Kinh tế thế giới năm 2019: Dự cảm không bình yên

Căng thẳng địa chính trị đã và đang tiếp tục đẩy nền kinh tế toàn cầu vào những rủi ro không thể lường trước. Trong khi đó, kinh tế thế giới cũng không còn quá mạnh khi những lo ngại về thương mại tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường tài chính và kinh doanh…

Dựa trên ý kiến đánh giá của khoảng 1.000 chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu, Báo cáo Rủi ro toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố trước thềm Hội nghị WEF Davos 2019 cảnh báo, tình trạng căng thẳng trong quan hệ quốc tế và chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thể tiếp tục tác động tới nền kinh tế thế giới trong năm 2019 và cản trở các nỗ lực giải quyết những vấn đề lớn khác như biến đổi khí hậu, đói nghèo...

“Không lạc quan”

Mở đầu năm mới 2019, hàng loạt định chế tài chính lớn và uy tín, từ Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tới Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… đều không hẹn mà gặp ở một điểm chung, đó là “không lạc quan” về triển vọng kinh tế toàn cầu. WB đưa ra con số 2,9% cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019, sau khi đã điều chỉnh giảm tăng trưởng của năm 2018 xuống 3%.

Còn OECD đã tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,5%, so với mức 3,7% đưa ra hồi tháng 9/2018.

IMF đã nhắc đến những căng thẳng thương mại khi hạ cấp dự báo tăng trưởng toàn cầu của năm 2019 vào tháng 10 năm ngoái. Theo đó, dự kiến tăng trưởng của nền kinh tế thế giới sẽ là 3,7%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước của tổ chức này.

Trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt, theo cảnh báo của WB, thương mại quốc tế và các hoạt động sản xuất đang sụt giảm, trong khi căng thẳng thương mại ngày càng leo thang. Một số nền kinh tế mới nổi cũng đang chịu sức ép lớn từ thị trường tài chính. Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2019 của WB cho thấy, xu hướng tăng xuất khẩu hàng hóa đang chững lại, trong khi các hoạt động nhập khẩu có dấu hiệu giảm dần. Tăng trưởng bình quân đầu người của 35% các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi không đủ để thu hẹp khoảng cách thu nhập với các quốc gia phát triển trong năm 2019. Tỉ lệ này đối với các quốc gia dễ bị tổn thương bởi xung đột và bạo lực lên đến 60%

“Cơn sóng thần” mạnh nhất?

Tờ Forbes mới đây cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là vấn đề lớn khởi nguồn từ năm 2018, làm dấy lên nỗi lo sợ về chủ nghĩa chống toàn cầu hóa và việc nền kinh tế thế giới bị phân mảnh thành các thị trường riêng rẽ với mức độ bảo hộ cao. Nhưng thị trường tài chính và các tập đoàn đa quốc gia sẽ mang Mỹ và Trung Quốc trở lại bàn đàm phán trong năm 2019, tương tự trường hợp của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vài tháng trước.

Thay vào đó, vấn đề lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới năm 2019 sẽ là sự sụp đổ hàng loạt của các doanh nghiệp, có thể dẫn đến việc các ngân hàng thương mại phá sản ở các thị trường mới nổi- những nơi phụ thuộc vào dòng vốn ngoại để duy trì mức sống cao. Lý do nằm ở việc tăng lãi suất và sự kết thúc của chính sách tiền tệ quá lỏng của các ngân hàng trung ương những năm gần đây.

Có thể nói, chính sách tiền tệ nới lỏng như một “cơn sóng thần” làm tăng cả cung – cầu của nền kinh tế thế giới lên mức cao hơn. Xét trên khía cạnh nhu cầu, chính sách này khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục vay nợ và được vay một cách dễ dàng, khiến các món nợ “kếch xù” như ở trên trời rơi xuống. Chẳng hạn trường hợp của Trung Quốc, tỷ lệ nợ trên GDP của nước này đã tăng từ 18% năm 2008 lên hơn 50% năm 2018, trong khi tỷ lệ nợ của khu vực doanh nghiệp vẫn là một ẩn số lớn.

Xét về cung của nền kinh tế, chính sách tiền tệ dễ dàng khuyến khích các doanh nghiệp theo đuổi cơ hội kinh doanh mang lại lợi nhuận thấp. Tại nền kinh tế dẫn đầu thế giới, tỷ lệ sử dụng tài nguyên để sản xuất công nghiệp đã tăng từ khoảng 67% năm 2009 lên gần tới 80% vào năm 2018. Trong khi đó, chỉ số Lạc quan của doanh nghiệp nhỏ cũng tăng lên gần 108 vào năm 2018, từ mức gần 80 cách đó 9 năm.

Hiểu một cách đơn giản, chính sách tiền tệ nới lỏng đã đưa nền kinh tế toàn cầu vào một chu kỳ tăng trưởng cao hơn. Vay tiêu dùng tăng, kéo theo chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến đầu tư nhiều hơn và ra đời các doanh nghiệp mới. Những điều này góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn và làm tăng thu nhập, tạo thêm việc làm trong vài năm trở lại đây.

Cùng lúc đó, đầu tư nhiều hơn giúp mở rộng khả năng sản xuất của nền kinh tế cũng như giữ lạm phát ổn định. Việc này cho phép các ngân hàng trung ương tiếp tục chính sách tiền tệ dễ dàng. Và những yếu tố quay vòng trên đã đẩy thị trường tài chính phát triển mạnh mẽ dựa trên chính sách tiền tệ dễ dàng.

Tuy nhiên, mọi thứ không còn như trước, bắt đầu thay đổi trong vài tháng gần đây. Các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất. Cơn sóng của chính sách tiền tệ dễ dàng đang rút dần. Trong bối cảnh phát triển không bền vững tại các nền kinh tế, điều này được dự đoán sẽ đẩy cung – cầu xuống mức thấp hơn. Cụ thế hơn, xét trên khía cạnh nhu cầu, chính sách tiền tệ dễ dàng kết thúc đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi vay nợ. Về cung của nền kinh tế, nó có thể đẩy những doanh nghiệp có lợi nhuận thấp đến bờ vực sụp đổ.

Sự kết thúc của chính sách tiền tệ nới lỏng có thể khiến nền kinh tế thế giới rơi vào một chu kỳ tăng trưởng chậm hơn. Các khoản vay tiêu dùng ít hơn sẽ kiềm chế chi tiêu, do đó có thể dẫn đến làn sóng sụp đổ của các doanh nghiệp. Tiếc rằng, đó chính xác là những gì đã diễn ra vào giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2009.

Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng gần 3 lần sau 10 năm. (Nguồn: SCMP)

Hợp tác trở thành cấp thiết

Năm 2019, ngoài vấn đề chính sách tiền tệ, phong trào chống toàn cầu hóa đang lan rộng, khiến tình hình kinh tế thế giới càng thêm bi quan. Tình hình châu Âu, Mỹ đã xấu đi nhiều bởi chủ nghĩa dân túy như “Brexit” hay chính sách “Nước Mỹ trên hết”… Nhưng trong năm 2019, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở một số nước châu Á có thể khiến các tư tưởng chống toàn cầu hóa trở nên mạnh hơn và rộng hơn.

Năm 2018, nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng chậm hơn dự báo của hầu hết chuyên gia, trong đó các thị trường chứng khoán ghi nhận một năm tồi tệ nhất trong một thập niên qua. Một số ý kiến cho rằng, tình trạng này là do cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới đã tác động đến giao thương toàn cầu.

Theo phân tích của WEF, đây là giai đoạn mà thế giới đang phân hóa sau thời gian toàn cầu hóa. Các mô hình quản trị toàn cầu cho thấy khó khăn trong việc thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc. Triển vọng kinh tế ảm đạm dường như làm giảm tiềm năng hợp tác quốc tế trong năm 2019. Gần 90% chuyên gia dự đoán, việc các luật lệ quy định và thỏa thuận thương mại toàn cầu “tiếp tục bị bào mòn” sẽ cản trở đà tăng trưởng trên thế giới.

Có lẽ vì lý do đó, Diễn đàn Davos 2019 năm nay đã chọn chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”, đặt mục tiêu xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới mà ở đó, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là tiến trình không thể tránh khỏi.

Chủ tịch WEF Borge Brende nhấn mạnh, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới đứng trước rủi ro trong năm 2019, nhu cầu thiết lập hợp tác quốc tế cấp thiết hơn bao giờ hết.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-nam-2019-du-cam-khong-binh-yen-86680.html