Kinh tế nhóm nước châu Á đang phát triển bị suy giảm sau 6 thập niên tăng trưởng
Đại dịch COVID-19 sẽ khiến GDP năm 2020 ở nhóm nước châu Á đang phát triển (gồm 45 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương) suy giảm lần đầu tiên trong gần 6 thập niên.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo mức giảm là 0,7%. Vào tháng 6, tổ chức này còn dự báo GDP khu vực tăng trưởng 0,1%. Cũng theo ADB, năm 2021 sẽ chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng 6,8% - thấp hơn mức trước đại dịch.
Dự báo mới nhất trên cho thấy thiệt hại mà COVID-19 gây ra lớn hơn nhiều so với những tính toán trước đây, khi 2/3 nền kinh tế thuộc nhóm nước châu Á đang phát triển nhiều khả năng phải chịu cảnh suy giảm.
Nhà kinh tế ADB Yasuyuki Sawada khuyến cáo: “Hầu hết nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên chuẩn bị cho con đường tăng trưởng khó khăn trong khoảng thời gian cuối năm 2020. Mối đe dọa của COVID-19 đối với kinh tế vẫn còn mạnh mẽ, vì làn sóng dịch đầu tiên kéo dài cùng tình trạng tái bùng phát có thể thúc đẩy biện pháp phòng chống dịch được duy trì lâu hơn”.
Bên cạnh COVID-19 là mối đe dọa lớn nhất, nhà kinh tế Sawada còn nhận định căng thẳng địa chính trị ngày một tồi tệ (gồm cả chiến tranh thương mại lẫn chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung) cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng.
ADB dự báo GDP Trung Quốc năm 2020 chỉ tăng 1,8%. Sang năm 2021 thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng mạnh 7,7%.
Còn GDP Ấn Độ 2020 sẽ giảm đến 9% – tệ hơn mức giảm 4% ADB đưa ra trước đó, nhưng một năm sau phục hồi với mức tăng trưởng 8%. GDP Đông Nam Á 2020 có thể giảm 3,8% bởi đại dịch trước khi tăng trở lại vào năm 2021.
Dự báo mới nhất thể hiện rằng nhóm nước châu Á đang phát triển phục hồi theo hình chữ L trong thời gian lâu hơn. Nhu cầu giảm cùng giá dầu thấp khiến ADB giữ nguyên dự báo lạm phát ở mức 2,9% năm 2020 và 2,3% năm 2021.
Cẩm Bình (theo Reuters)