Kinh tế Thủ đô 70 năm không ngừng đổi mới, sáng tạo, bứt phá

70 năm sau ngày tiếp quản thủ đô, Hà Nội đã và đang dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, kinh tế xanh, kinh tế sạch, phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và vững vàng hơn.

Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu" diễn ra sáng 7/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay Ngay sau ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực, quyết tâm tái thiết Thủ đô, đẩy mạnh sản xuất, khôi phục đời sống kinh tế, xã hội.

Sẵn sàng trước vận hội mới

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hà Nội luôn là hậu phương vững chắc của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, với phương châm "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".

Càng tự hào hơn, Hà Nội đã làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không", tiêu biểu cho ý chí và bản lĩnh Việt Nam, được dư luận quốc tế công nhận là chiến thắng của lương tri và phẩm giá con người.

Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau ngày tiếp quản Thủ đô.

Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau ngày tiếp quản Thủ đô.

Bước vào thời kỳ Đổi mới, Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện, đạt được nhiều thành tựu trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.

Đến nay, GRDP bình quân đầu người đạt gần 6.300 USD, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 55 tỷ USD, đóng góp khoảng 16% GDP và 19% tổng thu ngân sách của cả nước. Các giá trị văn hóa được phát huy, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng vươn lên của mỗi người dân Thủ đô. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. TP Hà Nội được quốc tế vinh danh và công nhận là "Thành phố vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo".

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh với vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế. Định hướng phát triển của Hà Nội sẽ trở thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng và cả nước cùng phát triển.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo sáng nay, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng phát triển Thủ đô Hà Nội là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

“Vận hội mới của đất nước cũng chính là vận hội mới cho Thủ đô. Tầm nhìn mới của Thủ đô sẽ góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới", ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Chuyển mình theo hướng hiện đại, bền vững

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, cùng với cả nước, Hà Nội đang bừng sáng lên với một tư thế mới, diện mạo mới, sức sống mới; khẳng định vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Hà Nội cũng đang định vị trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế bằng những danh xưng cao quý là Thủ đô văn hiến và anh hùng, niềm tin và hy vọng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo...

Điều đó mang đến những cơ hội mới, động lực mới để Hà Nội hoàn thành mục tiêu đến năm 2030; tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045 như đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hà Nội đang phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, định hướng kinh tế xanh.

Hà Nội đang phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, định hướng kinh tế xanh.

Trước đó, tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững", về những dấu ấn đặc biệt nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội suốt 70 năm qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính) nhấn mạnh, vào năm 1954, khi tiếp quản Thủ đô, Hà Nội có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 130km2 cùng hơn 1.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.

Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ, việc đầu tiên mà Hà Nội làm được là xóa bỏ được nạn mù chữ vào năm 1957, từ đó tạo ra được bước chuyển lớn trong lực lượng lao động cũng như nâng cao ý chí độc lập, tự cường của Thủ đô.

Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, cũng như hậu phương chi viện cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp để hỗ trợ phát triển công nghiệp trong cả nước. Đến năm 1982, Hà Nội về cơ bản đã coi là hồi phục các cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội và có những bước tiến tốt hơn.

Đến năm 1986, Hà Nội đã trở thành trung tâm đổi mới về khoa học công nghệ, cùng với đó là thay đổi về cơ chế quản lý kinh tế giúp Thủ đô Hà Nội vươn lên là một trong những điểm sáng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của cả nước. Đến năm 1999, Hà Nội được tổ chức UNESCO vinh danh là TP vì hòa bình và đến năm 2000 thì được vinh danh là Thủ đô anh hùng.

Đến năm 2008, Hà Nội có bước đột phá khi mở rộng địa giới hành chính và trở thành một Thủ đô rộng lớn như hiện nay. Điều này đã khiến cơ cấu kinh tế của Hà Nội đang ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn.

Kể từ khi mở rộng, quy mô thu nhập của Hà Nội đã tăng rất mạnh mẽ trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023 với GDP thường là dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%.

Điều rất quan trọng là thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 đã lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của TP.HCM. Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ cũng như là sang kinh tế xanh, kinh tế sạch hơn, nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu" là một trong hai sự kiện cấp Quốc gia trong chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) do TP. Hà Nội tổ chức.

Dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng đại diện các Bộ, ban, ngành, lãnh đạo TP. Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học…

Hội thảo tập trung vào 3 nội dung chủ yếu. Một là, đánh giá ý nghĩa trọng đại của ngày Giải phóng Thủ đô, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tinh thần đại đoàn kết toàn dân, ý chí, quyết tâm và sức mạnh của quân và dân Thủ đô trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc; Phân tích những thành tựu đạt được của Thủ đô trong gần 40 năm Đổi mới.

Thứ hai, xác định ý nghĩa to lớn của ngày Giải phóng Thủ đô, đặc biệt những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong gần bốn mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.

Thứ ba, xác định định hướng, tầm nhìn mới, khát vọng vươn lên để phát triển Thủ đô "Văn hiến - văn minh - hiện đại" và kết nối toàn cầu.

Nam Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/kinh-te-thu-do-70-nam-khong-ngung-doi-moi-sang-tao-but-pha-1102853.html