Kinh tế số đã đóng góp 20,69% vào GRDP Đà Nẵng

Năm 2024, quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghệ thông tin Đà Nẵng tăng 8%, tính theo giá hiện hành đạt 10.261 tỷ đồng; Kinh tế số đóng góp 20,69% GRDP thành phố Đà Nẵng…

Khánh thành đưa vào sử dụng Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC) đầu năm 2024.

Khánh thành đưa vào sử dụng Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC) đầu năm 2024.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết năm 2024, tổng doanh thu toàn ngành đạt 39.888 tỷ đồng, tăng 9,07% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 165 triệu USD, tăng 11,6% so với năm 2023. Kinh tế số đóng góp 20,69% GRDP thành phố, hoàn thành chỉ tiêu trước 02 năm so với Nghị quyết về Chuyển đổi số của thành phố.

“Ngành công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng tiếp tục khẳng định là một trong năm ngành kinh tế quan trọng của thành phố đúng với tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị. Phát triển kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng”, ông Thanh khẳng định.

Năm 2024, quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành theo giá hiện hành đạt 10.261 tỷ đồng, chiếm 6,8% trong cơ cấu GRDP toàn nền kinh tế. Giá trị tăng thêm toàn ngành đạt 8%.

Thời gian qua, công tác Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đã và đang nâng tầm thương hiệu cho thành phố Đà Nẵng. Trong năm 2024, Đà Nẵng tiếp tục xếp hạng nhất chỉ số Vietnam ICT Index khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và là địa phương duy nhất có 14 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số này.

Cùng với đó, cũng là năm thứ 03 liên tiếp Đà Nẵng được xếp hạng Nhất chuyển đổi số cấp tỉnh; đồng thời đứng đầu cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số; được trao chứng nhận Cơ quan nhà nước tiêu biểu thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, cũng là năm thứ 05 liên tiếp Đà Nẵng là địa phương duy nhất được trao giải thưởng Thành phố thông minh xuất sắc của Việt Nam; đồng thời đạt thêm 03 giải thưởng chuyên đề: Điều hành, quản lý thông minh; Hấp dẫn đổi mới sáng tạo; Quản lý môi trường thông minh…

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường, những kết quả về Chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh đã góp phần nâng tầm thương hiệu cho thành phố Đà Nẵng. Những nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông với nội dung trọng tâm trong triển khai Chuyển đổi số và xây dựng Thành phố thông minh được tiếp cận theo 03 Trục Hạ tầng - Dữ liệu - Ứng dụng thông minh, trong đó chính sách, khung kiến trúc để định hướng; Hạ tầng, dữ liệu làm nền tảng; Ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả.

Với mô hình ra quyết định dựa trên dữ liệu, Đà Nẵng đã triển khai nhiều cách làm hay, giải pháp tốt trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó, điểm sáng là ứng dụng công cụ phân tích dữ liệu để phát hiện các hồ sơ thủ tục hành chính sắp đến hạn, cảnh báo sớm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xử lý kịp thời, tránh trễ hạn, với 100% hồ sơ thủ tục hành chính sắp tới hạn trả kết quả đến các cơ quan, đơn vị.

Thông tin tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng năm 2024 vừa diễn ra, Giám đốc Sở- Nguyễn Quang Thanh, cho biết so với năm 2023, tỷ lệ hồ sơ xử lý trễ hạn trong năm 2024 đã giảm từ 2,63% xuống còn 0,27%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của thành phố cao nhất cả nước, với 95% (trung bình tỉnh, thành là 55%); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình tỉnh thành là 17%) và được chọn là địa phương tổ chức Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì để chia sẻ kinh nghiệm cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn quốc. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có gần 50% người dân trưởng thành có tài khoản công dân số, 20% có chữ ký số cá nhân và kho dữ liệu số; 99% hộ gia đình có điện thoại thông minh.

Theo ông Thanh, việc xây dựng xã hội số với chủ thể cốt lõi công dân số là yếu tố then chốt, quyết định. Năm 2024, Đà Nẵng ban hành Khung năng lực số cho công dân, tập hợp đầy đủ các tiêu chí cụ thể về kiến thức, kỹ năng và thái độ; giúp người dân tham gia chủ động, hiệu quả, an toàn, không ngừng trao đổi, tương tác, học tập trên môi trường số.

Từ cuối tháng 6 năm 2024, Đà Nẵng đã triển khai cho người dân sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng dịch vụ công; tích hợp để người dân sử dụng dịch vụ cấp lý lịch tư pháp, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trên ứng dụng VNeID; đến nay, đã triển khai hầu hết các mô hình điểm ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ chuyển đổi số.

Hiện, Đà Nẵng đang tập trung xây dựng nền tảng phát triển vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Thành phố là địa phương đầu tiên đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC) đầu năm 2024; đồng thời đã xây dựng Đề án phát triển lĩnh vực này đến năm 2030. Lãnh đạo thành phố đã làm việc với hơn 70 đối tác quốc tế; tổ chức hơn 20 sự kiện trong và ngoài nước; ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với 15 đối tác trong phát triển nhân lực và thu hút mới 13 doanh nghiệp thiết kế vi mạch đến đầu tư tại Đà Nẵng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo được thành phố chú trọng. Hiện trên địa bàn Đà Nẵng đã có 04 trường Đại học mở ngành đào tạo kỹ sư vi mạch với gần 300 chỉ tiêu đã tuyển sinh/năm; mở 3 lớp đào tạo chuyển đổi sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành sang thiết kế cho 41 sinh viên và 59 giảng viên; bồi dưỡng cho 17 giảng viên về đóng gói kiểm thử theo tài trợ của Đại học Arizona Hoa Kỳ; 07 giảng viên được cấp chứng chỉ Đại sứ trí tuệ nhân tạo theo hỗ trợ của tập đoàn NVIDIA.

Cùng với đó, Đà Nẵng cũng xây dựng Hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo với 13 doanh nghiệp thiết kế, doanh nghiệp khởi nghiệp với các dự án tiêu biểu lọt vào Top 10 của Giải thưởng đổi mới sáng tạo Việt Nam do Tập đoàn Qualcomm tổ chức như: XB Link, Alpha Asimov Robotics, Vox Cool, Delta X…

Ngô Anh Văn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kinh-te-so-da-dong-gop-20-69-vao-grdp-da-nang.htm