Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Bảo vệ tính mạng khi bão, lũ
Nằm lòng phương châm 'tự quản tại chỗ', nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quảng Điền đã hạn chế tối đa thiệt hại về người do bão, lũ.
Từ ý thức người dân
Vào mùa bão, lũ, gia đình ông Trần Dành ở xã Quảng Thành lại chuẩn bị các biện pháp ứng phó, nhất là việc bảo vệ an toàn tính mạng cho các thành viên trong gia đình. Ngoài việc gia cố, giằng chống lại nhà cửa, trong nhà ông lúc nào cũng có áo phao để dùng khi cần thiết. Các loại vật dụng sinh hoạt được kê cao lên “tra”. Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm chuẩn bị đầy đủ, gọn gàng, đảm bảo khi có lệnh sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn, phục vụ nhu cầu đời sống tốt thiểu 7-10 ngày.
Hằng năm bước vào mùa bão, lũ, trên hệ thống phát thanh của xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân các biện pháp, chủ động ứng phó, bảo vệ an toàn tính mạng. Cán bộ xã, thôn đến tận các khu dân cư, từng hộ gia đình, nhất là những khu vực có nguy cơ mất an toàn cao để nhắc nhở người dân không đi lại, vớt củi, chèo thuyền đưa khách, đánh cá. Mấy năm gần đây, người dân từng bước ý thức, chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, ông Đào Trọng Thành nhấn mạnh, bảo vệ an toàn tính mạng cho dân là mục tiêu được Đảng bộ, chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu. Công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp đề phòng không phải “ngày một ngày hai” mà là nhiệm vụ thường xuyên. Từ đó ý thức, trách nhiệm của các hội, đoàn thể, mặt trận các cấp, người dân trong việc bảo vệ an toàn tính mạng trong mùa bão, lũ ngày càng nâng cao.
“Tự quản tại chỗ”
Ông Thành khẳng định, phương châm “tự quả tại chỗ” thật sự phát huy tác dụng trong công tác quản lý, bảo vệ an toàn tính mạng. Khi có lệnh, cán bộ cơ sở về tận khu dân cư, các hộ dân hỗ trợ sơ tán người, tài sản, khuyến cáo, nhắc nhở người dân không ra đường, chăn thả gia súc, bủa lưới, vớt củi… khi gió lớn, nước lũ dâng cao, chảy xiết. Đảm bảo an toàn cho học sinh trong công tác thông tin, đưa đón, nhất là đối với bậc mầm non và tiểu học. Điều động các phương tiện, thuyền, đò tổ chức tuần tra trên các sông, hói để sớm phát hiện, nhắc nhở, yêu cầu người dân trở về nhà…
Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, Quảng Điền là vùng thấp trũng, chỉ xuất hiện vài trận mưa lớn đã gây ngập lũ tại nhiều địa phương. Với những cơn lũ lớn, nhiều vùng trên địa bàn các xã như Quảng Thành, Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thọ, thị trấn Sịa… ngập sâu, nước lũ chảy mạnh.
Nhiều năm trở lại đây, nhờ triển khai có hiệu quả phương châm “tự quản tại chỗ”, Quảng Điền rất ít khi để xảy ra thiệt hại lớn về người trong mùa bão, lũ. Một số năm gần đây xảy ra một vài trường hợp bị thương, đuối nước chủ yếu do bất cẩn, chủ quan trong lúc đánh cá khi nước lũ còn dâng cao, chảy mạnh, đi qua các đập tràn khi say rượu…
Mùa bão, lũ năm nay, huyện Quảng Điền đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó ngay từ đầu năm. Các phương tiện, thiết bị cứu hộ cứu nạn, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm từ cấp xã đến thôn, xóm đều được chuẩn bị sẵn sàng.
Năm 2019, huyện Quảng Điển dự trữ 30 tấn gạo, 10 ngàn gói mì ăn liền, 2.000 lít xăng dầu để cứu trợ; dự trữ hàng trăm bao tải, rọ thép để ứng phó, bảo vệ đê đập khi sự cố xảy ra. Mỗi xã chuẩn bị từ 2-3 đò máy có tải trọng 5 tấn/chiếc phục vụ công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn…
Bài, ảnh: HẢI THẾ
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/bao-ve-tinh-mang-khi-bao-lu-a76851.html