Kinh tế toàn cầu có thể phải 'hạ cánh khó khăn'

Một trong những nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới cho biết, thị trường đang quá lạc quan về khả năng tránh suy thoái của các ngân hàng trung ương khi họ chống lại lạm phát ở Mỹ và châu Âu.

Daniel Ivascyn, Giám đốc đầu tư tại Pacific Investment Management Co. (Pimco) - công ty quản lý tài sản 1.800 tỷ USD - cho biết, ông đang chuẩn bị cho một cuộc “hạ cánh khó khăn hơn” so với các nhà đầu tư khác khi các ngân hàng trung ương hàng đầu tiếp tục chiến dịch tăng lãi suất.

“Các nhà hoạch định càng cảm thấy có động lực để thắt chặt (chính sách tiền tệ) thì càng có nhiều bất ổn xung quanh những độ trễ của các chính này. Khi đó, rủi ro về triển vọng kinh tế cực đoan càng lớn hơn”, ông cho biết, đồng thời lưu ý rằng, trong quá khứ, độ trễ có thể cảm nhận được tác động của việc tăng lãi suất là 5 - 6 quý.

“Chúng tôi cho rằng, thị trường có thể vẫn quá tin tưởng vào sự thành công của các chính sách chống lạm phạm của ngân hàng trung ương và khả năng tạo ra các kết quả tích cực. Ngoài ra, thị trường cũng hơi quá lạc quan về khả năng cắt giảm lãi suất chính sách của các ngân hàng trung ương nhanh như đường cong lợi suất đang ngụ ý”, ông cho biết.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều đã tăng lãi suất sau khi bị chỉ trích rằng họ đã phản ứng quá chậm khi lạm phát gia tăng.

Tại một hội nghị ở Sintra, Bồ Đào Nha trong tuần qua, những người đứng đầu các ngân hàng trung ương trên đều chỉ ra rằng có thể cần phải hành động nhiều hơn khi áp lực lạm phát vẫn còn. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite đã ghi nhận mức tăng trong nửa đầu năm mạnh nhất trong 40 năm, một phần do kỳ vọng rằng lãi suất của Mỹ sẽ sớm đạt đỉnh.

Tuy nhiên, lạm phát cơ bản đã dao động quanh mức 5% ở Mỹ và khu vực đồng euro trong những tháng gần đây, trong khi tăng cao tới 7,1% ở Anh trong tháng 5.

“Giờ đây, chúng ta đang thực sự đối đầu với lạm phát. Các ngân hàng trung ương có thể sẽ khó cắt giảm chính sách hơn ngay cả khi nền kinh tế đang suy yếu, miễn là lạm phát cao hơn mục tiêu 2% một cách thoải mái”, ông Daniel Ivascyn cho biết.

Pimco (thuộc sở hữu của công ty bảo hiểm Allianz của Đức) đang tái định vị các quỹ đầu tư của mình theo hướng “phòng thủ hơn và thanh khoản cao hơn” khi thu hút các nhà đầu tư trở lại sau một năm tồi tệ đối với các quỹ trái phiếu vào năm 2022.

Pimco đã bị rút ròng 75 tỷ euro vào năm ngoái, nhưng dòng tiền đã “được cải thiện đáng kể” khi các nhà đầu tư nắm bắt được lợi suất cao hơn hiện tại. Pimco đã thu hút được 14 tỷ euro trong quý đầu năm nay.

Mặc dù Pimco dự báo nền kinh tế Mỹ có nhiều khả năng sẽ “hạ cánh mềm”, ông Ivanscyn cho biết, tập đoàn này đang tránh các lĩnh vực của thị trường dễ bị tổn thương nhất trong suy thoái kinh tế.

“Một giao dịch tuyệt vời sẽ là tận dụng lợi thế của việc tái định giá ồ ạt của thị trường chung, sau đó chờ thị trường điều chỉnh trong vài năm tới rồi mới mua vào. Hãy giữ một tỷ lệ tiền mặt lớn trong danh mục, vì chúng tôi nghĩ rằng hai, ba năm tới sẽ là mục tiêu khá phong phú cho các cơ hội với lợi suất cao hơn”, ông cho biết.

Tuy nhiên, ông cảnh báo chu kỳ này có thể khác với các chu kỳ trước. Các ngân hàng trung ương có thể ít sẵn sàng hỗ trợ hơn vì sợ làm tăng giá cả.

“Đây có thể là một chu kỳ kéo dài vài năm với lạm phát cao nhưng các nhà hoạch định chính sách không ra tay giải cứu”, ông cho biết.

Việc Pimco chuyển sang đầu tư trái phiếu an toàn hơn là một phần trong quá trình chuyển đổi rộng lớn hơn của ngành sang các tài sản có thu nhập cố định chất lượng cao hơn. Cuộc khảo sát mới nhất về các nhà quản lý quỹ của Bank of America cho thấy các nhà đầu tư đang quan tâm nhiều nhất đến trái phiếu cấp độ đầu tư so với trái phiếu có lợi suất cao kể từ năm 2008.

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/kinh-te-toan-cau-co-the-phai-ha-canh-kho-khan-post106051.html