Kinh tế Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Sau khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Thái Nguyên từng bước khôi phục, phát triển, xây dựng nền kinh tế địa phương và tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Thái Nguyên từng bước khôi phục, phát triển, xây dựng nền kinh tế địa phương và tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Về nông nghiệp, hưởng ứng phong trào hợp tác hóa, nông dân Thái Nguyên nô nức tham gia hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1962, toàn tỉnh Thái Nguyên có 790 hợp tác xã, gồm 34.172 hộ. Tổng giá trị sản lượng nông nghiệp năm 1962 đạt 54.977.000 đồng, vượt 1,8% kế hoạch. Lúa cả năm 1962 đạt 57.494 công mẫu, vượt 5,3% kế hoạch.
Chăn nuôi cũng trở thành ngành sản xuất chính. Số đầu lợn tại các khu vực chăn nuôi, đặc biệt là khu vực chăn nuôi gia đình ngày càng tăng, vòng nuôi ngắn, trọng lượng xuất chuồng ngày một cao.
Chăn nuôi đại gia súc chủ yếu là trâu bò phát triển mạnh ở miền núi, với hình thức chăn nuôi trâu bò phổ biến trong thời kỳ này là tập thể quản lý, gia đình chăn dắt.
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, thời kỳ này chế độ quản lý nông nghiệp của Thái Nguyên thực hiện theo hình thức tổ chức hợp tác xã và chế độ phân phối theo công điểm.
Kế hoạch sản xuất hằng năm của từng huyện, từng hợp tác xã được phân bổ từ trên xuống dưới, dựa trên yêu cầu và chính sách phát triển chung của toàn ngành Nông nghiệp.
Về công nghiệp, trong thời kỳ khôi phục kinh tế (1955-1957), một số cơ sở công nghiệp trong tỉnh bắt đầu được khôi phục, xây dựng để phù hợp với nhiệm vụ công nghiệp của cả nước.
Năm 1959, Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên được triển khai xây dựng, năm 1963 bước vào sản xuất đã đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp luyện kim lớn của đất nước.
Thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Thái Nguyên đã ưu tiên đầu tư cho công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng Trung ương. Phương châm chỉ đạo đầu tư xây dựng cơ bản là tập trung vào các công trình trọng điểm. Trong mỗi công trình lại tập trung vào những hạng mục quan trọng trực tiếp tham gia sản xuất, hoặc liên quan tới sản xuất để sớm có thể đưa xí nghiệp vào hoạt động toàn bộ hay từng phần.
Ngày 25/8/1962, Nhà máy điện Thái Nguyên đi vào hoạt động; ngày 29/11/1963, mẻ gang đầu tiên ra lò; ngày 23/9/1964, Khu lò cao số 2 được khánh thành; ngày 21/12/1964, Lò luyện cốc và Xưởng thiêu kết ra đời.
Đến năm 1965, Thái Nguyên đã xây dựng nhiều hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Cuối quý I năm 1965 sáp nhập một số cơ sở sản xuất nhỏ, lập thành hợp tác xã có quy mô lớn hơn.
Trong những năm giặc Mỹ đánh phá ác liệt, các cơ sở công nghiệp của tỉnh bị tàn phá nặng nề, nhưng đội ngũ công nhân vẫn vững vàng bám nhà máy, vừa sản xuất vừa chiến đấu…