Kinh tế thế giới đối mặt nhiều 'rào cản'

Kinh tế thế giới chuẩn bị khép lại năm 2019 với nhiều lo âu và kết quả tăng trưởng không mấy khả quan ở hầu hết các nền kinh tế lớn. Tình hình năm 2020 cũng không lạc quan khi một loạt nguy cơ và những rào cản tăng trưởng vẫn ngổn ngang phía trước.

Vào những tuần cuối cùng của năm 2019, các số liệu thống kê cho thấy “bức tranh kinh tế toàn cầu” không mấy sáng sủa với tốc độ tăng trưởng suy giảm ở hầu hết các nền kinh tế lớn. Tại Nhật Bản, kinh tế nước này trong quý III đã tăng trưởng quý thứ tư liên tiếp, song tốc độ chậm hơn dự kiến làm dấy lên quan ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Cụ thể, GDP của Nhật Bản trong quý III tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2018, thấp hơn mức tăng trưởng 1,8% của quý II cũng như mức dự báo tăng 1% của giới phân tích. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, tình trạng xuất khẩu giảm sút, những căng thẳng thương mại tiếp diễn đã làm chậm đà tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Số liệu thống kê từ hai nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, hay Liên hiệp châu Âu (EU) cũng cho thấy bức tranh u ám của kinh tế thế giới. Kinh tế Mỹ đã khởi sắc vào những tháng cuối năm khi các báo cáo cho thấy sản lượng công nghiệp ở Mỹ phục hồi mạnh, trong khi giấy phép xây dựng nhà mới ở nước này đạt mức kỷ lục trong 12 năm. Chỉ số chứng khoán của Mỹ cũng tăng cao những phiên gần đây. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại vào năm 2020. Thống kê cho thấy, doanh thu bán lẻ tại Mỹ trong tháng 11 chỉ tăng 0,2%, thấp hơn dự báo tăng 0,5% trong cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành trước đó. Trong khi đó, lĩnh vực chế tạo đã rơi vào suy thoái, đầu tư kinh doanh sụt giảm, xuất khẩu yếu đi và số liệu tạo việc làm và hoạt động chi tiêu sau khi được điều chỉnh cũng giảm đáng kể. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, áp lực buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải tiếp tục cắt giảm lãi suất có thể quay trở lại. Dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ có thể giảm xuống dưới 2% vào cuối năm 2019 và vào quý I-2020.

Tại châu Âu, nền kinh tế Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) gần như chững lại trong tháng 12, đưa quý cuối cùng của năm 2019 trở thành quý có hoạt động kinh tế yếu kém nhất kể từ năm 2013. Tại Đức, hoạt động kinh doanh đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất Eurozone chịu ảnh hưởng do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và nhu cầu trong lĩnh vực ô-tô sụt giảm. Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2019 và 2020, song kỳ vọng vào sự khởi sắc trong những năm tiếp theo.

Tại Trung Quốc, số liệu thống kê cũng như nhận định của giới phân tích đều cho rằng, kinh tế nước này đang khó khăn hơn dự báo do căng thẳng thương mại với Mỹ. Kinh tế Trung Quốc trong quý III chỉ đạt mức tăng trưởng 6%, mức yếu nhất trong gần 30 năm. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố một loạt số liệu kinh tế cho thấy sự giảm sút mạnh về chi tiêu tiêu dùng, sản xuất của các nhà máy cũng như đầu tư của nền kinh tế Trung Quốc. Theo đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 4,7%, thấp hơn mức tăng 5,8% của tháng 11. Trong khi đó, đầu tư tài sản cố định trong 10 tháng đầu năm lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng 5,2%, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ khi số liệu này được thu thập và tổng hợp từ năm 1998.

Trong suốt năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và các tranh chấp thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và các đối tác khác đã “phủ bóng đen” lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, làm giảm kim ngạch xuất khẩu, đầu tư ở nhiều nền kinh tế. Dù trong tháng cuối cùng của năm 2019, hai nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một và tiến trình Brexit của Anh đang dần về đích, tạo cú huých cho nền kinh tế thế giới, nhưng bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn “xám xịt” và triển vọng tăng trưởng không khả quan. Bên cạnh đó là gánh nặng nợ công và các nguy cơ tài chính, đe dọa nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và một số nước thành viên EU.

Trong bối cảnh những rào cản tăng trưởng vẫn lớn nêu trên, phần lớn giới chuyên gia và các định chế tài chính giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm tới. Trong báo cáo về kinh tế thế giới năm 2019 mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay xuống 3%, đồng thời cảnh báo kinh tế toàn cầu đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 còn khoảng 2,9%. OECD dự báo năm 2021, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm còn 2%; kinh tế Nhật Bản và Khu vực Eurozone lần lượt dự báo tăng ở mức 0,7% và 1,2%, trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm xuống còn khoảng 5,5%.

IMF cho rằng, ưu tiên chính sách hiện tại của các quốc gia là dỡ bỏ rào cản thương mại bằng các thỏa thuận bền vững và kiềm chế căng thẳng địa - chính trị. Tuy nhiên, đây đều là những vấn đề không dễ giải quyết trong “một sớm, một chiều”.

VIỆT TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42654902-kinh-te-the-gioi-doi-mat-nhieu-%E2%80%9Crao-can%E2%80%9D.html