Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Sai phạm trong giao và quản lý rừng ở Phú Lộc - Bài 2: Buông lỏng quản lý
Hậu quả từ những sai phạm là vô cùng lớn, từ gây thất thoát tài sản Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của xã hội. Những sai phạm ở Phú Lộc không chỉ là khách quan mà phần lớn do chủ quan, cố tình.
Buông lỏng
Một ngày cuối tháng 8/2019, chúng tôi lên Lộc Hòa, Xuân Lộc, các xã có nhiều diện tích đất rừng nhất ở Phú Lộc. Đi đâu cũng nghe câu chuyện liên quan đến việc Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Nam Hòa thu hồi lại đất rừng của người dân sau khi tiếp nhận từ Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Phú Lộc (đã giải thể từ năm 2016).
Thông tin từ Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Nam Hòa, đơn vị này tiếp nhận lại từ Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Phú Lộc là 2.200ha rừng, kéo dài từ đèo Phước Tượng lên đến xã Xuân Lộc; trong đó, hơn 500ha đang bị lấn chiếm. Tuy nhiên, người dân ở các xã lại cho rằng, họ không hề lấn chiếm mà chỉ khai hoang, phục hóa. Rừng đã làm 3 - 4 vụ (15 – 20 năm) mà không có tranh chấp, hay xử lý từ cơ quan chức năng.
Ông Trần Châu, Trưởng thôn Hưng Lộc, xã Xuân Lộc khẳng định, thời điểm đầu tiên (người dân bắt đầu trồng rừng) chỉ những khu vực rừng thuận lợi, phía lâm trường (Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Phú Lộc trước đây) mới tiến hành trồng rừng và đóng mốc ranh giới, còn những khu vực như bìm, rú, lau lách, bên khe suối, có địa hình hiểm trở…, phía lâm nghiệp không làm gì. Thấy thế, người dân mới vào khai hoang, phát cây các vùng đó để trồng tràm đến bây giờ.
Ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cũng khẳng định, nếu quy người dân lấn chiếm là chưa đúng, dù trên thực tế đất rừng của lâm trường quản lý, nhưng người dân thấy hoang hóa, nằm gần nhà nên phát hoang để trồng. Quá trình trồng không có tranh chấp xảy ra, phía lâm trường cũng không có động thái xử lý nào, hoặc lập biên bản rồi cũng không giải quyết dứt điểm.
Ông Phạm Nguyên Quang, Chủ tịch Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Nam Hòa cho biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Nam Hòa phải nhận lại đúng hiện trạng, tức là kể cả đất đang quản lý và lấn chiếm từ phía người dân.
“Do cách quản lý nhiều cái chưa đúng của thời trước để lại mới dẫn đến những phức tạp như hiện nay; dẫn đến việc Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Phú Lộc làm ăn thua lỗ, giải thể và giao lại cho Nam Hòa”, ông Quang cho hay.
Trở lại việc quản lý rừng đối với 9.749ha đất lâm nghiệp do 3 đơn vị (BQL rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, Nam Đông, Vườn Quốc gia Bạch Mã) bàn giao cho các địa phương, qua xác minh, cho thấy các tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp chủ yếu quản lý đất theo vùng dự án đầu tư và quản lý, sử dụng theo lô, khoảnh, tiểu khu của ngành lâm nghiệp, không sử dụng bản đồ địa chính và trích đo địa chính thửa đất.
Việc quản lý hồ sơ giao rừng cho cộng đồng tắc trách, dẫn đến thất lạc hồ sơ nên khi thống kê số liệu, vị trí, hiện trạng các diện tích rừng tự nhiên giao cho các cộng đồng gặp khó khăn.
Rõ ràng, việc buông lỏng, năng lực hạn chế trong quản lý mới để xảy ra tình trạng sai phạm, để mất đất rừng, đất lâm nghiệp nghiêm trọng như ở Phú Lộc thời gian qua.
Cố tình vi phạm?
Theo Luật sư Hoàng Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Thuận Hóa, sự việc ở Lộc Bổn, việc ký hợp đồng sau khi giao đất như ở HTX An Nong I là phải đưa vào diện cố tình vi phạm quy định, bởi hợp đồng phải được thực hiện trước, hay nói cách khác là cơ sở để HTX An Nong I giao đất cho người dân. Việc ký sau được xem như là đối phó với quy định và hợp thức hóa các chứng từ.
Ở một diễn biến khác, một số trường hợp ký tên trong bản hợp đồng không khớp với người được giao khoán, một số người ký vào hợp đồng nhưng lại không có trong danh sách giao khoán, đây chẳng khác gì việc lập hồ sơ giả để chiếm đoạt đất rừng, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Luật sư Hoàng Ngọc Thanh khẳng định, theo quy định, với những trường hợp giao đất rừng sai, không đúng đối tượng buộc phải thu hồi. Mặt khác, những sai phạm thuộc về cố ý, chứ không phải vô ý như trên, phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không dừng lại ở xử lý dân sự, kiểm điểm trách nhiệm.
Tại 74 lô đất cấp sai ở Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh), một yếu tố khách quan là vào thời điểm giao đất cho cán bộ, đang trong quá trình triển khai dự án PAM, phủ xanh đất trống đồi trọc. Giá trị từ rừng mang lại ở thời điểm đó không cao, người dân không nhận nên giao cho cán bộ để hoàn thành chỉ tiêu trồng và bảo vệ rừng.
Dù thế, qua quá trình xác minh, huyện Phú Lộc đã không thực hiện quy trình thông báo công khai cho người dân biết để đăng ký nhận rừng để khai thác và bảo vệ. Có một chi tiết khác là vào ngày 31/12/1995, đúng ngày chủ nhật, UBND huyện Phú Lộc lại ký một loạt quyết định giao đất. Thời gian ký vào ngày cuối năm, trúng vào ngày nghỉ nên dư luận đặt ra những dấu hỏi là không thể tránh khỏi.
Tại thời điểm cấp giấy CNQSDĐ ở Cảnh Dương, được biết, khi quy hoạch Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, khu vực này đã được chuyển thành rừng sản xuất. Theo quy định, với 74 lô đất trên, muốn cấp giấy CNQSDĐ là rừng sản xuất, huyện Phú Lộc phải thu hồi quyết định giao đất từ năm 1994 - 1995 và ra một quyết định giao đất mới với mục đích sử dụng không còn là rừng phòng hộ nữa mà là rừng sản xuất.
Theo chúng tôi, việc cấp giấy CNQSDĐ sai từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất không thể có sự nhầm lẫn, hay vô ý bởi đây là quy định bắt buộc, đơn vị chuyên môn là Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phải “nằm lòng” quy định này.
Bài, ảnh: Đức Quang
Bài 3: Giải quyết hợp tình, hợp lý