Kinh tế thế giới trước rủi ro địa chính trị ở châu Âu
Chiến sự giữa Nga và Ukraine đang diễn ra căng thẳng không chỉ gây ảnh hưởng cho những bên liên quan mà còn tác động đến nền kinh tế thế giới. Bởi nó có thể kéo theo tình trạng giá dầu, lúa mì tăng cao, lạm phát phi mã, còn thị trường chứng khoán bất ổn…
Theo AP, hồi tháng 4/2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng dầu thế giới thừa thãi đến mức giá một thùng dầu ở bang Texas, Mỹ đã giảm xuống dưới 0 USD và người bán thậm chí phải trả tiền để người mua lấy nó. Nhưng, chưa đầy hai năm sau, giá dầu quốc tế đã tăng trở lại và có lúc đạt ở mức trên 100 USD vào hôm thứ 5, khi Nga “phát động chiến dịch đặc biệt vào Ukraine”.
Mặc dù, Nga và Ukraine cùng nhau sản xuất ít hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới - tổng giá trị thị trường của hàng hóa và dịch vụ thành phẩm của cả hai quốc gia, song giao tranh căng thẳng sẽ làm gia tăng lạm phát hiện có. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tất cả, từ châu Âu, châu Á đến châu Phi.
Giá dầu tăng
Nga là quốc gia cung cấp chính về dầu mỏ, khí đốt và nguyên liệu thô cho các nhà máy khắp thế giới. Xứ sở Bạch Dương là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên đặc biệt quan trọng.
Châu Âu là nơi tiêu thụ gần 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu từ Nga, nên có khả năng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng giá khí đốt tăng vọt. Dự trữ khí đốt tự nhiên đang ở mức chưa tới 1/3 công suất, trong khi châu lục này có thể phải trải qua nhiều tuần lạnh giá sắp tới. Giá khí đốt hiện cao gấp 4 lần so với thời điểm đầu năm 2021.
Tuy nhiên, Đức, hôm thứ Ba, đã đình chỉ việc phê duyệt đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 như một phần của lệnh trừng phạt kinh tế của các quốc gia phương Tây đối với Nga. Giới chức châu Âu hy vọng mùa Đông không quá khắc nghiệt cùng khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ có thể giúp giảm bớt lo ngại của châu Âu về khả năng mất nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, giá gas cao đã dẫn đến chi phí cao hơn cho nhiên liệu sưởi ấm gia đình và ngành công nghiệp nặng phải cắt giảm sử dụng nhiên liệu này. Người tiêu dùng từ đó phải cắt giảm chi tiêu, khiến kinh tế châu Âu có thể bị suy yếu. Thực tế, tỷ lệ lạm phát hàng năm đã tăng lên 5,1% vào tháng Giêng ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro. Đó là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1997.
Giảm xuất khẩu lúa mì
Theo báo cáo gần đây của LHQ, giá thực phẩm toàn cầu đã lên mức cao nhất trong hơn thập kỷ qua, phần lớn là do chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong đại dịch COVID-19. Trong khi đó, Nga là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới và cùng với Ukraine, chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Đối với một số quốc gia, sự phụ thuộc còn lớn hơn nhiều. Nga chiếm hơn 70% tổng lượng lúa mì nhập khẩu của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ukraine cũng là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ 5 toàn cầu, từ lâu được gọi là “lò bánh mì của châu Âu”, và xuất khẩu hơn 40% sản lượng lúa mì, ngô sang Trung Đông hoặc châu Phi. Vì vậy, mối đe dọa của chiến sự đối với các trang trại ở miền Đông Ukraine và khả năng xuất khẩu qua các cảng biển Đen có thể làm giảm nguồn cung lúa mì vào thời điểm giá lương thực đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011. Một số khách hàng của Ukraine đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực.
Tháng trước, chuyên gia nông nghiệp Alex Smith đã viết về mối đe dọa này trong ấn phẩm Foreign Policy. Theo ông, nhiều quốc gia phụ thuộc vào lúa mì của Ukraine “đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực do bất ổn chính trị đang diễn ra”. Ví dụ, Yemen nhập khẩu 22% lúa mì từ Ukraine, Libya vào khoảng 43% hay Liban nhập khoảng 50%...
Bóng ma lạm phát
Giá năng lượng và lương thực tăng sẽ gia tăng áp lực lên các nhà hoạch định chính sách và các Ngân hàng Trung ương đang phải vật lộn để kiểm soát lạm phát. Công ty nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London ước tính, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến giá khí đốt tự nhiên tăng cao hơn và đẩy giá dầu lên tới 140 USD/thùng. Sự kết hợp đó sẽ cộng thêm hai điểm phần trăm vào lạm phát hàng năm ở các nước giàu trên thế giới, Capital Economics cho biết.
Tại Mỹ, giá hàng hóa, không bao gồm năng lượng và thực phẩm, tăng 7,5% trong 12 tháng kết thúc vào tháng Giêng. Đây là mức tăng hàng năm cao nhất trong 40 năm. Vào thứ Năm vừa qua, Hiệp hội ô tô Mỹ cho biết giá xăng trung bình trên toàn quốc ở xứ sở cờ hoa là khoảng 3,54 USD/gallon (khoảng 3,8 lít). Trong khi đó, 1 gallon xăng có giá 2,66 USD chỉ một năm trước đây.
Cổ phiếu lao dốc
Chiến tranh nổ ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều nhà đầu tư, khiến họ có xu hướng bán cổ phiếu để bảo vệ tài sản. Thực tế cho thấy ngay khi tin tức đầu tiên được đưa ra, giá trị cổ phiếu đã giảm ở hầu hết các thị trường tài chính trên thế giới.
Tại Nga, thị trường chứng khoán Moscow có lúc đã giảm gần 45% vào thứ Năm sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố về “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống lại Ukraine. Và đồng ruble của nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.
Các chỉ số thị trường ở châu Âu, châu Á và Mỹ đều giảm. Trước những lo lắng về chính trị quốc tế, Michael Taylor, giám đốc điều hành tại Moody’s Investors Service cảnh báo rằng các nhà đầu tư có thể chuyển sang đầu tư an toàn. Nếu điều đó xảy ra, nó có thể làm tăng chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp gặp rủi ro hơn.
Một số người khác lại lo ngại thị trường tài chính có thể trở nên rủi ro hơn nếu Mỹ cấm Nga tham gia vào mạng lưới thanh toán tài chính toàn cầu SWIFT. Mạng lưới liên kết hàng nghìn ngân hàng và cho phép họ trao đổi các khoản thanh toán trên khắp thế giới. Động thái như vậy sẽ cắt đứt các khoản thanh toán dầu mỏ cho Nga, vốn chiếm tới 40% doanh thu của quốc gia này. Đồng thời ở chiều ngược lại, nó cũng có thể gây tổn hại cho các công ty Mỹ, châu Âu kinh doanh với các công ty Nga.
Bà Elina Ribakova, nhà kinh tế học của Viện Tài chính quốc tế ở Washington, D.C. cho biết, rủi ro không chỉ giới hạn ở Nga, mà còn đối với tài chính toàn cầu. Các nhà phân tích đã đưa ra một loạt kịch bản từ nhẹ đến nghiêm trọng. Những thiệt hại mà kinh tế thế giới phải gánh chịu phụ thuộc vào liệu cuộc giao tranh kéo dài nhiều ngày hay nhiều tháng; phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt nào; và liệu Nga có trả đũa bằng cách dừng nguồn cung khí đốt quan trọng cho châu Âu hay không?...