Kinh tế thế giới nổi bật (9-15/9): Nóng rẫy 'cuộc chiến' khí đốt Nga-EU, Moscow phản pháo gắt bình luận 'sẽ phải tự đốt nhiên liệu', Mỹ chưa suy thoái

Nga-châu Âu tiếp tục căng thẳng liên quan nguồn cung khí đốt, EU gia hạn lệnh trừng phạt Moscow, Mỹ đối mặt nguy cơ suy thoái, Trung Quốc mở kho dự trữ thịt lợn, Hàn Quốc phát triển taxi bay… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Nhân viên kỹ thuật làm việc tại trạm bơm khí đốt tự nhiên ở Sayda, miền Đông Đức. (Ảnh: AP

Nhân viên kỹ thuật làm việc tại trạm bơm khí đốt tự nhiên ở Sayda, miền Đông Đức. (Ảnh: AP

Kinh tế thế giới OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2022 và 2023

Trong báo cáo hằng tháng công bố ngày 13/9, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022 và 2023. OPEC viện dẫn các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế chủ chốt đang hoạt động tốt hơn dự kiến, bất chấp "những cơn gió ngược" như lạm phát ngày càng tăng.

Báo cáo của OPEC cho hay, nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và 2,7 triệu thùng/ngày năm 2023, không thay đổi so với các mức dự báo được tổ chức này đưa ra trong tháng trước.

Tổ chức này dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và năm 2023 sẽ lần lượt ở mức trung bình 100 triệu thùng/ngày và 102,73 triệu thùng/ngày.

Theo OPEC, nhu cầu dầu trong năm 2023 dự kiến sẽ được hỗ trợ bởi tình hình kinh tế vẫn vững chắc ở các nước tiêu thụ chủ chốt, và một số yếu tố quan trọng khác như khả năng nởi lỏng các hạn chế phòng chống dịch Covid-19 và tình trạng bất ổn địa chính trị dịu bớt hơn.

Tuy nhiên, báo cáo của OPEC cho rằng triển vọng nhu cầu dầu thế giới vẫn đối mặt với một số rủi ro, xuất phát từ những căng thẳng địa chính trị hiện nay, tác động của đại dịch, các vấn đề về chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng, mức nợ chính phủ cao tại nhiều khu vực và xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh.

Trong báo cáo mới nhất, OPEC không thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,1% cho cả năm 2022 và 2023. (TTXVN)

Kinh tế Mỹ

* Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng nước này đối mặt với "nguy cơ" suy thoái vì cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể làm giảm tốc tăng trưởng, song bà vẫn bày tỏ lạc quan về tình hình kinh tế quốc gia.

Fed đang hướng tới mục tiêu "hạ cánh mềm" - đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% mà không gây ra suy thoái. Song đây là một động thái có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng đột biến. Tuy nhiên, bà Yellen tin rằng Fed có cách để đạt được mục tiêu trên.

Trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã giảm trong hai quý đầu năm 2022 và phù hợp với định nghĩa cổ điển về suy thoái, Bộ trưởng Yellen một lần nữa nhấn mạnh rằng điều này không phải thực tế.

Nhấn mạnh kinh tế Mỹ không nằm trong tình trạng suy thoái, bà Yellen cho rằng, thị trường lao động nước này vẫn đặc biệt vững mạnh, khi có gần hai vị trí tuyển dụng cho mỗi công nhân đang tìm việc. (AFP)

* Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch hạn chế các lô hàng xuất khẩu chất bán dẫn sử dụng cho các công cụ sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc vào tháng tới.

Theo nguồn tin trên, Bộ Thương mại Mỹ dự định công bố các quy định mới dựa trên những hạn chế được thông báo trong thư gửi đến ba công ty của Mỹ gồm KLA Corp, Lam Research Corp và Applied Materials Inc đầu năm nay.

Ba công ty trên cho biết, lá thư yêu cầu họ không xuất khẩu thiết bị sản xuất chip cho các nhà máy Trung Quốc sản xuất chất bán dẫn với quy trình dưới 14 nanomet trừ khi có giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Tân Hoa xã ngày 12/9 đưa tin, phát biểu tại một cuộc họp đặc biệt của Quốc vụ viện Trung Quốc, Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực triển khai các biện pháp chính sách nhằm ổn định tăng trưởng kinh tế, thị trường việc làm và giá cả.

Ông Lý Khắc Cường nêu rõ, Trung Quốc đã triển khai một gói chính sách hiệu quả để ổn định nền kinh tế một cách kịp thời. Do đó, các bộ, ban, ngành, địa phương cần đảm bảo thực thi các chính sách này. (THX)

* Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 13/9 thông báo sẽ cung cấp thêm thịt lợn cho thị trường từ kho dự trữ trung ương trong tuần này để đảm bảo nguồn cung ứng thịt lợn và duy trì ổn định giá cả.

Đây là lần thứ hai trong năm nay Trung Quốc quyết định “mở” kho dự trữ thịt lợn trong bối cảnh giá thịt lợn, thức ăn thiết yếu của người dân nước này, trong tháng 8/2022 đã tăng 0,4% so với tháng 7/2022 và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. (THX)

Kinh tế châu Âu

* Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/9 cho rằng, châu Âu không phải là nơi duy nhất tiêu thụ khí đốt của Nga và nhu cầu nhiên liệu ở các khu vực khác trên thế giới đã bù đắp cho thị trường các nước thành viên EU.

Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Áo Martin Kocher nhận định, việc châu Âu ngừng mua khí đốt Nga sẽ là “gánh nặng không thể chịu nổi” đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chính trị gia Áo cho rằng, với diễn biến sự kiện như vậy, Moscow sẽ chỉ còn cách “đốt” nhiên liệu.

Bình luận về tuyên bố của ông Kocher, ông Peskov nhấn mạnh: "Châu Âu không phải là khu vực tiêu thụ khí đốt tự nhiên duy nhất và châu lục này cần nhiên liệu để đảm bảo tốc độ phát triển cao". (TTXVN)

* Tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha đưa tin, các kho dự trữ khí đốt của châu Âu có thể cạn đáy vào đầu tháng Hai năm sau.

Ấn phẩm lưu ý: "160 cơ sở dự trữ khí đốt ở 18 quốc gia với tỷ lệ bơm đầy gần 83% chỉ đủ để cung cấp 21% lượng tiêu thụ hằng năm ở các nước thành viên EU".

Giờ đây các nhà chức trách châu Âu đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là đảm bảo lượng khí đốt dự trữ hiện tại đủ dùng cho cả mùa Đông. Do đó, các nước sẽ buộc phải giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và phân phối lại lượng dự trữ trong kho.

Báo La Vanguardia nhận định: "Có thể kéo dài đến tháng 3 năm sau, nhưng với điều kiện là Moscow nối lại nguồn cung khí đốt, dù chỉ với khối lượng nhỏ". (Sputnik)

* Ngày 13/9, phát biểu tại sự kiện Ngày của các nhà tuyển dụng Đức, Thủ tướng nước này Olaf Scholz kỳ vọng Berlin sẽ hoàn toàn độc lập với khí đốt của Nga vào cuối năm sau.

Theo nhà lãnh đạo Đức, nhờ các cơ sở nhập khẩu khí đốt hóa lỏng đang được xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023, nhu cầu khí đốt của nước này có thể được nhập từ Mỹ, Na Uy và nhiều quốc gia khác. Do đó, Berlin có thể hoàn toàn thoát khỏi phụ thuộc Nga về khí đốt. (TTXVN)

* Ngày 14/9, Hội đồng châu Âu quyết định gia hạn thêm 6 tháng, cho đến ngày 15/3/2023, đối với các biện pháp hạn chế nhắm vào các cá nhân và tổ chức tại Nga .

Các biện pháp hiện tại bao gồm hạn chế đi lại đối với cá nhân, đóng băng tài sản và cấm tạo quỹ hoặc các nguồn lực kinh tế khác cho những người và tổ chức được liệt kê. Các biện pháp trừng phạt sẽ tiếp tục được áp dụng đối với 1.206 cá nhân và 108 thực thể. (Reuters)

* Ngày 14/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres có cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt nhằm tháo gỡ những trở ngại còn tồn tại để thỏa thuận Biển Đen phát huy tối đa tác dụng trong việc đưa ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine và Nga ra thế giới.

Chia sẻ với báo giới kết quả tích cực từ cuôc điện đàm của ông với Tổng thống Nga, Tổng thư ký Guterres đồng thời vui mừng cho biết, những thành công của Sáng kiến Biển Đen tính tới thời điểm này đã giúp cho nguồn cung lương thực và phân bón được vận chuyển từ các cảng tại Ukraine tới các nơi trên thế giới. Việc này đóng vai trò đáng kể giảm bớt giá cả lương thực toàn cầu đang tăng chóng mặt mỗi ngày, vì đứt gãy chuỗi cung kể từ khi xung đột xảy ra ở Ukraine. (TTXVN)

* Cục trưởng Tổng cục Du lịch Liên bang Nga (Rostourism) Zarina Doguzova ngày 12/9 cho biết, lưu lượng khách du lịch tại Nga từ tháng 5-8/2022 lên tới khoảng 25 triệu lượt người - cao hơn so với năm 2021.

Theo bà Doguzova, nhu cầu đi du lịch ở Bắc Caucasus đã tăng lên từ các thành phố St. Petersburg, Moscow và các tỉnh Moscow, Nizhny Novgorod, Kazan.

Người đứng đầu Rostourism cho biết thêm: “Mùa thu vàng đang ở phía trước, mùa trượt tuyết bắt đầu - doanh số bán các tour du lịch và đặt phòng khách sạn trong giai đoạn này đã tăng gấp 2-3 lần nhờ chương trình hoàn tiền cho du khách của chúng ta”.

Tuy nhiên lượng khách du lịch đi nghỉ mát tại tỉnh miền Nam Krasnodar trong giai đoạn trên lại giảm so với năm 2021. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda ngày 9/9 cho biết, những biến động nhanh gần đây của đồng Yen là mối bất lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tiếp tục “điệp khúc” cảnh báo về sự bất ổn sau khi đồng tiền này lao dốc xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD.

Ông Kuroda nói: “Sự biến động nhanh của tỷ giá hối đoái là điều bất lợi vì chúng khiến cho hoạt động quản lý kinh doanh không ổn định và làm tăng sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế”. (Kyodo)

* Mở đầu phiên giao dịch sáng 14/9, đồng Won của Hàn Quốc đã giảm xuống dưới mức 1.390 won/ USD lần đầu tiên trong hơn 13 năm do lo ngại việc Mỹ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ.

Đồng Won đã được giao dịch ở mức 1.394,7 won/1 USD, giảm 21,1 won so với đóng cửa phiên trước. Đây là lần đầu tiên đồng won giảm xuống mốc 1.390 won/1 USD kể từ ngày 31/3/2009.

Đà rớt giá của đồng won tiếp diễn sau khi Chính phủ Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 8 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức dự đoán là 8%. (TTXVN)

* Tập đoàn “K-UAM Dream Team” (Hàn Quốc) ngày 14/9 cho biết sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ Di chuyển hàng không đô thị (UAM) hay còn gọi là taxi bay tại hòn đảo xinh đẹp Jeju vào năm 2025, coi đây là một phần trong nỗ lực trở thành người đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh taxi hàng không mới nổi ở Hàn Quốc.

Về chi phí và các chi tiết khác của dịch vụ taxi bay, đơn vị phát triển cho biết: “Vẫn còn một chặng đường dài trước khi thảo luận về phí dịch vụ. Chúng tôi sẽ tập trung vào những thứ lớn hơn trước, chẳng hạn như xây dựng hệ thống quản lý vận tải để thương mại hóa loại hình dịch vụ mới này”. (TTXVN)

Trong tháng 7/2022, chỉ số giá tiêu dùng tại Indonesia tăng lên mức 4,94% so với cùng kỳ năm ngoái do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như giá cả hàng hóa và năng lượng tăng cao. (Nguồn: Reuters)

Trong tháng 7/2022, chỉ số giá tiêu dùng tại Indonesia tăng lên mức 4,94% so với cùng kỳ năm ngoái do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như giá cả hàng hóa và năng lượng tăng cao. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN ngày 14/9, Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp (MITI) Malayisa Mohamed Azmin Ali kêu gọi các nước thành viên ASEAN xây dựng nền kinh tế số, công nghệ xanh để mang lại lợi ích trực tiếp và thiết thực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMEs), giới trẻ và người dân. (TTXVN)

* Ngày 13/9, chính phủ Thái Lan đã đồng ý tiếp tục cắt giảm thuế đối với dầu diesel thêm 2 tháng và gia hạn trợ giá điện cho đến tháng 12/2022 nhằm giảm thiểu tác động từ việc giá năng lượng cao.

Theo đó, Nội các nước này đã thông qua việc gia hạn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel bán lẻ là 5 Baht (0,14 USD)/lít đến hết ngày 20/11/2022. Tuy nhiên, động thái này sẽ khiến chính phủ mất khoảng 20 tỷ Baht (khoảng 555 triệu USD) tiền thuế.

Ngân hàng Thương mại Siam Plc đánh giá, lạm phát trong năm tới có khả năng vượt mục tiêu đề ra của Ngân hàng trung ương Thái Lan (từ 1-3%) do giá năng lượng và thực phẩm vẫn ở mức cao. Lạm phát có thể duy trì 6,1% trong năm nay nhưng sẽ giảm xuống còn khoảng 3,2% trong năm tới. (TTXVN)

* Ngày 13/9, Văn phòng Tổng thống Indonesia cho biết, chính phủ nước này sẽ xem xét lại mức lương tối thiểu và các quy tắc lao động khác, sau khi các tổ chức công đoàn phát động biểu tình trên toàn quốc phản đối tăng giá nhiên liệu bất chấp thu nhập của người lao động bị sụt giảm.

Theo một tuyên bố của Văn phòng Tổng thống, trước đó ngày 12/9, Chánh văn phòng tổng thống Heru Budi Hartono đã gặp gỡ các công nhân biểu tình trước cửa Phủ tổng thống ở khu vực trung tâm thủ đô Jakarta để thảo luận về các yêu cầu của họ.

Tỷ lệ lạm phát của Indonesia đạt 1,68% và 1,87% trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, trong tháng 7/2022, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên mức 4,94% so với cùng kỳ năm ngoái do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như giá cả hàng hóa và năng lượng tăng cao. Trong khi đó, lương tối thiểu chỉ tăng trung bình 1,09% trong năm 2022. (TTXVN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-9-159-nong-ray-cuoc-chien-khi-dot-nga-eu-moscow-phan-phao-gat-binh-luan-se-phai-tu-dot-nhien-lieu-my-chua-suy-thoai-198267.html