Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
Ngày 28/2 diễn ra cuộc họp triển khai công tác trồng rừng thay thế theo Thông tư 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì cuộc họp.
Thông tư số 25 có hiệu lực từ ngày 15 tháng 2 năm 2023, thay thế Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2019 Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Theo đó, quy định tại Thông tư số 13 trước đây thì kinh phí trồng rừng thay thế do chủ dự án nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng được ưu tiên sử dụng theo thứ tự: Trồng rừng đặc dụng, trồng rừng phòng hộ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất, điều chuyển kinh phí để trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại địa phương khác.
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 25, trồng rừng thay thế là việc trồng rừng mới trên diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất hoặc trồng lại rừng trên diện tích rừng trồng không thành rừng đã hoàn thành việc thanh lý rừng trồng khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật.
So với quy định tại Thông tư số 13 thì đối tượng được bố trí trồng rừng thay thế theo Thông tư số 25 đã mở rộng hơn trước, đồng thời hồ sơ đề nghị trồng rừng thay thế tại Thông tư số 25 không có “Báo cáo về diện tích, hiện trạng rừng (theo mục đích sử dụng, nguồn gốc hình thành, chủ quản lý) dự kiến chuyển mục đích sử dụng”.
Ngoài các điểm mới trên, Thông tư số 25 còn có một số sửa đổi về thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thông báo về đơn giá trồng rừng thay thế, tiếp nhận tiền trồng rừng thay thế.
Tin, ảnh: LÊ THỌ