Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam không ngừng hoàn thiện
Sáng 26/12, tại Đà Nẵng, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề 'Thực trạng, những vấn đề đặt ra và yêu cầu mới trong quá trình giải quyết mối quan hệ giữa Kinh tế thị trường định hướng XHCN - Nhà nước pháp quyền XHCN - Nền dân chủ XHCN trong hoàn thiện mô hình Chủ nghĩa xã hội Việt Nam'.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, TS. Bùi Trường Giang - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, việc chọn lựa mô hình phát triển kinh tế với sự định danh chính thức “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (với tư cách là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội) từ Đại hội IX (năm 2001) của Đảng là cả quá trình tìm tòi, phát triển lý luận, đúc kết thực tiễn phát triển trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới đất nước ở nước ta.
Chọn lựa ấy thực sự là sự đột phá trong tư duy và thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi lẽ đây là vấn đề lý luận và thực tiễn vừa mới mẻ, vừa hết sức phức tạp, gắn bó giữa việc nhận thức quy luật khách quan với phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
Đó cũng là kết quả một quá trình tìm tòi, thể nghiệm lâu dài, từ chưa đầy đủ đến ngày càng đầy đủ, từ chưa sâu sắc đến ngày càng sâu sắc hơn. Chủ trương có tính chiến lược này cũng được kế thừa, bổ sung, phát triển nhất quán trong Cương lĩnh (1991, 2011), trong các Văn kiện Đại hội X, XI, XII và XIII của Đảng và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013.
Về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Bùi Trường Giang cho rằng, ngay từ khi bắt đầu tiến hành đường lối Đổi mới, Đại hội VI (năm 1986) của Đảng ta đã thấy cần phải “thực hiện một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước”, “quản lý đất nước bằng pháp luật, chứ không chỉ bằng đạo lý”.
Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Khóa VII (1/1994) của Đảng đã chính thức xác định nhiệm vụ chiến lược: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Chủ trương này được khẳng định nhất quán cùng với nhiều bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội VIII đến Đại hội XIII của Đảng.
Về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Trong đó, Tổng Bí thư khẳng định: “Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.
Ông Bùi Trường Giang khẳng định, nhìn lại tiến trình lịch sử cách mạng của đất nước, của Nhân dân và của Đảng ta, có thể thấy rằng, những thành tựu mang tính lịch sử trong sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước ta có yếu tố quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, sự tham gia đồng bộ, trách nhiệm của hệ thống chính trị và Nhân dân, đặc biệt là trong quá trình giải quyết đúng đắn, hài hòa mối quan hệ mật thiết giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN - Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam - nền dân chủ XHCN Việt Nam, nhằm khẳng định con đường đi lên CNXH và không ngừng hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội của nước ta.
Dẫn Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là 3 trụ cột phát triển của đất nước.
Đối với thành phố Đà Nẵng, trong những năm qua đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ các chủ trương của Trung ương về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, thành phố luôn xác định việc thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển, tăng trưởng kinh tế gắn với việc bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tạo cơ hội cho tất cả mọi người dân thành phố được thụ hưởng một cách chính đáng các thành quả của tăng trưởng và phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Đồng thời, xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, xử lý kịp thời các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội; phát hiện và xử lý kịp thời các tiêu cực xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội để phát triển.
“Việc xác định rõ, thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường, bảo đảm đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để phát triển nhanh và bền vững ở nước ta hiện nay” - ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Các tham luận tại hội thảo tập trung phân tích, làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong quá trình xây dựng và hoàn thiện mô hình Chủ nghĩa xã hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng tập trung đánh giá việc giải quyết mối quan hệ; những vấn đề đặt ra trong giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong quá trình xây dựng và hoàn thiện mô hình Chủ nghĩa xã hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp giải quyết mối quan hệ giữa Kinh tế thị trường định hướng XHCN - Nhà nước pháp quyền XHCN - Nền dân chủ XHCN ở nước ta trong việc hoàn thiện mô hình Chủ nghĩa xã hội Việt Nam trong giai đoạn tới.