Kinh tế toàn cầu sáng sủa hơn trong năm 2024

Trong những dự báo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024, Liên hợp quốc cùng nhiều định chế tài chính, tổ chức kinh tế lớn đều đưa ra những nhận định tích cực hơn so với trước đó bởi các nền kinh tế lớn trên thế giới được cho rằng sẽ có mức tăng trưởng cao hơn.

Kinh tế toàn cầu được dự báo có triển vọng tăng trưởng tích cực hơn trong năm 2024

Kinh tế toàn cầu được dự báo có triển vọng tăng trưởng tích cực hơn trong năm 2024

Động lực từ các nền kinh tế mới nổi

Liên hợp quốc ngày 16-5 đã công bố Báo cáo Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới, trong đó đưa ra đánh giá lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024. Đây là bản báo cáo cập nhật tới giữa năm của Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới mà Liên hợp quốc công bố hồi tháng 1 vừa qua. Tại bản cập nhật mới nhất, Liên hợp quốc cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện so với dự báo trước đây; các nền kinh tế lớn đã tránh được suy thoái nghiêm trọng, dù vẫn đối mặt với một số thách thức. Hầu hết các nền kinh tế lớn đã nỗ lực giảm lạm phát mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và dẫn tới suy thoái.

Theo báo cáo mới của Liên hợp quốc, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2024 và 2,8% trong năm 2025, tăng nhẹ so với dự báo hồi đầu năm là 2,4% cho năm 2024 và 2,7% đối với năm 2025. Việc tổ chức lớn nhất thế giới này nâng dự báo kinh tế toàn cầu nhờ triển vọng kinh tế lạc quan hơn tại Mỹ, quốc gia có thể đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm nay, và một số nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Brazil, Ấn Độ và Nga. Trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới, kinh tế Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2024, tăng nhẹ so với mức 4,7% mà Liên hợp quốc đưa ra trong dự báo hồi tháng 1-2024. Tuy nhiên, Liên hợp quốc đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế chung của Liên minh châu Âu (EU) từ 1,2% xuống còn 1%.

Trước Liên hợp quốc, nhiều tổ chức và định chế tài chính lớn khác trên thế giới cũng điều chỉnh mức dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 này, theo đó cùng có chung nhận định rằng có mức tăng trưởng sáng sủa hơn so với dự báo trước đó. Nguyên nhân là do một số nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ hay các nền kinh tế mới như Ấn Độ, Brazil… và nhất là Nga cùng được dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đầu tháng 5 này đã công bố Báo cáo mới nhất, trong đó nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2024 từ mức 2,9% lên 3,1%, dự đoán tăng trưởng toàn cầu ổn định vào năm 2024 và 2025 dựa trên những dấu hiệu sáng sủa hơn về lạm phát. Theo Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann, kinh tế toàn cầu đã tỏ ra kiên cường, lạm phát đã giảm trong tầm ngắm của các mục tiêu của ngân hàng trung ương và rủi ro đối với triển vọng đang trở nên cân bằng hơn, vì thế tốc độ tăng trưởng toàn cầu ổn định trong năm 2024 và 2025.

Theo OECD, triển vọng tiếp tục khác nhau giữa các quốc gia, trong đó tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở Mỹ và nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi. Mỹ có dự báo tăng trưởng tăng lên 2,6% trong năm nay so với ước tính 2,1% mà tổ chức này đưa ra trước đó. Các nền kinh tế mới nổi tiếp tục là một động lực quan trọng của kinh tế thế giới. Theo OECD, kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến với mức tăng trưởng hiện được dự báo là 4,9% vào năm 2024 và 4,5% vào năm 2025, tăng từ mức 4,7% và 4,2% so với báo cáo hồi tháng 2. Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ ổn định 6,6% cho cả năm 2024 và 2025, trong khi Indonesia có thể đạt mức tăng 5,1% vào năm 2024, chuyển lên 5,2% vào năm 2025.

Trong báo cáo công bố ngày 14-5 vừa qua, Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới. OPEC cho rằng, bất chấp những rủi ro suy giảm, đà tăng trưởng liên tục được ghi nhận kể từ đầu năm nay có thể tạo thêm đà đi lên cho nền kinh tế thế giới trong năm 2024 và năm sau. Tổ chức này dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024 và 2025 sẽ lần lượt ở mức 2,8% và 2,9%.

Rủi ro từ xung đột địa chính trị, xung đột quân sự

Dù nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu, song Liên hợp quốc trong Báo cáo Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới cũng cho rằng, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 chỉ lạc quan một cách thận trọng, do tình hình lãi suất cao kéo dài, nợ xấu và rủi ro địa chính trị leo thang sẽ tiếp tục là rào cản đối với tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững. Liên hợp quốc cảnh báo, các cú sốc khí hậu nghiêm trọng đặt ra thêm nhiều thách thức cho triển vọng kinh tế toàn cầu, khiến thành tựu phát triển nhiều thập kỷ có thể bị đe dọa. Sự thay đổi chóng mặt về công nghệ - bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI) - đang mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng kèm theo rủi ro mới cho nền kinh tế thế giới.

Đầu tư toàn cầu tiếp tục đà đi xuống kể từ năm 2021 - với tăng trưởng đầu tư, được đo bằng tổng vốn cố định trên thực tế - ước đạt 2,8% trong năm 2023. Điều này phản ánh tình trạng sụt giảm mạnh về tăng trưởng đầu tư ở các nền kinh tế đang phát triển, từ mức 5,1% hồi năm 2022 xuống còn 3,7% vào năm 2023. Theo báo cáo, lãi suất cao, không gian tài khóa thắt chặt và các rủi ro địa chính trị được cho là nguyên nhân làm xói mòn tăng trưởng đầu tư.

Báo cáo Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới đánh giá, tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu vẫn yếu. Kim ngạch thương mại hàng hóa sụt giảm liên tục kể từ giữa năm 2022 và tiếp tục giảm 5% trong năm 2023. Đồng USD mạnh trở thành gánh nặng đối với hoạt động nhập khẩu, nhất là tại các nước đang phát triển và trên thực tế giao dịch thương mại Nam - Nam đã giảm tới 7% năm 2023. Ngược lại, khối lượng thương mại hàng hóa lại tăng trưởng nhẹ, báo hiệu khả năng phục hồi nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa nhập khẩu và thương mại toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2024.

Trong bối cảnh có nhiều những cú sốc lớn như các cuộc xung đột địa chính trị, xung đột quân sự gia tăng ở nhiều nơi và lãi suất cao đang trở thành rào cản, nền kinh tế toàn cầu được cho là đã chứng tỏ "khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên". Dù vậy, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có những hành động quyết đoán để bảo vệ những thành quả đã đạt được.

Do bối cảnh địa chính trị thế giới phức tạp khiến các dự báo rất không chắc chắn, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong đánh giá về những rủi ro có thể làm chệch hướng các kịch bản tăng trưởng kinh tế mà định chế tài chính này đưa ra có cho rằng, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào các tàu hàng, tàu dầu ở Biển Đỏ tiếp tục làm chệch hướng một số tuyến vận tải hàng hải nối châu Á và châu Âu tới mũi Hảo Vọng, ở cực Nam châu Phi.

Xung đột bùng phát ở Trung Đông có thể khiến giá một thùng dầu tăng vọt và làm phức tạp thêm các nỗ lực chống lạm phát. Báo cáo của IMF thậm chí mô tả một "kịch bản bất lợi", trong đó căng thẳng leo thang ở Trung Đông sẽ dẫn đến giá dầu tăng 15% và chi phí vận chuyển cao hơn sẽ khiến lạm phát toàn cầu tăng khoảng 0,7%.

Đồng quan điểm với IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, những căng thẳng ở Trung Đông sẽ làm ngưng hoặc thậm chí đảo ngược một số tiến bộ gần đây đạt được trong nỗ lực kiểm soát lạm phát trên toàn cầu. Trong báo cáo về thị trường hàng hóa toàn cầu, WB nhấn mạnh, cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel tại Dải Gaza đã khiến căng thẳng leo thang khắp khu vực, gây áp lực lên giá các mặt hàng quan trọng, đáng chú ý là dầu mỏ và vàng. Báo cáo đề cập đến kịch xấu nhất là giá dầu mỏ tăng nhanh có thể đẩy lạm phát toàn cầu lên cao.

Nhà kinh tế trưởng của WB Indermit Gill cho rằng, thế giới đang ở thời điểm dễ bị tổn thương và một cú sốc lớn về giá năng lượng có thể hủy hoại phần lớn tiến bộ trong nỗ lực giảm lạm phát trong hai năm qua.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kinh-te-toan-cau-sang-sua-hon-trong-nam-2024-post576849.antd