Kinh tế tháng 10: Chỉ số tích cực, củng cố thêm các động lực về đích
Tháng 10 - tháng đầu tiên trong một phần tư chặng đường cuối năm 2024 - đã đi qua với các chỉ số kinh tế tích cực, củng cố khả năng đạt được tăng trưởng quanh mức 7% trong năm nay.
Xuất siêu trên 23 tỷ USD, xuất khẩu trên đà cán mốc mới
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 10/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt 35,59 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xu hướng tích cực, với tháng 10 ghi nhận xuất siêu thêm 1,99 tỷ USD; nâng xuất siêu mười tháng lên 23,31 tỷ USD.
Dù mức tăng xuất khẩu trong tháng 10 không quá ấn tượng nhưng rất đáng nói bởi trước đó, xuất khẩu tháng 9 đã ghi nhận sự sụt giảm (giảm 9,9%) so với tháng 8 và chỉ tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Sụt giảm của xuất khẩu tháng 9 cũng phần nào minh chứng cho những lo ngại trước đó mà không ít tổ chức, chuyên gia đã đưa ra, đó là kịch bản xuất khẩu sẽ giảm tốc khá mạnh trong nửa cuối năm 2024. Là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng, việc xuất khẩu tăng trở lại trong tháng 10 nói riêng và mười tháng năm 2024 vẫn có được mức tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy những nỗ lực đóng góp cho tăng trưởng từ các động lực khác sẽ giúp gia tăng thêm cho tăng trưởng kinh tế năm nay, thay vì chỉ để "bù đắp" cho rủi ro sụt giảm của xuất khẩu như những cảnh báo được đưa ra trước đó.
Bên cạnh đó, với việc tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa mười tháng năm 2024 đã đạt 647,87 tỷ USD (tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%), đến nay có thể khẳng định năm 2024 chắc chắn sẽ vượt qua mức kỷ lục 732 tỷ USD xuất, nhập khẩu đã đạt được trong năm 2022 khi chỉ cần đạt 84,13 tỷ USD trong 2 tháng còn lại tới đây. Như vậy, một cột mốc xuất, nhập khẩu chắc chắn sẽ được thiết lập trong năm nay và cao hơn đỉnh cũ năm 2022 khá nhiều.
Thậm chí, mốc 800 tỷ USD cũng không phải quá xa vời nếu trong 2 tháng tới đạt được mức xuất, nhập khẩu trung bình 76 tỷ USD/tháng. Có một “quy luật mùa vụ” - dù không phải năm nào cũng đúng - là xuất, nhập khẩu quý IV thường cao hơn hẳn các quý khác trong năm. Với năm 2024 này, quy luật ấy đã đúng trong tháng 10 khi đạt mức 69,19 tỷ USD (cao hơn mức bình quân mỗi tháng đạt khoảng 64,27 tỷ USD trong 9 tháng trước đó). Tuy nhiên, những bất định của thương mại toàn cầu dường như cũng đang gia tăng nhanh hơn, đặc biệt khi chịu tác động của những diễn biến căng thẳng địa chính trị mới nhất. Do đó, xuất khẩu 2 tháng cuối năm dù chắc chắn không xấu như các dự báo trước đó song vẫn khó đoán định.
Nỗ lực thúc đẩy cầu trong nước
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,8%. Mười tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,5%). Tháng 10 và mười tháng cũng ghi nhận nhiều số liệu tích cực khác. Trong đó về đầu tư, vốn đầu tư từ nguồn NSNN đang được các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện (tháng 10 ước đạt 68,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước; tính chung mười tháng năm 2024 ước đạt 495,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước). Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/10/2024 đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; Vốn FDI thực hiện 10 tháng đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 15,8 tỷ USD, chiếm 80,7% tổng vốn FDI thực hiện).
Một điểm sáng trong ngành dịch vụ là khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Tháng 10, khách quốc tế đến đạt 1,42 triệu lượt người, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng tích cực hơn (tăng 2,4%) so với tháng 9 (chỉ tăng 1,2%) và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,6%. Tuy nhiên, các mức tăng này đều thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3%) cho thấy sự phục hồi của tiêu dùng trong nước vẫn chưa mạnh mẽ.
Thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây, các đại biểu Quốc hội đều tin tưởng nền kinh tế năm 2024 sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu như dự kiến, trong đó nhiều đại biểu kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 7%. Và nếu đạt mức tăng trưởng này, thì chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người - chỉ tiêu duy nhất đang dự kiến không đạt - cũng sẽ đạt được. Theo kế hoạch đặt ra, chỉ tiêu này phấn đấu đạt 4.700 USD năm nay.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, tiêu dùng nội địa tuy đã có sự phục hồi tích cực trong thời gian qua nhưng vẫn thấp hơn so với trước đại dịch. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế cũng như khuyến khích vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quỳnh (Đoàn Nam Định) nhấn mạnh, việc tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng dưới 5% sau khi loại trừ yếu tố giá là đang thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế, cho thấy sự phục hồi đến chủ yếu từ hồi phục xuất khẩu và nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài.
Bên cạnh đó, thu ngân sách tăng mạnh, còn chi ngân sách, đặc biệt là chi giải ngân đầu tư công, rất chậm... Những yếu tố đó cho thấy, nền kinh tế vẫn đang yếu, rất cần hỗ trợ và chính sách tài khóa dường như không theo kịp nhu cầu thực tế của nền kinh tế, theo nữ đại biểu này.
“Từ những bối cảnh trên, cần phải có những giải pháp vĩ mô rõ nét hơn trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục nới lỏng, có thực chất chính sách tài khóa, duy trì việc giảm thuế VAT, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai...”, đại biểu Trần Thị Quỳnh đề xuất.