Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Tận dụng rơm sau thu hoạch: Bài toán nhiều lợi ích
Rơm được phơi khô tại ruộng sau đó người dân dùng tất cả các phương tiện có thể như xe bò, xe tải, quang gánh… để đem về nhà, tập kết tại các cánh đồng rau màu để bắt đầu cho mùa vụ mới, làm thức ăn cho gia súc hay trồng nấm...
Không phí hoài rơm
Không chỉ ở Điền Lộc mà các xã có vùng chuyên canh cây rau màu như Điền Môn, Điền Hương, Điền Hòa, Điền Hải (Phong Điền) thì rơm chính là nguyên liệu để người dân “tủ” rau màu trong sản xuất vụ đông xuân. Không những hạn chế được cỏ mọc mà còn giữ ẩm cho đất, ít tốn công chăm sóc, khoảng sau gần 1 tháng rơm rạ sẽ hoai mục giúp rau màu phát triển nhanh và tốt hơn" - ông Hồ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lộc chia sẻ.
Ông Nguyễn Nam ở thôn Vĩnh Xương, xã Điền Môn với diện tích đất trồng lúa khoảng 5 sào, sau mỗi vụ thu hoạch, ông đã gom và trữ lại nguồn rơm từ đồng ruộng để làm thức ăn và giữ ấm cho bò khi trời rét.
“Hiện tại, gia đình tôi đang nuôi 15 con bò thịt, trung bình mỗi con bò cần 4 sào rơm để vừa cho bò ăn, ủ ấm và làm phân bón thì tôi phải cần 3ha rơm. Với diện tích trồng lúa của gia đình thì sau mỗi đợt thu hoạch vẫn chưa đủ nguồn rơm cho bò ăn, tôi phải đến các vùng khác để xin thêm và mua khoảng hơn 2,5 ha rơm mới đủ nhu cầu thực tế, phân từ rơm bò sẽ được sử dụng trồng vụ màu và 5 sào ném của gia đình", ông Nam cho hay.
Cần nhân rộng
Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền thông tin: Lâu nay, trong sản xuất lúa, đa số diện tích rơm rạ sau thu hoạch của các địa phương đều đốt bỏ. Việc đốt rơm rạ làm ảnh hưởng đến môi trường và giao thông. Việc đốt rơm rạ còn làm cho đất đai ngày càng thoái hóa, làm mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Việc đốt rơm rạ sẽ bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây lúa và tiêu diệt côn trùng có ích, từ đó bà con nông dân phải sử dụng một lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để phòng trừ cho mùa vụ tới.
Trước những thực tế đó, trong vụ Đông Xuân 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện hỗ trợ mô hình “thu gom rơm bằng máy cuốn rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường” tại HTX NN An Lỗ, xã Phong Hiền và bước đầu đã có kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX NN An Lỗ cho biết: Bình quân 1 sào lúa thu được khoảng 10 - 12 cuộn rơm (đường kính 80cm). Với giá 20.000 đồng/cuộn cung cấp cho các cơ sở làm nấm thì đầu ra của rơm cuộn chỉ đủ phục vụ cho một số hộ dân địa phương trồng nấm.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp xã Phong Bình xây dựng mô hình “Ứng dụng các biện pháp canh tác tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch” với diện tích 5 ha tại HTX NN Siêu Quần. Theo đánh giá của nông dân, trên ruộng có xử lý bằng chế phẩm vi sinh rơm, rạ phân hủy nhanh, nền ruộng xốp, mặt nước trong, ít có hiện tượng váng đỏ, đất mềm, tỷ lệ lúa chết lúc mới ít hơn, giảm được công dặm tỉa. Lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, thân to, lá có màu xanh bền, hạn chế tình trạng lúa bị bệnh bệnh nghẹt rễ vàng lá sinh lý.
Ông Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc HTX NN Siêu Quần cho hay: Việc sử dụng các chế phẩm vi sinh vẫn còn hạn chế và còn gặp nhiều khó khăn, thời gian chuyển vụ nhanh, việc sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ đòi hỏi thực hiện nhiều khâu phức tạp và tốn công, kinh phí nên chưa được nông dân đưa vào sử dụng đại trà.
Hiện nay, Phong Điền đang vận động người dân và các HTX đầu tư máy cuộn rơm và các chế phẩm để tận dụng rơm sau thu hoạch.