Kinh tế thế giới nổi bật (30/12-5/1): Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng mua khí đốt của Mỹ, xuất khẩu Ukraine giảm 35%, Trung Quốc và Đức đón tin vui

Mỹ tiếp tục đối mặt khó khăn trong năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ muốn là trung gian giải quyết khủng hoảng năng lượng, lạm phát tại Đức hạ nhiệt, du lịch Trung Quốc dần phục hồi… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

Doanh số bán ô tô cả năm 2022 của Mỹ ước đạt khoảng 13,9 triệu chiếc, giảm 8% so với năm 2021 và giảm 20% so với mức đỉnh năm 2016. (Nguồn: Bloomberg)

Doanh số bán ô tô cả năm 2022 của Mỹ ước đạt khoảng 13,9 triệu chiếc, giảm 8% so với năm 2021 và giảm 20% so với mức đỉnh năm 2016. (Nguồn: Bloomberg)

Thị trường ô tô toàn cầu năm 2023: Mức độ rủi ro dự báo ở mức cao

Doanh số bán ô tô mới của các nhà sản xuất lớn ở Mỹ ước giảm trong năm 2022 do thiếu hàng tồn kho. Điều này gây sức ép lên các thương hiệu châu Á hơn là các gã khổng lồ như General Motors Co và Ford Motor Co.

Theo nhà tư vấn Cox Automotive, doanh số bán ô tô cả năm 2022 của Mỹ ước đạt khoảng 13,9 triệu chiếc, giảm 8% so với năm 2021 và giảm 20% so với mức đỉnh năm 2016.

Tình trạng thiếu hụt nguồn hàng do chi phí nguyên liệu gia tăng và thiếu hụt chip dai dẳng kéo dài đến năm 2022 khiến hoạt động sản xuất của nhiều nhà sản xuất ô tô bị đình trệ. Nguồn cung khan hiếm khiến giá ô tô và xe tải tăng cao, ngay cả khi lượng ô tô trong kho được cải thiện vào nửa cuối năm 2022.

Toyota Motor Corp là một trong số những nhà sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu phụ tùng, khiến thương hiệu xe Nhật Bản này phải cắt giảm mục tiêu sản xuất cả năm trong tháng 11/2022.

Việc cắt giảm mục tiêu trên khiến Toyota phải nhường vị trí nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất Mỹ trong năm 2022 cho GM, sau khi hãng này để mất danh hiệu vào cuối năm 2021 và là lần đầu tiên kể từ năm 1931.

Theo Cox Automotive, doanh số bán ô tô tại Mỹ năm 2022 của GM sẽ tăng 2,3%, trong khi của Toyota dự kiến giảm 9%.

Một số nhà quan sát trong ngành lo ngại rằng, việc các nhà sản xuất ô tô tăng giá để giảm sức ép lạm phát và lãi suất tăng sẽ gây ảnh hưởng cho doanh số bán xe mới trong năm 2023. Độ rủi ro và và tình trạng bất ổn trong năm nay dự báo sẽ ở mức cao vì một số thị trường có thể phải đối mặt với suy thoái kinh tế.

Các nhà sản xuất ô tô sẽ cần bắt đầu triển khai các chương trình ưu đãi cho người mua hàng, vốn bị tạm dừng trong thời gian ngắn do đại dịch khi các nhà sản xuất và đại lý phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Ngày 3/1, Viện Gallup công bố kết quả một cuộc thăm dò cho thấy, 79% số người được hỏi tin rằng năm 2023 sẽ là một năm khó khăn về kinh tế đối với nước Mỹ, trong khi chỉ có 21% tin rằng kinh tế sẽ thịnh vượng.

Ngoài ra, hơn 80% dự đoán thuế sẽ cao hơn và 65% tin rằng giá cả sẽ tăng nhanh trong năm 2023. Chỉ hơn 50% dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, trong khi 46% cho rằng năm 2023 nước Mỹ sẽ có đầy đủ việc làm hoặc số việc làm sẽ tăng. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Theo giới quan sát, Trung Quốc dự kiến sẽ tập trung vào nỗ lực phục hồi kinh tế trong năm 2023 sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19.

Ông Ke Long, một thành viên cao cấp tại Quỹ Nghiên cứu chính sách Tokyo, phát biểu trong một cuộc họp báo gần đây rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi "phần nào" vào năm 2023 so với năm trước.

Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự báo khả năng phục hồi nhanh và mạnh hơn của kinh tế nước này vào cuối năm 2023. Cụ thể, sau giai đoạn khởi đầu chậm chạp có thể diễn ra trong quý I, giai đoạn cuối năm sẽ là động lực giúp tăng trưởng cả năm 2023 dự kiến đạt 4,8%. (Kyodo)

* Kỳ nghỉ Năm mới kéo dài ba ngày đã chứng kiến sự phục hồi mạnh của du lịch, dịch vụ ăn uống và doanh số bán lẻ trên khắp Trung Quốc.

Trong ngày cuối cùng của năm 2022, hơn 59.000 lượt người đã tới công viên Shougang ở quận Shijingshan của thủ đô Bắc Kinh, tăng gấp 3,6 lần so với ngày thường. Bắc Kinh đã mở cửa toàn bộ 5 sân băng và khu trượt tuyết trong kỳ nghỉ này.

Theo Bộ Văn hóa và du lịch Trung Quốc, có gần 52,7 triệu chuyến du lịch trong nước trong ba ngày nghỉ, tăng 0,44% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ du lịch trong kỳ nghỉ đạt trên 26,5 tỷ Nhân dân tệ, tăng 4% so với cùng kỳ 2021. (THX)

Kinh tế châu Âu

* Phát biểu trong chương trình "Face the Nation" trên kênh CBS News, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo, châu Âu sẽ phải đối mặt với một mùa Đông gian khó và tình trạng này thậm chí nghiêm trọng hơn vào mùa Đông 2023 khi Liên minh châu Âu (EU) tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Người đứng đầu IMF cho rằng, đối với hầu hết các nền kinh tế thế giới, 2023 sẽ là một năm khó khăn hơn cả những năm đã qua, bởi 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, EU và Trung Quốc đều tăng trưởng chậm. Mỹ có kiên cường hơn và nước này có thể tránh được nguy cơ suy thoái vào năm 2023. (TTXVN)

* Ngày 3/1, Cơ quan năng lượng quốc gia ARERA của Italy tuyên bố, mỗi hộ gia đình tại nước này trung bình phải chi 1.866 Euro (1.968,63 USD) cho nguồn cung cấp khí đốt trong năm 2022, tăng 64,8% so với năm trước.

ARERA cũng cho biết, giá khí đốt trong tháng 12/2022 tăng 23,3% so với tháng trước.

Ngân sách năm 2023 của Italy dành hơn 21 tỷ Euro để giúp các công ty và hộ gia đình thanh toán hóa đơn điện và khí đốt, chủ yếu thông qua trợ cấp cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng và các gia đình có thu nhập thấp. (TTXVN)

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định có thể trở thành trung gian trong các nỗ lực giải quyết các cuộc khủng hoảng năng lượng. (Ảnh minh họa - Nguồn: AFP)

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định có thể trở thành trung gian trong các nỗ lực giải quyết các cuộc khủng hoảng năng lượng. (Ảnh minh họa - Nguồn: AFP)

* Bộ trưởng Năng lượng và tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho biết, Ankara có thể trở thành trung gian trong các nỗ lực giải quyết các cuộc khủng hoảng năng lượng.

Trả lời phỏng vấn TVnet, ông Donmez nói: "Cùng với cuộc khủng hoảng lương thực, đã xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng. Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công trong việc làm trung gian giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và trong trường hợp cần thiết, Ankara sẵn sàng trở thành trung gian trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng".

Ông Donmez khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ không có vấn đề gì với các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính cho nước này, Ankara mua khí đốt hóa lỏng, kể cả từ Mỹ. (TTXVN)

* Báo cáo sơ bộ của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố ngày 3/1 cho thấy, lạm phát tại nước này đã giảm xuống 8,6% trong tháng 12/2022 và tỷ lệ lạm phát chung của năm là 7,9%.

Mặc dù vẫn ở mức cao, nhưng lạm phát trong tháng 12/2022 đánh dấu sự cải thiện đáng kể so với mức 10% trong tháng 11/2022 và 10,4% trong tháng 10/2022, mức cao kỷ lục trong vòng 70 năm.

Trước đó, phát biểu với tờ Rheinischer Post, chuyên gia Monika Schnitzer, thành viên của Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức, cơ quan tư vấn cho chính phủ về các vấn đề kinh tế, cho biết, có thể phải đến năm 2024, lạm phát mới trở lại mức mục tiêu 2%. (TTXVN)

* Bộ Tài chính Ukraine ngày 4/1 cho hay, thâm hụt ngân sách của nước này ước tính lên tới 911,1 tỷ Hryvnia (khoảng 24,9 tỷ USD) vào năm 2022.

Cũng theo bộ trên, năm 2022, nguồn thu ngân sách của Ukraine đạt 40,77 tỷ USD, chủ yếu đến từ viện trợ quốc tế và thuế giá trị gia tăng.

Cụ thể, viện trợ quốc tế đạt 13,14 tỷ USD, các khoản vay từ các đối tác nước ngoài đạt 15,4 tỷ USD. Năm 2021, thâm hụt ngân sách của Ukraine vào khoảng 4,6 tỷ USD.

Cùng ngày, Đại diện thương mại kiêm Thứ trưởng Bộ Kinh tế Ukraine Taras Kachka viết trên Facebook cho hay, nước này đã vận chuyển 99,8 triệu tấn hàng hóa ra nước ngoài vào năm 2022. Như vậy, xuất khẩu hàng hóa của Ukraine trong năm 2022 đã giảm 35%, chỉ đạt 44,1 tỷ USD. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 4/1 cam kết sẽ hỗ trợ nền kinh tế đang đình trệ khi nói rằng tăng trưởng tiền lương sẽ trở thành “động lực” cho sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh giá cả trong nước ngày càng tăng sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo ông Kishida, chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp mời các trường đại học nước ngoài đến Nhật Bản nhằm thúc đẩy đầu tư từ nước ngoài vào quốc gia châu Á này.

Thủ tướng Kishida nói, trong 30 năm qua, tiền lương không tăng, mặc dù lợi nhuận của công ty tăng lên, đồng thời cho biết thêm, lạm phát, do giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng vọt đã gây tổn hại cho nền kinh tế Nhật Bản. (Kyodo)

* Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 3/1 công bố số liệu cho thấy, mua sắm trực tuyến của nước này đã chạm mức cao kỷ lục mới trong tháng 11/2022 nhờ nhu cầu tăng mạnh về dịch vụ đi lại và vận chuyển.

Doanh thu từ mua sắm trực tuyến đứng ở mức 18.120 tỷ Won (14,3 tỷ USD) trong tháng 11/2022, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước đó và ghi nhận tháng cao nhất kể từ khi tổng hợp số liệu năm 2001. Nhu cầu về các dịch vụ đi lại và vận chuyển trực tuyến đã tăng 56,5% lên 1.590 tỷ Won (1,3 tỷ USD) trong tháng 11/2022. (THX)

* Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết sẽ tìm cách mở rộng ưu đãi thuế đối với các ngành công nghiệp chiến lược như sản xuất chip trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường toàn cầu.

Theo đề xuất sửa đổi luật thuế, chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng tỷ lệ tín dụng thuế 15% đối với đầu tư cơ sở vật chất trong ngành công nghiệp sản xuất chip cho các tập đoàn, cao hơn mức sửa đổi 8% được thông qua gần đây, Bộ cho biết.

Kế hoạch này dự kiến sẽ giúp ngành công nghiệp sản xuất chip tại địa phương tiết kiệm được 3,65 nghìn tỷ Won (2,85 tỷ USD) tiền thuế. Động thái này được đưa ra 4 ngày sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol chỉ thị cho các quan chức xem xét giảm thuế bổ sung cho ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghiệp chiến lược khác. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Indonesia (KADIN) Arsjad Rasjid bày tỏ tin tưởng rằng, Indonesia có tiềm năng to lớn để dẫn đầu cuộc cách mạng đưa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành trục kinh tế toàn cầu.

Indonesia chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023. Ông Rasjid được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (BAC), diễn đàn quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN.

Ông Rasjid khẳng định, từ vị thế một “kẻ yếu” trong cuộc cạnh tranh kinh tế liên khu vực, cuối cùng ASEAN đã thể hiện sức mạnh của mình như một cường quốc kinh tế trong vài thập niên qua. Từ một trong những khu vực nghèo nhất trên toàn cầu, ASEAN đã trở thành một trong những thị trường đang phát triển hấp dẫn nhất.

Theo ông, năm 1970, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN chỉ ở mức 29 tỷ USD và con số này đã tăng trưởng tích cực để đạt 3.600 tỷ USD vào năm 2021. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ASEAN cũng đang vượt xa các khu vực đang phát triển khác như Đông Âu, châu Phi, Mỹ

Để có thể đưa ASEAN trở thành trục kinh tế toàn cầu, bản thân khối phải có khả năng tăng năng suất và kết nối giữa các quốc gia trong khu vực. (TTXVN)

* Nội các Thái Lan ngày 3/1 thông qua kế hoạch chi tiết phát triển du lịch trong 5 năm tới với nhiều mục tiêu tham vọng, trong đó có việc thúc đẩy "đất nước nụ cười" trở thành một trong những điểm đến chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới.

Kế hoạch phát triển du lịch quốc gia Thái Lan giai đoạn 2023-2027 đề ra 4 chiến lược, liên quan tới các chủ đề chính gồm: Xây dựng khả năng phục hồi; phát triển các nguyên tắc cơ bản của ngành; cải thiện trải nghiệm và thúc đẩy du lịch bền vững. (TTXVN)

* Trả lời phỏng vấn hãng THX, Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Anthony Loke Siew Fook cho biết, nước này đặt mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư từ các công ty Trung Quốc để phát triển lĩnh vực xe điện (EV). Những khoản đầu tư này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cấp nền tảng hạ tầng, cho phép quốc gia Đông Nam Á này sử dụng EV rộng rãi hơn.

Ông Anthony Loke Siew Fook khẳng định: "Các chính sách của chúng tôi đang khuyến khích nhiều ngành công nghiệp liên quan đến EV chuyển đến Malaysia, đặc biệt là hoạt động sản xuất pin. Có nhiều ưu đãi để khuyến khích các công ty chuyển đến Malaysia và tôi hiểu rằng có rất nhiều công ty Trung Quốc đang thực sự quan tâm tới việc đặt nhà máy của họ ở Malaysia”. (THX)

* Thị trường nhà ở của Australia đã kết thúc năm 2022 với diễn biến ảm đạm, khi chỉ số giá trị nhà quốc gia cho thấy mức giảm 1,1% trong tháng 12/2022, đưa mức giảm hằng năm lên 5,3%.

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 2/1, nhà cung cấp thông tin bất động sản đa quốc gia CoreLogic tiết lộ rằng, mức giảm 5,3% đánh dấu mức giảm theo năm lớn nhất kể từ năm 2008, khi giá trị nhà ở trung bình tại nước này giảm 6,4%, giữa bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu và lãi suất liên tiếp tăng. (THX)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-3012-51-tho-nhi-ky-san-sang-mua-khi-dot-cua-my-xuat-khau-ukraine-giam-35-trung-quoc-va-duc-don-tin-vui-212294.html