Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Trồng rừng bền vững

TTH - Trồng rừng gỗ lớn (RGL) có giá trị kinh tế, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường trước xu thế biến đổi khí hậu là mục tiêu mùa trồng rừng năm nay. Đến nay, toàn tỉnh trồng mới 4.210ha rừng trong tổng diện tích kế hoạch 6.000ha năm 2021.

Phát dọn thực bì chuẩn bị trồng rừng ở A Lưới

Phát dọn thực bì chuẩn bị trồng rừng ở A Lưới

Trồng rừng gỗ lớn ngay từ đầu vụ

Một bộ phận người dân chưa thật sự tin tưởng vào trồng RGL, có chứng chỉ FSC vì cho rằng chu kỳ thu hoạch kéo dài đến 8 năm, nguy cơ rủi ro gãy đổ trước thiên tai, gió bão. Một phần do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên tâm lý người dân muốn thu hoạch sớm để giải quyết nhu cầu cuộc sống. Trong khi trồng rừng gỗ nhỏ lại nhiều thiệt thòi, giá trị kinh tế thấp, giá cả bấp bênh.

Với sự tuyên truyền, vận động của các địa phương, ban ngành, nhiều hộ dân dần thay đổi tư duy, nhận thức, chuyển sang trồng RGL. Ngay từ khi vào vụ trồng mới, người dân đã đăng ký sản xuất theo phương thức canh tác RGL có chu kỳ thu hoạch 8 năm trở lên. Những hộ này có một số diện tích rừng trước đó đã đăng ký RGL cho thu hoạch, chứng minh thực tiễn lợi ích kinh tế cao, mỗi ha thu nhập từ 250-300 triệu đồng, cao gấp ba lần rừng gỗ nhỏ.

Ông Nguyễn Tùy ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc) có diện tích rừng keo hàng chục ha, trước đây hầu như không quan tâm đến RGL, nhưng nay gần như toàn bộ diện tích đã chuyển sang mô hình này. Vụ trồng rừng mới năm nay, ngay từ khi xuống giống, ông Tùy đã đăng ký mô hình trồng RGL, có chứng chỉ FSC. Ông Tùy còn vận động bà con địa phương sản xuất RGL để được hưởng các cơ chế vay vốn ưu đãi (từ doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm) đầu tư mua giống, phân, công trồng và chăm sóc rừng, cũng như lợi ích kinh tế sau khi thu hoạch. Quá trình trồng RGL khi gặp rủi ro gãy đổ do gió bão vẫn được doanh nghiệp cam kết thu mua sản phẩm với giá ổn định.

Giám đốc Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững (HTX LNBV) Hòa Lộc (Phú Lộc) Hồ Đa Thê khẳng định, sau hơn 5 năm triển khai mô hình trồng RGL đã chứng minh lợi ích kinh tế. RGL còn góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, hạn chế nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa lũ. Từ vài chục ha ban đầu, đến nay hầu hết hộ thành viên của HTX và nhiều hộ dân Lộc Bổn chuyển sang trồng RGL với diện tích hơn 500ha. Vụ trồng rừng mới năm nay, toàn HTX trồng khoảng 100ha rừng và được các hộ dân đăng ký sản xuất RGL ngay từ đầu vụ.

Chất lượng giống đảm bảo

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Nguyễn Hữu Huy thông tin, ngoài trồng rừng kinh tế, hướng đến mô hình RGL, chứng chỉ FSC, ngành lâm nghiệp quan tâm triển khai các mô hình trồng rừng thay thế, chăm sóc rừng tự nhiên. Từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm triển khai thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật và phê duyệt hồ sơ thiết, dự toán các công trình trồng và chăm sóc rừng trồng thay thế, trồng RGL với các loài cây bản địa, trồng bổ sung nhằm nâng cấp chất lượng rừng. Các hồ sơ phê duyệt đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, thời gian quy định, làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Ngành kiểm lâm cũng đã kiểm tra, rà soát, giám sát về sản xuất, kinh doanh, chất lượng nguồn giống. Từ đó tham mưu công nhận 17 nguồn giống cây trồng lâm nghiệp của các tổ chức, cá nhân đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh gieo ươm khoảng gần 16 triệu cây giống các loại phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2021. Toàn tỉnh đã trồng mới gần 4.210ha rừng sản xuất, đạt 70,2% so với kế hoạch năm. Các đơn vị lâm nghiệp cũng đã tổ chức trồng gần 500ha rừng phòng hộ, đặc dụng bằng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phân bổ. Ngoài ra còn trồng nâng cấp chất lượng rừng với diện tích gần 300ha, chăm sóc 2.113ha, khoán quản lý và bảo vệ khoảng trên 163,5 ngàn ha/180 ngàn ha theo kế hoạch, trồng hơn 500 ngàn cây rừng phân tán các loại.

Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh, ông Võ Văn Dự cho rằng, trước xu thế hội nhập, ứng phó biến đổi khí hậu không còn lựa chọn nào khác ngoài trồng RGL, có chứng chỉ FSC là hướng đi bền vững trong phát triển lâm nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 9.000ha RGL của hộ dân và tổ chức, doanh nghiệp; trong đó, có 1.028 hộ lâm dân với diện tích trên 5.100ha rừng trồng có chứng chỉ rừng FSC. Trồng RGL gắn với thành lập HTX LNBV để hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động kinh doanh lâm nghiệp của các HTX LNBV chủ yếu tập trung làm dịch vụ hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc rừng, xây dựng chứng chỉ, khai thác và kết nối tiêu thụ RGL.

Trung ương giao tỉnh xây dựng đề án phát triển các HTX LNBV nhằm tạo dựng mô hình trồng RGL gắn với chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. Một số mô hình HTX có dịch vụ trồng và chăm sóc rừng ngày càng phát huy hiệu quả, nhiều HTX tổ chức lại sản xuất, hình thành các tổ, nhóm chuyên về dịch vụ lâm nghiệp như vườn ươm, tổ khai thác, tổ vận chuyển, đăng ký chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn Việt Nam (VFCSS)... Một số mô hình vườn ươm cây keo được đầu tư cơ bản, có hiệu quả như ở các HTX NN Nam Sơn, HTX NN Hòa Mỹ , HTX NN Phù Bài.

Theo ông Nguyễn Hữu Huy, khó khăn lớn trong việc trồng rừng chủ yếu ở trồng rừng thay thế, do phải thực hiện theo hình thức đầu tư công với nhiều thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian nên kế hoạch trồng rừng thường chậm tiến độ. Về lâu dài cần có cơ chế đặc thù cho chủ đầu tư thực hiện theo hình thức chỉ định thầu hoặc đặt hàng; chủ đầu tư cần lựa chọn loài cây phù hợp với điều kiện lập địa và giải pháp thi công hữu hiệu...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/trong-rung-ben-vung-a106319.html