Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (9-15/10): Mạng 5G sẽ cứu vãn thế giới, Bỉ đã có cách thay thế Huawei, cách để kinh tế Việt Nam tăng thêm 109 tỷ USD
Bỉ đã có cách thay thế sản phẩm của Huawei, EU tiếp tục đạt thỏa thuận với Mỹ về cung cấp thuốc điều trị Covid-19, dòng vốn vào các thị trường mới nổi đang gặp vấn đề, cách để kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm 109 tỷ USD... là các tin kinh tế thế giới nổi bật trong tuần qua.
Kinh tế toàn cầu
Kinh tế toàn cầu sẽ giảm 4,4% trong năm 2020
Báo cáo khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế Iver (Đức) và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Tài khóa và Kinh tế châu Âu công bố mới nhất cho thấy, kinh tế toàn cầu sẽ giảm 4,4% trong năm 2020.
Trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, chỉ có Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng dương 2,3%, Mỹ và EU dự kiến sẽ lần lượt giảm 6,5% và 8,4% trong năm 2020. Báo cáo cho thấy, trong số các chuyên gia được hỏi, hơn 1/3 dự đoán phải đến năm 2022, kinh tế toàn cầu mới khôi phục trở lại mức trước đại dịch Covid-19; gần 1/5 dự đoán, đến năm 2023, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn; gần 1/4 bày tỏ lạc quan, dự đoán nền kinh tế sẽ phục hồi hoàn toàn vào đầu năm 2021. (TG&VN)
Mạng 5G có thể đóng góp 8.000 tỷ USD cho tăng trưởng GDP toàn cầu
Một nghiên cứu mới nhất của hãng Nokia Phần Lan dự báo, các ngành công nghiệp được hỗ trợ bởi mạng 5G có tiềm năng đóng góp 8.000 tỷ USD cho tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2030.
Nghiên cứu đã so sánh việc sử dụng mạng 5G ở 8 quốc gia: Phần Lan, Đức, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Saudi Arabia, kết quả cho thấy, châu Âu đang chậm chân hơn Mỹ và châu Á trong việc áp dụng các công nghệ 5G.
Tại Mỹ, 45% các công ty dự kiến đầu tư vào công nghệ 5G trong năm 2021. Trong khi đó, tại Phần Lan, con số này là 29%. Tuy nhiên, 11% các công ty của Phần Lan cho biết, họ hiện đã thực hiện đầu tư vào việc chuyển đổi sang mạng 5G. Khoảng 25% các công ty của Phần Lan lo bị mất lợi thế cạnh tranh nếu không đầu tư vào mạng 5G trong vòng 3 năm tới. Chỉ 13% cho rằng, họ không thấy liên quan gì giữa thành công của doanh nghiệp và việc áp dụng các công nghệ 5G.
Mặc dù đầu tư của các tập đoàn quốc tế vào mạng 5G đang gia tăng nhanh chóng, nghiên cứu của Nokia cho rằng, nhiều công ty mới chỉ khai thác được một phần nhỏ tiềm năng của mạng 5G. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng đầu tư trung và dài hạn và vào giá trị cốt lõi. Khoảng 1/3 các công ty Phần Lan cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch, họ đã tăng cường đầu tư vào công nghệ và dịch vụ số.
Dòng vốn vào các thị trường mới nổi đang gặp vấn đề
Viện Tài chính quốc tế (IIF) mới đây công bố báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế các nước mới nổi và đang phát triển, trong đó cho rằng, dòng vốn vào các thị trường mới nổi phục hồi chậm và không đồng đều, trong khi các nền kinh tế đang phát triển ngoài Trung Quốc và Ấn Độ đang có xu hướng chìm sâu vào suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Theo IIF, có hai yếu tố khiến kinh tế toàn cầu hiện nay rơi vào tình trạng suy thoái sâu rộng hơn cuộc suy thoái năm 2009, đó là (i) Trung Quốc không theo đuổi chính sách tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như năm 2009 và (ii) kinh tế Ấn Độ suy giảm mạnh mẽ. Báo cáo nêu cụ thể, năm 2020 ghi nhận dòng vốn đầu tư từ nước ngoài tại các thị trường mới nổi trong năm nay yếu hơn so với năm 2009, mặc dù đã có sự nới lỏng định lượng "chưa từng có", trong đó khu vực Mỹ Latinh chịu ảnh hưởng nặng nề không chỉ bởi đại dịch mà còn từ những vấn đề nội tại ở Venezuela và Argentina. (IFF)
Mỹ-EU
EU đạt thỏa thuận với Mỹ về cung cấp thuốc điều trị Covid-19. Ủy ban châu Âu (EC) mới đây cho biết, EU đã nhất trí với Công ty Gilead của Mỹ về việc cung cấp hơn 20.000 liều thuốc Remdesivir điều trị bệnh Covid-19, trong một nỗ lực nhằm giải quyết sự thiếu hụt thuốc ở các quốc gia châu Âu.
Người phát ngôn của EC cho biết, Brussels đã nhất trí với Công ty Gilead hôm 2/10 về việc cung cấp thêm gần 20.300 liều Remdesivir để điều trị cho khoảng 3.400 bệnh nhân Covid-19. EC cho biết đã trả 7 triệu Euro (tương đương với khoảng 8,2 triệu USD) để mua thuốc Remdesivir trong đợt mới này, ngoài 30.000 liều mà EU đã mua hồi cuối tháng 7. (Reuters)
Anh-EU
Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã có một vòng đàm phán tích cực nhất từ trước cho đến nay. Theo đó, hai bên đang tiến gần hơn đến thỏa thuận về các quyền an sinh xã hội cho công dân của họ trong giai đoạn hậu Brexit.
Vòng đàm phán thương mại tuần trước giữa Anh và EU là một trong những vòng đàm phán tích cực nhất cho đến nay giữa hai bên. Theo EU, Anh đã đưa ra những đề xuất “đáng hoan nghênh” về 9/10 lĩnh vực bảo vệ quyền an sinh xã hội cho những người di chuyển giữa các nước thành viên EU và Anh. Ngoài ra, các nhà ngoại giao EU cũng cho hay, Brussels đang chuẩn bị để đàm phán Brexit cho đến cuối tháng 11/2020 thay vì dừng các cuộc đàm phán vào đầu tháng 11/2020. Động thái này để tránh một kịch bản Brexit "không thỏa thuận" gây hại khi quá trình chuyển đổi bế tắc của Anh với EU kết thúc vào ngày 31/12.
Tuy nhiên, hai bên đã không đạt được đột phá trong các cuộc đàm phán tuần trước về ba vấn đề gây tranh cãi nhất, gồm ngư nghiệp, đảm bảo cạnh tranh công bằng và cách giải quyết tranh chấp trong tương lai. Nhưng các nguồn tin đánh giá triển vọng về một thỏa thuận tổng thể có vẻ "sáng" hơn và vẫn hy vọng, các bên có thể tìm được một thỏa thuận về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit, song vẫn nhấn mạnh rằng, các ngành công nghiệp của EU cũng phải sẵn sàng cho kịch bản gây nhiều thiệt hại kinh tế nhất. (Reuters)
Mỹ
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell ngày 6/10 cho biết, quá trình phục hồi kinh tế của Mỹ "chưa hoàn thành", đồng thời nhận định, việc không có các biện pháp hỗ trợ đầy đủ có thể tạo ra "những khó khăn không cần thiết" cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nước này. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, ông Powell nhấn mạnh các biện pháp chính sách tài khóa và tiền tệ cho đến nay đã hỗ trợ quá trình phục hồi mạnh mẽ nhưng chưa đầy đủ về phía cầu. Chủ tịch Powell cũng khẳng định, Fed sẽ duy trì lập trường chính sách tiền tệ phù hợp để đạt được mục tiêu lạm phát vừa phải trên 2% trong thời gian tới. (CNBC)
Tổng thống Donald Trump ngày 8/10 nhận định khả năng đạt được thỏa thuận với đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ về một gói kích thích mới cho nền kinh tế Mỹ đang chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 là “khá tốt”. Trả lời phỏng vấn với Fox News, ông Donald Trump cho biết, các bên đang “bắt đầu có một số cuộc thảo luận hiệu quả", đặc biệt là về các biện pháp hỗ trợ cho các hãng hàng không và khoản thanh toán trị giá 1.200 USD cho người lao động Mỹ. (AFP).
Số liệu công bố mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, đã có thêm 840.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần tính đến hết ngày 3/10, giảm 9.000 người so với một tuần trước đó. Số lao động xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm đáng kể so với mức đỉnh gần 7 triệu người hồi tháng 3/2020, song liên tục duy trì ở mức hơn 800.000 người trong những tuần gần đây. Theo Bộ Lao động Mỹ, con số này cao gấp 4 lần so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát vào mùa Xuân năm 2020. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy, làn sóng sa thải vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, mặc dù nhiều lao động cũng đã quay trở lại làm việc hay tìm được công việc mới. (Bộ Lao động Mỹ)
Trung Quốc
Trung Quốc đã chứng kiến nợ nước ngoài quá hạn tăng đều trong nửa đầu năm 2020 giữa bối cảnh chính phủ đưa ra các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tài chính xuyên biên giới. Theo Cục Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE), nợ nước ngoài quá hạn của Trung Quốc đứng ở mức 2.130 tỷ USD tính đến cuối nửa đầu năm 2020, tăng 75,1 tỷ USD so với cuối năm 2019, tăng 3,7%.
Mức tăng này diễn ra giữa bối cảnh Chính phủ Trung Quốc tung ra một loạt biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tài chính xuyên biên giới để hỗ trợ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong số các biện pháp này, Trung Quốc đã điều chỉnh một thông số quan trọng trong quản lý an toàn vĩ mô hồi tháng 3/2020 nhằm cho phép các doanh nghiệp trong nước gánh thêm nợ nước ngoài, đồng thời cắt giảm quy định hành chính để tiết kiệm thời gian và chi phí cho các công ty. Bắc Kinh cho rằng, quy mô nợ nước ngoài của nước này ở mức vừa phải và rủi ro nợ nước ngoài nhìn chung có thể kiểm soát được. (China.org.cn)
Số liệu được Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) công bố ngày 7/10 cho thấy, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tính đến cuối tháng 9 đạt 3.143 tỷ USD, giảm 22 tỷ USD (0,7%) so với cuối tháng 8, lần đầu tiên giảm sau 5 tháng tăng trưởng liên tục.
Theo SAFE, cung cầu trên thị trường ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 9 về cơ bản cân bằng, dòng vốn xuyên biên giới nhìn chung ổn định. Tác động tổng hợp của tỷ giá hối đoái và biến động giá tài sản đã làm giảm quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. SAFE cũng nhấn mạnh tình hình dịch bệnh và tình hình kinh tế trên thế giới diễn biến phức tạp, các nhân tố bất ổn, không xác định ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, các lợi thế và điều kiện phát triển của Trung Quốc không thay đổi, góp phần tích cực vào việc ổn định tổng thể quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. (Global Times)
EU
Nhà điều hành viễn thông hàng đầu của BỉProximus sẽ dần thay thế thiết bị của nhà sản xuất Trung Quốc Huawei bằng các sản phẩm của nhà cung cấp Phần Lan Nokia và Ericsson của Thụy Điển.
Proximus cho biết, họ đã đưa ra quyết định này trên cơ sở các tiêu chí công nghệ, hoạt động, tài chính và môi trường. Thủ đô Brussels của Bỉ là nơi đặt trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như Ủy ban châu Âu, khiến vấn đề đảm bảo an ninh mạng trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà chức trách nơi này. Song các nhà quan sát nghi ngờ áp lực chính trị có thể là một yếu tố thúc đẩy Proximus đi đến quyết định này.
Quyết định trên được đưa ra vào thời điểm Mỹ đang gây áp lực lên các đồng minh châu Âu để “tẩy chay” thiết bị mạng 5G do các công ty Trung Quốc sản xuất. Với cáo buộc Huawei là phương tiện hoạt động gián điệp, chuyển giao dữ liệu người dùng ở các nước cho Chính phủ Trung Quốc, từ ngày 15/9, Mỹ đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới, cấm các doanh nghiệp nước này cung cấp thiết bị hoặc dịch vụ cho Huawei. Các quốc gia khác bao gồm Anh, Australia, New Zealand và Ấn Độ đã tỏ rõ quan điểm cứng rắn đối với Huawei, trong khi Pháp và Italy đã tuyên bố giới hạn sử dụng đối với thiết bị mạng 5G của tập đoàn Trung Quốc này. (Reuters)
ECB khởi động các cuộc tham vấn về kế hoạch phát hành “đồng Euro kỹ thuật số". Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/10 đã khởi động một cuộc tham vấn cộng đồng và bắt đầu các thử nghiệm để giúp ngân hàng này đưa ra quyết định có hay không nên tạo ra một "đồng Euro kỹ thuật số" cho khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Động thái trên diễn ra giữa lúc đại dịch Covid-19 đang đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch khỏi tiền mặt và các nhà hoạch định chính sách quan ngại đến sự phát triển mạnh mẽ của các loại tiền điện tử tư nhân như Bitcoin. Đồng Euro kỹ thuật số sẽ là một phiên bản điện tử của đồng Euro và tiền xu. Nó sẽ được đấu thầu hợp pháp cũng như được đảm bảo bởi ECB. Việc triển khai đồng tiền này cũng sẽ cho phép các cá nhân lần đầu tiên được gửi tiền trực tiếp vào ECB. Điều này có thể an toàn hơn so với việc gửi tiền ở các ngân hàng thương mại có thể bị phá sản hoặc giữ tiền mặt. Nó sẽ cho phép công dân và các doanh nghiệp thực hiện việc thanh toán thường xuyên một cách nhanh chóng, dễ dàng và an toàn. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy hoạt động thanh toán trực tuyến, giữa bối cảnh mọi người tránh sử dụng tiền giấy và tiền xu vì lo ngại chúng có thể làm lây lan virus. (AFP)
Nhật Bản và Hàn Quốc
Các bộ, ngành của Nhật Bản đã đề xuất gói ngân sách lớn kỷ lục lên tới khoảng 997 tỷ USD cho năm tài khóa tới (bắt đầu từ 1/4/2021). Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, nhu cầu ngân sách lớn như vậy là bởi Chính phủ của tân Thủ tướng Yoshihide Suga đang cần khống chế đại dịch Covid-19 và vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Tổng mức chi tiêu ngân sách được đề xuất cho năm tài khóa 2021-2022 là 105.407,100 tỷ Yen (996,85 tỷ USD), vượt mức 105.000 tỷ yên được đưa ra cho năm tài khóa hiện tại. Nhu cầu triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và giảm bớt thiệt hại về kinh tế gây ra bởi đại dịch đã khiến các cơ quan chức trách của Nhật Bản đề xuất một gói ngân sách cao hơn cho tài khóa mới, giữa bối cảnh nước này đang rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất lịch sử. (TG&VN)
Hãng sản xuất điện tử hàng đầu Hàn Quốc Samsung Electronics ước tính lợi nhuận kinh doanh quý thứ III/2020 tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước, nhờ doanh thu tăng cao từ mảng kinh doanh điện thoại di động thông minh (smartphone) khi đối thủ Huawei chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong bản ước tính thu nhập, Samsung Electronics cho biết, ước tính lợi nhuận kinh doanh quý III tăng 58,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 12,3 nghìn tỷ Won (~10,6 tỷ USD). Samsung Electronics là công ty con của tập đoàn Samsung - tập đoàn do gia đình điều hành lớn nhất của “xứ sở Kim chi”, với tổng doanh thu của tập đoàn Samsung tương ứng với 1/5 GDP của Hàn Quốc. (Financial Times)
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Theo bản báo cáo mới công bố do hãng tư vấn Kearney của Mỹ và quỹ đầu tư EDBI của Cơ quan phát triển kinh tế Singapore thực hiện, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng thêm 109 tỷ USD trong 10 năm tới, tương đương 12% GDP, nếu đầu tư đúng mức vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện tại, Việt Nam (cùng với) Philippines đang bị bỏ rơi khá xa về mức đầu tư vào AI (bình quân đầu người) so với các nước trong khu vực với mức chi 3 Cent (USD)/người trong khi Singapore là 68 USD/người. (Saigontimes)
Số liệu của Bộ Nhân lực Singapore (MOM) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong tháng 8/2020 đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập niên. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của người dân Singapore tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng 7, lên mức 4,5%. Tuy nhiên, theo MOM, tỷ lệ thất nghiệp hàng tháng tính đến nay của Singapore vẫn thấp hơn so với các mức đỉnh điểm của các cuộc suy thoái trước đây.
Trong thời kỳ bùng phát Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) năm 2003, tỷ lệ thất nghiệp của Singapore là 6,2%, còn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là 4,9% vào tháng 9/2009. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng, tình hình tồi tệ nhất về tình trạng thất nghiệp của nước này vẫn chưa qua đi. Trong quý II/2020 tại “đảo quốc Sư tử”, 8.130 việc làm đã bị cắt giảm, so với 3.220 việc làm bị cắt giảm trong quý I/2020. Số liệu của quý II/2020 cao hơn mức đỉnh điểm trong giai đoạn dịch SARS năm 2003, nhưng dưới mức cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. (Strait Times)
Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, 12 công ty hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đang có kế hoạch đầu tư hơn 1.000 tỷ Rupiah (~67,57 tỷ USD) vào quốc gia Đông Nam Á này từ nay đến năm 2023. Trong một tuyên bố chính thức, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết, Bộ Công nghiệp Indonesia sẵn sàng giám sát việc thực hiện khoản đầu tư này vì nó sẽ rất hữu ích cho chương trình thay thế hàng nhập khẩu.
Các dự án trên tập trung vào lĩnh vực máy nông nghiệp và máy công cụ, công nghiệp hóa chất thượng nguồn và hạ nguồn, dược phẩm, kim loại, nhà máy luyện kim, điện tử và viễn thông, thủy sản, nước giải khát, thuốc lá, chất tẩy, dệt may, da giày, ô tô, khoáng sản phi kim loại, chế biến gỗ và trồng rừng. (Jakarta Post)