Kinh tế Sớm khắc phục các sai phạm để tạo môi trường đầu tư lành mạnh

TTH - Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ tại 11 dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh có những sai phạm, các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan đang tập trung khắc phục, nhằm lấy lại uy tín, tạo môi trường đầu tư lành mạnh hơn.

Dự án Khu nghi dưỡng quốc tế Minh Viễn (Lăng Cô) là một trong 11 dự án có sai phạm

Dự án Khu nghi dưỡng quốc tế Minh Viễn (Lăng Cô) là một trong 11 dự án có sai phạm

Xử lý kịp thời, đúng quy định

Tại Kết luận 2123, ngày 1/12/2022 của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ những vi phạm tại 11 dự án đầu tư du lịch tại Thừa Thiên Huế. Thanh tra nêu rõ về một số sai phạm trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch du lịch; phê duyệt quy hoạch điều chỉnh tổng thể phát triển du lịch; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch các huyện, thành phố chưa được phê duyệt; chưa tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trước khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Nhiều dự án du lịch bị chậm tiến độ kéo dài nhiều năm; trong đó, có các dự án còn chưa nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền quỹ cam kết…

Dù thanh tra đã chỉ ra những sai phạm rất cụ thể, nhưng xét trên thực tế, việc khắc phục đang gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, việc triển khai các dự án đầu tư qua nhiều năm, qua các giai đoạn Luật Đất đai khác nhau, chủ đầu tư khác nhau, Luật Xây dựng có thay đổi. Với việc thay đổi các quy định Pháp luật, cũng như là việc liên kết giữa các cơ quan để tham mưu cho tỉnh triển khai các dự án có những bất cập, nên dẫn đến những vướng mắc. Dù đầu tư các dự án du lịch, nhưng lại liên quan đến thủ tục về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất… cho nên càng phức tạp trong các phương án khắc phục.

Theo ông Lê Hồ Nhân, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, so với việc kết luận thanh tra các dự án đầu tư trên toàn quốc, thì các thiếu sót, sai phạm ở Thừa Thiên Huế là ở mức độ thấp hơn. Với các nội dung cần tham mưu cho UBND tỉnh khắc phục các thiếu sót, sai phạm, hiện các cơ quan liên quan đã triển khai. Do nhiều vướng mắc về cơ chế nên việc giải quyết, khắc phục vi phạm tại các dự án đang gặp một số khó khăn. Tỉnh đã có văn bản đến các bộ chuyên ngành để được hướng dẫn cụ thể hơn trong giải quyết các vướng mắc.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh thông tin, sau khi có kết luận thanh tra, lãnh đạo tỉnh đã chủ trì nhiều cuộc làm việc với các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp liên quan để khắc phục các sai phạm. UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan các sai phạm tại các dự án kiểm điểm trách nhiệm. Việc kiểm điểm được thực hiện nghiêm túc. Sẽ có nhiều khó khăn trong khắc phục, vì thời điểm vi phạm đã khá lâu và kéo dài. Một số dự án còn duy trì, một số đã chấm dứt, khiến việc khắc phục cũng gặp trở ngại nhất định. Song quan điểm của tỉnh là xử lý kịp thời và đúng quy định.

Tránh lặp lại sai phạm, tạo môi trường lành mạnh

Văn phòng UBND tỉnh cho biết, lãnh đạo tỉnh xác định, cần nhanh chóng khắc phục các sai phạm, đảm bảo đúng quy định, thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Thanh tra Chính phủ. Đây không chỉ là việc đảm bảo đúng các quy định, mà còn là quá trình lấy lại uy tín, tạo môi trường lành mạnh trong thu hút đầu tư du lịch trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian đến.

Ở một diễn biến liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với một số dự án do sở phụ trách, thời gian qua đã có những khắc phục bước đầu. Như các dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng Nama (Nama Resort), tại 85 Nguyễn Chí Diểu, TP. Huế; dự án khu quần thể sân golf Huế; dự án khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec – Huế… Nhà đầu tư đang hoàn thành phê duyệt dự án và lập thủ tục cấp giấy phép xây dựng để triển khai thi công; triển khai thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án và các thủ tục liên quan để tiếp tục thực hiện dự án...

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, sở sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, khắc phục các tồn tại; đôn đốc chủ đầu tư tập trung nguồn vốn để đầu tư hoàn thành đưa dự án vào hoạt động.

Theo ông Sơn, khó khăn lớn trong quá trình triển khai dự án thường gặp là vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng, tính đồng bộ giữa các luật, quy hoạch có liên quan. Nhà đầu tư như chưa tính toán đầy đủ về thị trường, tiến độ, kế hoạch nguồn lực nên tiến độ thường chậm so với kế hoạch đã cam kết. Vì thế, để tạo môi trường đầu tư tốt hơn sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, kịp thời báo cáo HĐND tỉnh, UBND tỉnh các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, giải quyết.

Bên cạnh tiếp tục khắc phục các sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng UBND tỉnh cho biết, trong thời gian đến, tỉnh sẽ chỉ đạo công tác xây dựng, cập nhật, bổ sung các quy hoạch liên quan dự án, như: quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị tỉnh, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch sử dụng đất,… Lập và phê duyệt các loại quy hoạch trên địa bàn tỉnh nhằm kêu gọi, triển khai các dự án đầu tư du lịch.

Ngoài ra, tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác công bố kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Đảm bảo đáp ứng đẩy đủ các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, tài chính như xây dựng, thẩm định, phê duyệt danh mục dự án làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư. Nâng cao chất lượng thẩm định năng lực của nhà đầu tư thông qua các hồ sơ mời thầu, quan tâm năng lực tài chính của nhà đầu tư và kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự, nhân sự,...; tính toán, phân tích về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường dự án... để thu hút các nhà đầu tư có năng lực thật sự.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/som-khac-phuc-cac-sai-pham-de-tao-moi-truong-dau-tu-lanh-manh-a122035.html