Kinh tế thể thao từ chuyện sân đấu
Có rất nhiều khía cạnh, từ vĩ mô đến vi mô liên quan đến sự hình thành kinh tế thể thao, thế nhưng có lẽ không có ví dụ nào điển hình cho trở ngại mà ngành thể thao Việt Nam đang đối mặt, bằng chuyện cái sân.
Ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao, trăn trở: “Kinh tế thể thao Việt Nam còn gặp nhiều rào cản, mà nút thắt lớn nhất chính là các cơ chế, chính sách liên quan đến cơ sở vật chất. Các câu lạc bộ (CLB) chuyên nghiệp nếu không có sân riêng, cơ sở vật chất không đủ tốt sẽ không bao giờ phát triển được kinh doanh thể thao, bởi vì nguồn thu từ sân vận động là rất lớn. Hiện chúng ta chưa có chính sách giao sân cho các CLB để họ chủ động trong việc kinh doanh, tạo thêm nguồn thu”.
Có rất nhiều khía cạnh, từ vĩ mô đến vi mô liên quan đến sự hình thành kinh tế thể thao, thế nhưng có lẽ không có ví dụ nào điển hình cho trở ngại mà ngành thể thao Việt Nam đang đối mặt, bằng chuyện cái sân.
Tiêu biểu là việc 3 CLB đang chơi bóng tại V-League là Hà Nội, Thể Công - Viettel và CAHN đang dùng chung sân Hàng Đẫy. Giả sử bây giờ mà Hà Nội có đội thứ 4 đá V-League, những nhà tổ chức rất khó xếp lịch thi đấu. Câu chuyện tương tự từng diễn ra ở TPHCM, nơi có lúc Cảng Sài Gòn, Công an TPHCM và Hải quan dùng chung sân vận động Thống Nhất.
Để biết việc sở hữu (hoặc được giao quyền sử dụng) cái sân quan trọng và đem lại lợi ích như thế nào, hãy quay về với trường hợp của Trung tâm Thể thao Thành Long, cơ sở liên quan đến bóng đá đỉnh cao đầu tiên thuộc sở hữu tư nhân.
Trong khuôn viên có khách sạn, hồ bơi, hệ thống sân tập và hoạt động bổ trợ, cùng một sân bóng đủ tiêu chuẩn tổ chức các giải đấu quốc tế cấp thấp và giải hạng nhất quốc gia. Khi tổ chức các trận đấu tại đó, khán giả trước và sau khi vào sân xem đá bóng sẽ dành thời gian sử dụng một loạt dịch vụ giải trí.
Khi Trung tâm Thể thao Thành Long tiếp nhận đội hạng nhất TPHCM, họ cũng bán dịch vụ cho các đội khách đến thi đấu. Tiền thu của trung tâm này ít nhiều cũng sẽ phải nộp thuế cho địa phương sau thời gian hưởng ưu đãi đầu tư. Trong một khuôn khổ nào đó, mô hình này chính là “kinh tế thể thao”.
Nhưng thực tế như đã đề cập, tại Hà Nội hay TPHCM hiện nay, gần như chỉ có duy nhất một sân bóng đủ tiêu chuẩn tổ chức bóng đá đỉnh cao, mà lại là tài sản công. Các CLB phải đi thuê sân và gần như chỉ thu được tiền bán vé ở mỗi trận đấu. Họ sẽ không thể có các nguồn thu từ đặt biển quảng cáo cố định, thuê mặt bằng kinh doanh hoặc văn phòng trong khuôn viên sân hay thậm chí là tiền giữ xe xem bóng đá chứ chưa nói đến việc cho thuê địa điểm tổ chức các sự kiện lớn như hội chợ, âm nhạc…
Sân không được giao cho CLB, nhưng ngay chính ban quản lý sân, tức đơn vị đại diện cho nhà nước khai thác cơ sở vật chất, cũng khá khó khăn để tạo nguồn thu do cơ chế liên quan đến hợp tác kinh doanh với tư nhân. Thế nên, các sân bóng tại Việt Nam dù nằm ở những địa điểm trung tâm, là “đất vàng” nhưng lại gần như không tạo ra nguồn thu đáng kể nào để hướng đến cái gọi là kinh tế thể thao. Ở trường hợp ngược lại, việc cho thuê không đúng quy định ở khu liên hợp thể thao Mỹ Đình lại gây thất thoát tiền thuế.
Ngay chính việc tư nhân muốn bỏ tiền đầu tư để cùng khai thác, cũng vướng cơ chế trong hoạt động hợp tác công - tư, mà trường hợp của CLB TPHCM với sân bóng ở quận 7 là ví dụ. Thế nên, chỉ liên quan đến cái sân, các nhà đầu tư thể thao không tự chủ được, sẽ rất khó để nói về kinh tế thể thao.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kinh-te-the-thao-tu-chuyen-san-dau-post728025.html