Kinh tế tăng trưởng vượt bậc nhờ thị trường vốn
'Chứng kiến sự giàu có của những người Việt tại thung lũng Silicon nước Mỹ trong thời kỳ bong bóng dot-com làm tôi càng quan tâm hơn đến TTCK. Khi về nước, tôi có cơ hội làm việc trong lĩnh vực chứng khoán suốt 20 năm qua'.
Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) chia sẻ về cái duyên rẽ ngang sự nghiệp và đam mê nghề.
Nhiều người biết ông xuất phát từ ngân hàng, nhưng không biết cơ duyên nào đã đưa ông rẽ ngang sang lĩnh vực chứng khoán?
Ðó là thời điểm tôi tham gia khóa học về chính sách công của Trường Fulbright năm 2001. Họ giới thiệu cho chúng tôi cuốn sách “Sự bí ẩn của vốn”, trong đó có phân tích lý do vì sao một quốc gia ngồi trên mỏ vàng mà vẫn nghèo, bởi các tài sản của họ không thể khả mại, tức không thể mua bán giao dịch một cách dễ dàng.
Sau đó, tôi được tham dự một buổi nói chuyện về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong khóa học này của anh Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon hiện nay. Anh có nói ví dụ về REE, công ty cổ phần hóa và là công ty niêm yết đầu tiên trên thị trường.
Thời gian tôi sang Mỹ học và làm việc, tôi chứng kiến sự giàu có của những người Việt ở thung lũng Silicon vì sở hữu cổ phần ở các công ty công nghệ, tôi càng quan tâm hơn đến thị trường chứng khoán. Vì thế, khi về nước, tôi quyết định chuyển sang làm việc trong lĩnh vực này và bắt đầu làm tại HSC cho đến nay.
Trong nhiều năm qua, ông là một trong số ít lãnh đạo công ty chứng khoán thường xuyên có mặt trong các nhóm làm việc, các cuộc hội thảo xây dựng văn bản pháp luật, phát triển sản phẩm cho thị trường được cơ quan quản lý tổ chức. Ðiều gì đã thúc đẩy ông làm việc mà rất nhiều người cho là “vác tù và hàng tổng”?
Thị trường tài chính chứng khoán Việt Nam là thị trường đang phát triển, nên có thể học hỏi rất nhiều ở các thị trường đã phát triển.
Tôi có thời gian khá dài tiếp xúc, làm việc tại các thị trường tài chính - chứng khoán thế giới nên tôi thấy có nhiều kinh nghiệm hay có thể áp dụng vào Việt Nam. Khi đã tham gia vào thị trường, ai cũng muốn đóng góp để thị trường phát triển bài bản.
Dự án đầu tiên tôi tham gia là đề án phát hành trái phiếu chính phủ theo lô lớn năm 2006. Năm 2008, tôi tham gia xây dựng mô hình giao dịch ký quỹ; năm 2012, tham gia làm sản phẩm ETF, sau đó làm hợp đồng giao dịch tương lai, chứng quyền có đảm bảo.
Trong quá trình đó, tôi cũng có cơ hội học hỏi thêm rất nhiều. Tôi nhớ lại là Sở Giao dịch chứng khoán Nhật Bản đã rất nhiệt tình, tổ chức các lớp học giúp chúng ta hiểu rõ về cách vận hành của thị trường.
Tôi cũng rất ấn tượng với sự phát triển của thị trường chứng khoán Ðài Loan, Hàn Quốc. Việc tham gia Diễn đàn Thị trường chứng khoán châu Á hàng năm (ASF) cũng giúp tôi học hỏi được rất nhiều.
Với những trải nghiệm sâu rộng, theo ông, đâu là những đóng góp nổi bật nhất của thị trường chứng khoán trong suốt 20 năm qua?
Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc nhờ sự phát triển của thị trường vốn. Nhờ thị trường chứng khoán, phân bổ vốn trong nền kinh tế tốt hơn trước rất nhiều. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn nhờ cổ phần hóa, IPO và niêm yết trên thị trường.
Khối doanh nghiệp tư nhân có cơ hội vươn lên phát triển mạnh mẽ. Ðến nay, đã có nhiều công ty có vốn hóa trên 1 tỷ USD trên thị trường, điều mà nhiều năm trước đây chúng ta mơ ước.
Nhìn từ góc độ xã hội, thị trường chứng khoán là sân chơi có tính hội nhập cao khi mà nhà đầu tư trong nước chơi cùng sân với nhà đầu tư nước ngoài.
Sau 20 năm, trình độ của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tăng lên rất nhiều sau những cọ xát với nhà đầu tư chuyên nghiệp, sau những bài học về khủng hoảng, lạm phát, suy thoái...
Tôi nhớ năm 2008, khi đi nói chuyện về lạm phát thì không ai để ý, không ai biết CPI là gì. Còn bây giờ, nhà đầu tư rất nhạy bén, họ theo dõi thị trường Mỹ, châu Á, coi giá vàng, tỷ giá hàng ngày...
Bản thân tôi may mắn tiếp cận với thị trường quốc tế từ sớm nên tôi nhìn thấy được sự trưởng thành của nhà đầu tư cá nhân trong nước là bước tiến bộ lớn.
Vậy, trong chặng đường phía trước, ông mong muốn điều gì cho sự phát triển của thị trường?
Chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ tới. Bởi xuất phát điểm của chúng ta còn thấp và với lợi thế về địa chính trị, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp lớn nhưng hiện tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, bất động sản.
Số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất chế tạo còn ít. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục lớn mạnh cùng thị trường chứng khoán nhưng phải làm thế nào để doanh nghiệp quản trị hiệu quả, áp dụng các chuẩn mực quốc tế về kiểm toán, về công bố thông tin, về thực hiện chiến lược phát triển gắn với môi trường xã hội.
Mười hay hai mươi năm tới, tôi muốn dành thời gian nghiên cứu cấu trúc thị trường và quản trị doanh nghiệp, giúp thúc đẩy khối doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp là viên ngọc quý của nền kinh tế.
Các nền kinh tế trong khu vực tăng trưởng nhanh các năm qua là nhờ có các doanh nghiệp trụ cột lớn mạnh.
Cách tiếp cận của tôi cũng là nghiên cứu các thông lệ tốt, các bài học kinh nghiệm của thế giới để áp dụng tại Việt Nam, làm sao để hiểu được định giá doanh nghiệp, cách thức quản lý và quản trị công ty để xây dựng một doanh nghiệp bền vững và có năng lực tiên phong.
Còn từ góc độ là một thành viên của thị trường, theo ông, cần phải có các giải pháp gì để thúc đẩy thị trường phát triển mạnh mẽ hơn, là môi trường nuôi dưỡng các doanh nghiệp
phát triển?
Hai mươi năm qua, từ những bỡ ngỡ, vừa học vừa làm, đến nay, các thành viên thị trường đều hiểu một cách cơ bản về cấu trúc, cách thức vận hành của thị trường chứng khoán. Theo tôi, ngay từ bây giờ, chúng ta có thể bắt tay vào nghiên cứu một bộ luật chứng khoán mới thiết kế đầy đủ, toàn diện hơn để chuẩn bị cho các bước phát triển cao hơn của thị trường trong
tương lai.
Kiến trúc thị trường, công nghệ, sản phẩm mới sẽ ngày càng phức tạp hơn, vì vậy, để khơi thông nguồn vốn trong nước và quốc tế, chúng ta cần thiết kế xây dựng bộ luật chứng khoán áp dụng các mô hình thông lệ tốt của thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới, là nền tảng để xây thị trường vận hành hiệu quả, phát triển hiện đại.
HSC trong giai đoạn phát triển sắp tới có những thay đổi như thế nào để giữ vững vị thế trên thị trường?
HSC hiểu rõ vị thế của mình ở đâu trên thị trường, từ đó xây dựng chiến lược sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhu cầu đa dạng của khách hàng để nắm bắt cơ hội thị trường.
Ðội ngũ môi giới giàu kinh nghiệm và chất lượng dịch vụ tư vấn sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển mảng môi giới khách hàng cá nhân của HSC.
Cùng với môi giới cá nhân, HSC còn có mảng môi giới tổ chức, ngân hàng đầu tư, tự doanh kết nối với nhau tạo ra các giải pháp, sản phẩm đầu tư với nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng.
HSC tham gia trên mọi thị trường, từ cổ phiếu, phái sinh, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, chứng quyền… Ðó chính là lợi thế cạnh tranh khác biệt của HSC.
Triết lý kinh doanh “Lấy khách hàng làm trọng tâm” trong mọi hoạt động chiến lược và vận hành sẽ tiếp tục khẳng định vị thế và thương hiệu HSC luôn là sự lựa chọn tin cậy hàng đầu của nhà đầu tư.