Kinh tế Tạo niềm tin cho nhà đầu tư
TTH - Không phải ngẫu nhiên mà Thừa Thiên Huế nằm trong top 10 tỉnh, thành trên toàn quốc dẫn đầu về chỉ số PCI. Đó là thành quả của sự kế thừa cùng với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.
PCI là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, bao gồm 10 chỉ số thành phần. Kết quả khảo sát PCI 2021 cho thấy, bên cạnh nhiều chỉ số thành phần được cải thiện, Thừa Thiên Huế có 2 chỉ số được đánh giá rất cao, đó là chỉ số Chi phí không chính thức và chỉ số Chi phí thời gian. Kết quả này được thu thập từ phản hồi của hơn 11.300 doanh nghiệp (DN), trong đó có hơn 10.000 DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân và gần 1.200 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cải thiện CPI nghĩa là cộng đồng DN đang đánh giá cao.
Mục tiêu của tỉnh luôn đồng hành và tạo điều kiện, hỗ trợ DN. Thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cũng nhằm hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chỉ số Chi phí thời gian được đánh giá cao nghĩa là thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính trên địa bàn đang được thực hiện nhanh chóng, không xảy ra chồng chéo hay thực thi quyền lực không hiệu quả, linh hoạt. Việc ổn định về mặt thời gian giúp DN hoạt động kinh doanh tốt nhất. Đối với chỉ số Chi phí không chính thức, đánh giá từ điểm số cho thấy, tỉnh đã giảm thiểu các chi phí không đảm bảo, công khai các chi phí được quy định, mang đến thuận lợi và công khai khi DN thực hiện các hoạt động.
Sự quyết liệt của chính quyền tỉnh trong việc hỗ trợ DN sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư, xem họ như người bạn đồng hành, cùng chung xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Điểm nhấn trong hàng loạt các giải pháp đó là việc 4 tổ công tác hỗ trợ đầu tư đi vào hoạt động, hạn chế tối đa tình trạng nhà đầu tư phải tự thực hiện các thủ tục hành chính liên quan dự án (DA), khắc phục tình trạng kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính của các sở, ngành cấp tỉnh; xử lý dứt điểm các vướng mắc các DA đang gặp phải để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các DA đi vào hoạt động để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước vào địa phương, giai đoạn tiếp theo, tỉnh tiến tới cụ thể hóa thêm 1 bước nữa của tổ công tác. Đó là giao trách nhiệm cho các chuyên viên (từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh) phụ trách từng nhóm DA (1 chuyên viên phụ trách từ 7-10 DA) có nhiệm vụ hỗ trợ tích cực nhà đầu tư trong việc hoàn thành các thủ tục có liên quan, làm đầu mối hỗ trợ nhà đầu tư tác nghiệp cùng các sở, ngành xử lý từng nội dung công việc vướng mắc, kịp thời cập nhật, báo cáo tổ trưởng các tổ công tác xử lý kịp thời các nội dung yêu cầu.
Những giải pháp về hỗ trợ đầu tư bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Trong 3 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành chấp thuận chủ trương đầu tư cho 11 DA với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 7.100 tỷ đồng, trong đó chấp thuận 6 nhà đầu tư thực hiện DA với tổng số vốn đăng ký khoảng 1.311 tỷ đồng. Thời gian tới, căn cứ trên danh mục DA được chấp thuận chủ trương đầu tư, định kỳ 6 tháng sẽ xây dựng, cập nhật danh mục các DA thu hút đầu tư.
Những chuyển động ấy giúp Thừa Thiên Huế được đánh giá cao về chỉ số PCI, song tỉnh vẫn hoàn thiện hơn nữa các chính sách, triển khai các chính sách mới hỗ trợ DN khó khăn sau dịch COVID-19. Đặc biệt, sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá 36 thủ tục hành chính trong năm 2022.
Nhằm cụ thể hóa chương trình xúc tiến đầu tư trong năm nay, UBND tỉnh cũng đề ra các mục tiêu cụ thể. Theo đó, ngoài địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp phấn đấu thu hút khoảng 20 DA đầu tư trong và ngoài nước, tổng mức đầu tư đạt 20.000 tỷ, vốn thực hiện đạt 40%.
Đối với địa bàn khu kinh tế thu hút bình quân 5 - 8 DA/năm, với vốn đăng ký bình quân 4.000 - 5.000 tỷ đồng/năm, vốn đầu tư thực hiện bình quân 6.000 - 7.000 tỷ đồng/năm, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước; các khu công nghiệp bình quân 10 - 15 DA/năm, với vốn đăng ký bình quân 3.500 - 4.000 tỷ đồng/năm, vốn đầu tư thực hiện bình quân 3.500 - 4.000 tỷ đồng/năm, tăng gấp 2 - 2,5 lần so với giai đoạn trước. Đồng thời, thu hút được nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Phú Đa, Quảng Vinh, tiến tới 100% các khu công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng được đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung.
“Chúng ta có mục tiêu trước mắt là xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Trong đó, việc thu hút đầu tư rất quan trọng. Chúng tôi luôn trân trọng các nhà đầu tư và muốn nhắn gửi rằng, các bạn hãy đến Huế để cảm nhận sự thay đổi của chúng tôi, sự thay đổi không chỉ từ trên xuống, mà cả từ dưới lên, trong niềm mong mỏi chung - được giữ chân các bạn ở lại với Huế”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tao-niem-tin-cho-nha-dau-tu-a112801.html