Kinh tế thế giới nổi bật (24-30/3): Nga tăng bán dầu cho Ấn Độ, 'vết sẹo từ đại dịch' chưa lành, nợ công của Đức tăng vọt, Czech muốn vay tiền từ EC

IMF cảnh báo rủi ro đối với sự ổn định tài chính toàn cầu, Nga ký thỏa thuận tăng lượng dầu bán cho Ấn Độ, Mỹ tiếp tục đối mặt nguy cơ suy thoái, nợ công của Đức tăng mạnh… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

Mỹ đã làm những gì có thể để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng, nhưng phản ứng của Nhà Trắng với vấn đề này “vẫn chưa kết thúc”. (Nguồn: Getty)

Mỹ đã làm những gì có thể để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng, nhưng phản ứng của Nhà Trắng với vấn đề này “vẫn chưa kết thúc”. (Nguồn: Getty)

Rủi ro đối với sự ổn định tài chính tăng

Ngày 26/3, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva bày tỏ lo ngại sự ổn định tài chính toàn cầu hiện đang phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn, khi quá trình chuyển đổi từ lãi suất thấp sang lãi suất cao gây căng thẳng cho các hệ thống kinh tế.

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) 2023 ở Bắc Kinh, bà Georgieva nêu rõ: "Rõ ràng là rủi ro đối với sự ổn định tài chính đã tăng lên. Vào thời điểm mức nợ cao hơn, quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ lãi suất thấp kéo dài sang lãi suất cực cao, vốn là biện pháp cần thiết để đối phó lạm phát, chắc chắn tạo ra căng thẳng và tình trạng dễ bị tổn thương, bằng chứng là những diễn biến gần đây trong lĩnh vực ngân hàng ở một số nền kinh tế phát triển".

Bà cảnh báo năm 2023 có thể sẽ là một năm đầy thách thức nữa, với tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống dưới 3% do "vết sẹo từ đại dịch", xung đột Ukraine và quyết định thắt chặt tiền tệ.

Người đứng đầu IMF nhấn mạnh: "Mức độ bất ổn vô cùng cao, bao gồm cả rủi ro về sự phân mảnh địa kinh tế, điều này đồng nghĩa với việc thế giới bị chia cắt thành các khối kinh tế cạnh tranh - một 'sự phân chia nguy hiểm' sẽ khiến mọi người trở nên nghèo hơn và kém an toàn hơn".

Theo bà, triển vọng kinh tế toàn cầu trong trung hạn vẫn sẽ thấp. (Sputnik News)

Kinh tế Mỹ

* Trong cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia (NABE), phần lớn các chuyên gia kinh tế dự đoán Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay và đối mặt với lạm phát cao hơn vào năm 2024.

Hơn 2/3 số chuyên gia tham gia khảo sát này của NABE cũng cho rằng lạm phát sẽ vẫn ở trên mức 4% vào cuối năm nay. Lạm phát đã chậm lại, ở mức 6%, trong tháng Hai, nhưng vẫn còn xa mức mục tiêu 2% mà Fed đặt ra. (AFP)

* Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/3 cho biết, chính quyền của ông đã làm những gì có thể để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng, nhưng phản ứng của Nhà Trắng với vấn đề này “vẫn chưa kết thúc”.

Khi được hỏi liệu chính quyền của ông đã sử dụng hết các biện pháp đơn phương chưa, Tổng thống Mỹ trả lời rằng, những ứng phó của Nhà Trắng với tình hình hiện tại vẫn chưa dừng lại ở đây, mà chính quyền Mỹ vẫn sẽ theo dõi sát sao các diễn biến tiếp theo. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Ngày 27/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết nước này sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhất định khi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng chất lượng cao hơn.

Khẳng định sẽ nỗ lực củng cố niềm tin và ổn định những dự báo khi đối mặt với các thách thức, ông Lý Cường cho biết, Trung Quốc sẽ mở cửa nền kinh tế rộng rãi hơn với thế giới bên ngoài, bất kể những thay đổi trong tình hình quốc tế. Theo ông, Trung Quốc sẽ kết nối với các quy định tài chính quốc tế tiêu chuẩn cao và cố gắng tạo ra một môi trường kinh doanh định hướng thị trường, hợp pháp hóa và quốc tế hóa. (Reuters)

* Tạp chí La Tribune cho biết, lĩnh vực vận tải hàng không của Trung Quốc đang hồi phục mạnh mẽ, theo đúng xu hướng toàn cầu được bắt đầu từ năm 2022, khiến nhu cầu về dầu hỏa của nước này tăng vọt 68,7% trong năm 2023. Đây cũng là một phần nguyên nhân làm cho nhu cầu dầu mỏ của thế giới tăng lên mức chưa từng có.

Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu được đánh giá sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay, với ước tính ở mức 102 triệu thùng/ngày, trong đó dầu hỏa là yếu tố đóng góp chính cho sự gia tăng này. (TTXVN)

Kinh tế châu Âu

* Ngày 29/3, tập đoàn Rosneft cho biết, nhà sản xuất dầu lớn nhất này của Nga và nhà máy lọc dầu hàng đầu của Ấn Độ Indian Oil Corp đã ký một thỏa thuận có thời hạn nhằm tăng đáng kể nguồn cung dầu và đa dạng hóa các loại dầu giao cho Ấn Độ. Thỏa thuận này được ký kết nhân chuyến công tác tới Ấn Độ của Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin.

Nhờ nhập khẩu dầu mỏ gia tăng, Nga đã trở thành một trong 5 đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ. (TTXVN)

* Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan cho biết, các ngân hàng châu Âu đối mặt với ít mối đe dọa từ một số vấn đề hiện đang xuất hiện trên thị trường bất động sản thương mại hơn so với các đối tác Mỹ.

Chuyên gia JPMorgan tin rằng, bất kỳ sự lây lan nào từ các ngân hàng hay bất động sản thương mại Mỹ (CRE) sang các “đồng nghiệp” châu Âu là không hợp lý, do lực đẩy của các ngành khác nhau. (Ibtimes)

* Ủy ban châu Âu (EC) đã hoãn việc giải ngân khoản viện trợ khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 trị giá 19 tỷ Euro (20,5 tỷ USD) cho Italy trong bối cảnh có nhiều hoài nghi về việc nước này có đạt được các mục tiêu cần thiết để tiếp tục được nhận nguồn quỹ Thế hệ tiếp theo (NGEU) này hay không. (TTXVN)

* Số liệu sơ bộ của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, tại thời điểm cuối năm 2022, nợ công của Đức tăng mạnh, đạt mức kỷ lục mới 2.367,3 tỷ Euro. Nếu so với thời điểm một năm trước đó, con số này cao hơn 2,0%, tương đương 46,1 tỷ Euro; còn so với cuối quý III/2022, nợ công tăng 1,8%, tương đương 41,9 tỷ Euro. Cũng theo Destatis, nợ công bình quân đầu người ở Đức là 28.155 Euro.

Các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong 3 năm qua đã để lại những hậu quả lớn đối với ngân sách công của Đức. Để đối phó với các cuộc khủng hoảng này, chính phủ Đức đã phải tăng cường vay nợ, khiến tổng các khoản nợ tăng tới 60% (lên hơn 2.100 tỷ Euro) trong gian đoạn 2020-2022. (TTXVN)

* Chính phủ Czech ngày 29/3 khẳng định sẽ bắt đầu quan tâm đến khoản vay từ Quỹ phục hồi của Ủy ban châu Âu (EC) với số tiền tối thiểu là 2,9 tỷ Euro (3,14 tỷ USD).

Thủ tướng Czech Petr Fiala cho biết, khoản vay từ Quỹ phục hồi của EC dành cho Cộng hòa Czech có thể lên tới 11 tỷ Euro (11,9 tỷ USD). Ông cũng nhấn mạnh Prague có thể sẽ xem xét điều chỉnh Kế hoạch phục hồi quốc gia để sử dụng tốt hơn số tiền được vay, đồng thời bày tỏ tin tưởng đề xuất sẽ được EU chấp thuận. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Viện nghiên cứu Recruit Works Institute dự báo, Nhật Bản có thể thiếu hơn 10 triệu lao động vào năm 2040, thời điểm những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số ở nước này sau Thế chiến II bước sang tuổi 65 hoặc hơn.

Theo Recruit Works Institute, ngoại trừ thủ đô Tokyo, tất cả các địa phương khác ở nước này đều rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Đáng chú ý, có tới 18 trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản có tỷ lệ thiếu hụt lao động ở mức trên 20%.

Thậm chí, tỷ lệ thiếu hụt lao động ở các tỉnh như Kyoto, Niigata và Nagano còn ở trên 30%. Ở chiều ngược lại, tình trạng thiếu hụt lao động ở các tỉnh Shimane, Kagawa và Toyama được dự báo là khá thấp bởi vì, nhu cầu lao động ở các khu vực này sẽ giảm. (TTXVN)

* Trong phiên họp nội các ngày 28/3, chính phủ Nhật Bản đã duyệt chi 2.222,6 tỷ Yen (khoảng 17 tỷ USD) từ quỹ dự phòng trong ngân sách của tài khóa 2022 để thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của lạm phát tới các hộ gia đình ở nước này. (TTXVN)

* Theo kết quả điều tra về xu hướng tiêu dùng tháng 3 của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố ngày 29/3, tỷ lệ lạm phát kỳ vọng của nước này trong tháng này đạt 3,9%, giảm 0,1% so với tháng 2/2023.

Theo lý giải của BoK, mặc dù giá tiêu dùng thực phẩm chế biến và dịch vụ (như nhà hàng) vẫn ở mức cao song việc giá dầu giảm gần đây đã khiến giá tiêu dùng mặt bằng chung ở Hàn Quốc dần dần giảm. Tuy nhiên, chỉ số này đã 10 tháng liên tiếp đạt dưới 100 điểm (kể từ tháng 6/2022), cho thấy tâm lý tiêu dùng bi quan hơn so với mức bình quân dài hạn (từ năm 2003-2022). (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Tại Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản lần thứ 38 diễn ra ở Tokyo vào ngày 28/3, hai bên đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác và tăng cường hợp tác nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ đối thoại trong năm nay.

Cuộc họp nêu bật những tiến bộ thực chất đạt được trong hợp tác ASEAN-Nhật Bản trên tất cả các trụ cột trong năm vừa qua, đặc biệt là trong việc triển khai Kế hoạch thực hiện sửa đổi của Tuyên bố Tầm nhìn năm 2013 về Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản. Đáng chú ý, tất cả các dòng hành động trong Kế hoạch đã được triển khai thông qua nhiều chương trình và dự án hợp tác.

Nhân dịp này, Nhật Bản đã chính thức đề nghị thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với ASEAN; bày rỏ hy vọng rằng CSP sẽ được công bố trong năm nay để đánh dấu cột mốc đặc biệt trong mối quan hệ lâu dài, đồng thời thể hiện cam kết của cả hai bên nhằm đưa quan hệ đối tác ngày càng đi vào thực chất, có ý nghĩa và cùng có lợi trong những thập kỷ tới. (TTXVN)

* Tại Hội thảo cấp cao ASEAN về Hệ thống thanh toán trong kỷ nguyên số ở Bali ngày 28/3, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) Perry Warjiyo, trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay, đã nhấn mạnh rằng các nước ASEAN cần thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực để phục hồi kinh tế toàn diện và giảm thiểu rủi ro.

Indonesia sẽ thúc đẩy các nước ASEAN tham gia vào các thỏa thuận kết nối thanh toán xuyên biên giới, nhằm góp phần hỗ trợ toàn diện về tài chính và kinh tế cho ASEAN.

Thống đốc Perry cho biết thêm hiện tại 5 nước thành viên ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines đã triển khai thỏa thuận kết nối các hình thức thanh toán xuyên biên giới như Mã QR, thanh toán nhanh, dữ liệu tổng thanh toán theo thời gian thực (RTGS) và giao dịch bằng đồng nội tệ (LCT).

Theo đó, Indonesia sẽ thúc đẩy số hóa và hệ thống hóa hình thức thanh toán xuyên biên giới đến tất cả các nước thành viên ASEAN, tiến tới kết nối toàn cầu. (TTXVN)

* Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ ủng hộ hoàn toàn các hoạt động mừng Tết Songkran năm nay sau một thời gian dài hạn chế vì đại dịch Covid-19.

Người phát ngôn chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo các cơ quan nhà nước chuẩn bị sẵn sàng cho các sự kiện lớn diễn ra trong dịp Tết Songkran từ ngày 13-15/4.

Ông Anuchan dự báo dịp Tết truyền thống của Thái Lan năm nay sẽ sống động hơn nhờ lượng khách du lịch đang trở lại nhiều điểm du lịch trên toàn quốc. Dự kiến khoảng 17 đến 20 triệu lượt người Thái Lan sẽ về quê hoặc đi du lịch đây đó trong nước trong tháng Tư, con số tăng mạnh so với các dịp Tết Songkran trong thời kỳ Covid-19.

(tổng hợp)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-24-303-nga-tang-ban-dau-cho-an-do-vet-seo-tu-dai-dich-chua-lanh-no-cong-cua-duc-tang-vot-czech-muon-vay-tien-tu-ec-221633.html