lệ phá sản "không cao bất thường" nhưng đáng lo ngại hơn nhiều có thể là nỗ lực nhằm kiềm chế sự tăng trưởng này bằng cách nới lỏng yêu cầu đối với "con nợ".
Tờ The Bell nói thêm: “Sáng kiến nâng cao rào cản phá sản của Tòa án Tối cao không được chính phủ hoặc giới luật sư ủng hộ”.
Tuần trước, Tổng thống Putin đã bóng gió về việc tăng thuế đối với các công ty trong bài phát biểu trước Hội đồng Liên bang, trong đó ông công bố nhiều chính sách nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng và hỗ trợ xã hội.
Tờ Moscow Times cho rằng điều này sẽ liên quan đến việc đánh thuế bất ngờ vào lợi nhuận của các tập đoàn, bên cạnh việc tăng thuế thu nhập cá nhân, từ mức cố định là 13%.
Trong khi các dự đoán về tăng trưởng GDP năm nay dao động ở mức khoảng 2,5%, Nga lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi những lệnh trừng phạt và phải đối mặt với doanh thu từ xuất khẩu năng lượng giảm sút.
Ông Sawicki nói rằng bất chấp khả năng phục hồi tương đối của nền kinh tế thời chiến do chính phủ chi tiêu cao cho sản xuất quốc phòng, "bức tranh về các lĩnh vực khác của nền kinh tế không hề có màu hồng".
“Các công ty đang gặp vấn đề với việc tái cấp vốn khi tác động của việc thắt chặt tiền tệ bắt đầu phát huy tác dụng” .
“Mặc dù các công ty Nga đang cố gắng hết sức để né tránh những lệnh trừng phạt, thương mại quốc tế đã trở thành một vấn đề quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp trong số họ".
“Khu vực tư nhân cũng cảm nhận được áp lực của sự bất ổn kinh tế vĩ mô, vốn ngày càng trầm trọng hơn khi nền kinh tế đang trên bờ vực quá nóng”, vị chuyên gia kết luận.