Kinh tế thế giới nổi bật (2-8/6): Doanh thu từ ngành phi dầu khí của Nga tăng, EU vẫn cấm ngũ cốc Ukraine, Moscow-Bắc Kinh hợp tác khí đốt

Nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu tăng, Nga khẳng định thâm hụt ngân sách không vượt 2% GDP, EU gia hạn quy định hạn chế nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, xuất khẩu Trung Quốc giảm tốc… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Bộ Tài chính Nga nhiều lần khẳng định, thâm hụt ngân sách của kinh tế Nga trong năm nay sẽ không vượt 2% GDP. (Nguồn: CNN)

Bộ Tài chính Nga nhiều lần khẳng định, thâm hụt ngân sách của kinh tế Nga trong năm nay sẽ không vượt 2% GDP. (Nguồn: CNN)

Kinh tế thế giới

OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023

Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD) ngày 7/6 đã tăng nhẹ dự báo tăng trưởng năm 2023 của kinh tế toàn cầu khi lạm phát giảm và Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế nhằm kiểm soát dịch, nhưng cảnh báo quá trình phục hồi là một chặng đường dài.

OECD dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,7% trong năm nay, thay vì 2,6% theo dự báo hồi tháng Ba, khi nâng dự báo của Mỹ, Trung Quốc và Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone). Tuy nhiên, mức dự báo mới vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 3,3% của năm 2022.

Nhà kinh tế trưởng của OECD Clare Lombardelli nhận định, kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhưng đối mặt với một chặng đường dài để đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh và bền vững.

Dự báo tăng trưởng năm 2024 được giữ nguyên ở mức 2,9%.

Việc giá năng lượng giảm, các “nút cổ chai” của chuỗi cung ứng được tháo gỡ và Trung Quốc mở cửa sớm hơn dự kiến đang góp phần vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm thường biến động, cao hơn dự kiến trước đó. Điều này có thể buộc các ngân hàng trung ương tiếp tục nỗ lực tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

OECD đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2023 lên 1,6%, Trung Quốc lên 5,4% và Eurozone lên 0,9%, đều tăng 0,1 điểm phần trăm. (AFP)

Kinh tế Mỹ

* Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 4/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm, do nhập khẩu hàng hóa tăng trở lại, trong khi xuất khẩu các sản phẩm năng lượng giảm.

Báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 7/6 cho biết, thâm hụt thương mại trong tháng 4/2023 đã tăng 23%, lên 74,6 tỷ USD, mức tăng phần trăm cao nhất kể từ tháng 3/2015 và là mức thâm hụt cao nhất trong vòng 6 tháng. Số liệu của tháng 3/2023 được điều chỉnh với mức thâm hụt thương mại giảm xuống 60,6 tỷ USD, thay vì 64,2 tỷ USD như báo cáo trước đó.

Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ trong tháng 4/2023 tăng 16,5% lên mức 95,8 tỷ USD. (TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc

* Trong tháng 5/2023, lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm tốc nhanh hơn nhiều so với dự kiến, nhập khẩu cũng kéo dài đà giảm khi triển vọng đối với nhu cầu toàn cầu ảm đạm, đặc biệt là từ các nước phát triển. Số liệu này đang làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi kinh tế mong manh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý I/2023, nhờ đà tăng mạnh của lĩnh vực dịch vụ và lượng đơn đặt hàng tồn đọng sau nhiều năm gián đoạn do dịch Covid-19. Song sản lượng của các nhà máy đã giảm tốc do lãi suất tăng và lạm phát ảnh hưởng đến nhu cầu tại Mỹ và châu Âu. (Reuters)

* Báo Arab News của Saudi Arabia ngày 5/6 cho biết, nước này và Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác để đảm bảo các nguồn cung cấp năng lượng an toàn cho thị trường mỗi nước bằng cách lên kế hoạch thành lập các liên doanh hóa dầu giữa hai bên.

Bộ trưởng Bộ Năng Saudi Arabia Abdulaziz Al-Saud đã có cuộc gặp tại Riyadh với Chủ tịch Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc Zhang Jianhua để thảo luận về kế hoạch thiết lập các công ty liên doanh hóa dầu, với mục tiêu chuyển dầu thô thành hóa dầu và phát triển các ứng dụng của hydrocarbon, năng lượng hạt nhân và nhiên liệu. Hai nước đang nỗ lực tăng cường hợp tác trong các chuỗi cung ứng của ngành năng lượng. (TTXVN)

Kinh tế châu Âu

* Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5/6 cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn các quy định hạn chế nhập khẩu đối với các mặt hàng ngũ cốc của Ukraine đến ngày 15/9 theo yêu cầu của năm quốc gia thành viên, những nước tìm cách bảo vệ ngành nông nghiệp của mình.

EC tuyên bố, EU sẽ loại bỏ dần các biện pháp ngăn ngừa đặc biệt và tạm thời đối với lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine ở Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia. Động thái của EU cho phép năm quốc gia này cấm bán các sản phẩm trên của Ukraine ở trong nước, nhưng vẫn cho phép quá cảnh qua các quốc gia này để xuất khẩu đi nơi khác, kể cả sang các nước EU khác. (THX)

* Trong phiên họp toàn thể ngày 7/6, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua thỏa thuận liên chính phủ với Trung Quốc về hợp tác cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga sang Trung Quốc qua tuyến đường ống Viễn Đông.

Thỏa thuận trên đã được ký kết tại Moscow và Bắc Kinh vào ngày 31/1/2023. Thỏa thuận tạo ra cơ chế hiệu quả để thực hiện các điều khoản trong hợp đồng mua bán khí đốt tự nhiên với khối lượng 10 tỷ mét khối qua tuyến đường ống Viễn Đông giữa PJSC Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc "trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và hợp tác lâu dài". (TTXVN)

* Ngày 6/6, Bộ Tài chính Nga cho biết, nước này đã đạt thặng dư ngân sách cận biên trong tháng Năm, đưa thâm hụt ngân sách trong 5 tháng đầu năm xuống còn 3.410 tỷ Ruble (41,9 tỷ USD). Trong 5 tháng đầu năm nay, mức bội chi của Nga đã bằng 117% kế hoạch năm.

Bộ Tài chính Nga đã ngừng công bố dữ liệu chi tiêu ngân sách hằng tháng vào năm ngoái, nhưng dựa trên các số liệu công bố ngày 6/6, thặng dư ngân sách trong tháng Năm được xác định là 13 tỷ Ruble (16 triệu USD). Bộ này cho biết, chi tiêu trong tháng Năm đạt mức thấp nhất trong năm nay, thấp hơn 1.100 tỷ Ruble (140 triệu USD) so với tháng trước đó.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chi ngân sách 29.100 tỷ Ruble (36 tỷ USD) của năm nay, Nga cần phải tiếp tục cắt giảm mạnh hơn nữa.

5 tháng đầu năm nay, doanh thu từ các ngành phi dầu khí của Nga đã tăng hơn 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng doanh thu từ dầu và khí đốt quan trọng lại thấp hơn 49,6%, dẫn đến thu ngân sách giảm 18,5% và chi tiêu chính phủ tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhiều lần khẳng định thâm hụt ngân sách trong năm nay sẽ không vượt 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). (Reuters)

* Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, xuất khẩu của Đức trong tháng 4/2023 tăng 1,2% so với tháng trước đó, trong khi một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Anh) đã dự đoán mức giảm là 2,5%.

Theo Destatis, xuất khẩu hàng hóa của Đức sang Trung Quốc tăng 10,1%, trong khi xuất khẩu sang Mỹ tăng 4,7% và xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 4,5%. (Reuters)

* Theo công ty cho vay Halifax, giá nhà ở tại Vương quốc Anh lần đầu tiên ghi nhận mức giảm theo năm trong hơn một thập niên vào tháng 5/2023 do lãi suất thế chấp cao hơn đã tác động đến những người mua tiềm năng. Giá bất động sản đã giảm 1% vào tháng trước so với tháng 5/2022, mức giảm hằng năm đầu tiên kể từ tháng 12/2012.

Đầu tháng này, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tiết lộ rằng, lãi suất trung bình cho các khoản thế chấp mới đã tăng lên 4,5% trong tháng 4/2023, mức cao nhất kể từ năm 2008. Thị trường kỳ vọng BoE sẽ tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo vào ngày 22/6 từ 4,5% lên 4,75% và có thể tăng lên mức trên 5% vào cuối năm nay. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Bộ Nội vụ, Thông tin và Truyền thông Nhật Bản ngày 6/6 đã công bố khảo sát cho thấy, chi tiêu của các hộ gia đình có từ hai nhân khẩu trở lên tại Nhật Bản trong tháng 4/2023 chỉ ở mức 203.076 Yen (khoảng 1.455 USD), giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước và là tháng giảm thứ hai liên tiếp.

Chi tiêu tiêu dùng nói chung trong tháng 4/2023 đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2021 (giảm 6,5%). Trong danh mục 10 mặt hàng tiêu dùng chủ yếu, có sáu mặt hàng ghi nhận mức sụt giảm. (TTXVN)

* Đồng Yen của Nhật Bản giao dịch vượt mức 140 Yen/USD trong phiên 5/6, sau khi lần đầu tiên phá ngưỡng này vào cuối tháng trước, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022.

Năm ngoái, Bộ Tài chính Nhật Bản đã bơm gần 68 tỷ USD để kéo giá đồng Yen lên vào các ngày 22/9, 21/10 và 24/10, khi đồng tiền này giảm xuống mức 150 Yen/USD, mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Đồng tiền Nhật Bản lại xuống giá đã khiến một số nhà quan sát thị trường dự báo Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ can thiệp mạnh, khi ngân hàng này duy trì chính sách siêu nới lỏng, trong một thế giới lãi suất và lạm phát cao. (CNBC)

Chi tiêu tiêu dùng nói chung trong tháng 4/2023 tại Nhật Bản ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2021 (giảm 6,5%). (Nguồn: Kyodo)

Chi tiêu tiêu dùng nói chung trong tháng 4/2023 tại Nhật Bản ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2021 (giảm 6,5%). (Nguồn: Kyodo)

* Theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc (KS) công bố ngày 5/6, chỉ số giá tiêu dùng của mặt hàng mỳ ăn liền ở “xứ Kim chi” trong tháng 5/2023 vừa qua đạt 124,04 điểm, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ sau mức tăng 14,3% của năm 2009 (giai đoạn xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu).

Cụ thể, giá mỳ ăn liền ở Hàn Quốc từng tăng 3,5% vào tháng 9/2022 sau đó một tháng tăng lên 11,7% và tới tháng 5/2023 đã ghi nhận đà tăng 8 tháng liên tiếp ở mức trên 10%. Một trong những nguyên nhân được giới phân tích đưa ra là bởi các doanh nghiệp sản xuất mỳ ăn liền của Hàn Quốc đã đồng loạt tăng giá sản phẩm do gánh nặng giá nguyên liệu đầu vào. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản đã nhất trí về một loạt biện pháp hợp tác kinh tế đánh dấu kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ đối tác đối thoại song phương.

Trong khuôn khổ một diễn đàn được tổ chức ở Tokyo vào ngày 5/6, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và các cơ quan khác đã ký kết một biên bản ghi nhớ (MoU) để hỗ trợ khởi động các dự án khởi nghiệp mới.

Một thỏa thuận khác kêu gọi các tổ chức bảo hiểm thương mại trực thuộc chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng MUFG cung cấp các khoản đầu tư và khoản vay cho các nỗ lực khử carbon của các nước thành viên ASEAN. (TTXVN)

* Ngày 5/6, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết, Hiệp hội này đang nỗ lực hướng tới mở rộng số lượng thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Điều này có nghĩa là RCEP, vốn chiếm 32% GDP của thế giới, có thể phát triển mạnh hơn nữa. Ngoài ra, ASEAN cũng có kế hoạch thành lập một đơn vị hỗ trợ cho thỏa thuận thương mại này. (TTXVN)

* Sembcorp Gas Pte Ltd, công ty con của công ty năng lượng Sembcorp Industries có trụ sở tại Singapore, đã ký thỏa thuận nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Medco E&P Natuna Ltd, một đơn vị của công ty dầu khí Indonesia PT Medco Energi Internasional Tbk.

Sembcorp cho biết, thỏa thuận nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ các mỏ khí đốt Tây Natuna ở Indonesia ước tính trị giá 1,41 tỷ USD (1,9 tỷ SGD). Công ty hy vọng thỏa thuận (kéo dài 4 năm) sẽ có hiệu lực vào nửa cuối năm 2023, nếu đạt các thỏa thuận cần thiết về vấn đề vận chuyển.

Thỏa thuận bổ sung nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hiện có từ các nguồn đường ống và hóa lỏng, cho phép Sembcorp “duy trì vị thế là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu của Singapore”. (TTXVN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-2-86-doanh-thu-tu-nganh-phi-dau-khi-cua-nga-tang-eu-van-cam-ngu-coc-ukraine-moscow-bac-kinh-hop-tac-khi-dot-230152.html