Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Chủ động phương án phòng, chống thiên tai cụ thể, sát thực tế

TTH - Với phương châm: 'Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả', UBND huyện Quảng Điền đang triển khai phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2022 trên địa bàn rất cụ thể, sát thực tế theo cấp độ rủi ro nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lụt bão gây ra.

Năm 2022, huyện tiến hành diễn tập phương án phòng, chống lụt bão nhằm rút kinh nghiệm tổ chức tốt hơn công tác PCTT và TKCN

Năm 2022, huyện tiến hành diễn tập phương án phòng, chống lụt bão nhằm rút kinh nghiệm tổ chức tốt hơn công tác PCTT và TKCN

Chú trọng “Tự quản tại chỗ”

Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Hồ Lành cho biết, trước mùa mưa bão, xã phân công lực lượng về các thôn khảo sát, rà soát, lập danh sách những hộ dân có nhà cửa chưa vững chắc, sống ở vùng có nguy cơ ngập sâu do triều cường từ phá Tam Giang không đảm bảo an toàn nhằm có biện pháp chủ động di chuyển tài sản và người vào nơi an toàn. Chính quyền địa phương ngoài việc đánh giá cụ thể từng khu vực còn bố trí lực lượng xung kích PCTT và TKCN, mỗi thôn từ 5-10 người và cấp xã từ 10-25 người. Mỗi thôn chuẩn bị 1-2 chiếc thuyền phục vụ cứu hộ cứu nạn, cứu trợ lương thực, thực phẩm. Mỗi nhà chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đủ dùng từ 7-10 ngày khi có thiên tai xảy ra chia cắt.

Ngoài phương châm “4 tại chỗ”, năm nay các hội, đoàn thể của xã kết hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân tuân thủ quy định PCTT, bảo vệ an toàn tính mạng với phương châm “tự quản tại chỗ’’ để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Theo đó, cộng đồng tự quản lý, tương trợ lẫn nhau trong hoạn nạn; thôn, tổ có trách nhiệm quản lý người dân; nhà trường, thầy cô giáo quản lý học sinh; từng hộ gia đình tự quản các thành viên, nhất là trẻ nhỏ... Trong đó, ưu tiên đối tượng người già neo đơn, ốm đau và phụ nữ đang mang thai đang đến kỳ sinh nở.

Ở bên kia phá Tam Giang, các xã Quảng Công, Quảng Ngạn do địa hình sát biển nên chú trọng hơn việc xây dựng lực lượng xung kích giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời dân đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Các xã này đặc biệt lưu ý thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, đầm phá về nơi trú ẩn an toàn khi có thời tiết xấu xảy ra. Cùng với sự chuẩn bị về con người, thiết bị, các xã ven biển đã xây dựng các phương án PCTT nhằm triển khai hiệu quả, phù hợp với tình thực tế đặc điểm của địa phương mình.

Trưởng phòng Tài chính kế hoạch Ngô Văn Dinh thông tin, đến nay, huyện Quảng Điền đã trích nguồn kinh phí dự phòng mua 30 tấn gạo, 10.000 gói mì ăn liền để phục vụ cho công tác dự trữ khi cần thiết; đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã trích nguồn kinh phí dự phòng mua dự trữ mỗi đơn vị 1 tấn gạo, 5.000 gói mì ăn liền, 100 lít xăng, dầu để chuẩn bị PCTT.

Hạn chế thấp nhất thiệt hại

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định, việc xây dựng và triển khai các phương án PCTT và TKCN của năm 2022 được huyện thực hiện từ sớm. Vì vậy, đến nay huyện cơ bản hoàn thành việc chuẩn bị các loại vật tư, thiết bị, phương tiện, nhu yếu phẩm phục vụ công tác PCTT và TKCN. Có phương án xử lý cụ thể cho các điểm xung yếu; các công trình đê điều, hồ đập đang bị hư hỏng đã được khắc phục bảo đảm an toàn khi có mưa, lũ, bão xảy ra. Đối với những hộ dân sống gần khu vực mép nước, điểm xung yếu thuộc vùng thấp trũng, huyện cũng đã chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm cho việc di dân khi cần thiết. Kế hoạch càng cụ thể, càng thực tế sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lụt, bão gây ra, nhất là thiệt hại về người, không để Nhân dân bị đói, rét khi xảy ra thiên tai.

“Kinh nghiệm trong PCLB và TKCN của Quảng Điền những năm qua là phát huy cao độ tính tự lực và khả năng tự có của mỗi gia đình, mỗi cơ quan; sự tương trợ của cộng đồng trong mỗi thôn, xóm. Trong đó, phải xác định mọi người tự ứng cứu lẫn nhau là chủ yếu và rất quan trọng. Mỗi thôn, xóm, hộ gia đình phải dự phòng các nhu yếu phẩm cần thiết để tự cứu mình là chính. Xác định nhiệm vụ PCTT và TKCN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thuộc trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, trước hết là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo huyện sẽ chỉ đạo, giải quyết những công việc lớn, ngoài khả năng của các xã, thị trấn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định.

Biến đổi khí hậu tác động mạnh và nhanh hơn làm cho tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, rất khó dự đoán. Trước mắt, huyện tập trung chỉ đạo các HTX nông nghiệp và nông dân tăng cường triển khai chăm sóc lúa vụ hè thu, củng cố hệ thống bờ bao và các phương tiện tiêu úng bảo vệ lúa ở các vùng thấp trũng. Phấn đấu thu hoạch lúa nhanh, gọn theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, dự kiến trước 5/9/2022 cơ bản thu hoạch xong. Đồng thời, có phương án hỗ trợ người dân thu hoạch 140ha lúa gieo sạ muộn ngoài khung lịch thời vụ. Chú trọng bảo vệ và thu hoạch những diện tích rau màu, nuôi thủy sản trong vụ; vận động các hộ nuôi cá lồng tu sửa, gia cố lại các lồng nuôi đảm bảo nuôi vượt lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản khi có thiên tai xảy ra.

Bài, ảnh: Thái Bình

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chu-dong-phuong-an-phong-chong-thien-tai-cu-the-sat-thuc-te-a116739.html